Bệnh hen là một bệnh mãn tính trên đường thở gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng về y tế, xã hội. Bệnh hen có thể xảy ra ở người lớn và trẻ em, xảy ra cao ở nhóm trẻ mà trong gia đình có người bị hen, trẻ có cơ địa dị ứng. Bệnh hen ở trẻ em là một bệnh nguy hiểm, rất cần các phương pháp để kiểm soát triệt để. Dưới đây là một số thông tin về căn bệnh này.
Cơ chế dẫn đến bệnh hen ở trẻ em
Có 2 cơ chế chính dẫn đến bệnh hen ở trẻ em đó là co thắt đường dẫn khí và viêm đường dẫn khí. Cơn co thắt đường dẫn khí gây cản trở không khí hít vào cũng như thở ra tại phổi gây ra các cơn khó thở ở trẻ.
Tình trạng viêm đường dẫn khí làm hẹp đường dẫn khí lại và tiết dịch nhầy làm cho trẻ bị ho, khò khè, ngộp thơ hoặc khó thở.
Các dấu hiệu chẩn đoán bệnh hen ở trẻ em
Trẻ bị hen thường có các biểu hiện như khó thở, ho, khò khè và nặng ngực. Các cơn ho có thể tái đi tái lại nhiều lần, nặng hơn vào ban đêm. Các cơn khó thở có thể nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố nào đó như thay đổi thời tiết, thức ăn…
Ở trẻ 2 tuổi, rất khó để chẩn đoán xem trẻ có đúng bị bệnh hen hay không bởi hiện tượng thở khò khè, khó thở không chỉ xuất hiện khi trẻ bị hen mà còn liên quan đến nhiều bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Vì vậy, rất cần có sự can thiệp của các bác sỹ rồi mới áp dụng các phương pháp điều trị cho trẻ.
Các đối tượng có nguy cơ bị hen
Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào có thể khẳng định chắc chắn những trẻ nào có bị bệnh hen hay không. Tuy nhiên, những trẻ sau thì có nguy cơ mắc bệnh hen hơn những đối tượng khác:
Trẻ có người thân trong gia đình bị hen: Cụ thể nếu bố mẹ bị hen thì khả năng trẻ bị hen là 50%, nếu một trong 2 bố mẹ bị hen thì xác suất trẻ bị hen là 30%. Hen gặp ở trẻ nhỏ thì gọi là hen sữa.
Những trẻ có cơ địa dị ứng cũng có nguy cơ bị bệnh cao hơn các trẻ bình thường khác. Đó là những trẻ bị viêm mũi dị ứng, chàm, hay nổi phát ban, dị ứng hoặc mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết, dị ứng với thuốc lá, khí than, bếp ga, lông súc vật, nấm mốc, bụi, hóa chất…
Điều trị và phòng ngừa bệnh hen ở trẻ em như thế nào?
Các phương pháp thường được áp dụng để điều trị bệnh hen ở trẻ em gồm có: điều trị cắt cơn, điều trị dự phòng và kiểm soát bệnh bằng cách sử dụng các loại thuốc dạng xịt, hoặc thuốc chống viêm. Tuy nhiên, nhiều người thường mắc sai lầm đó là bệnh nhân chỉ dùng thuốc cắt cơn khi có triệu chứng mà không điều trị phòng ngừa cơn. Làm như vậy có thể xảy ra những cơn hen kịch phát gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc lạm dụng thuốc cắt cơn còn dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, càng về sau càng phải tăng liều, khi cơn hen cấp xảy ra ngày càng nặng hơn. Còn với những bệnh nhân mặc dù có điều trị dự phòng nhưng không đều đặn, khi thấy bệnh ổn định thường hay ngưng dùng thuốc vì chủ quan hoặc lo ngại tác dụng phụ do dùng thuốc kéo dài, tốn kém… điều này càng làm cho bệnh trở nên khó điều trị hơn khi tái phát.
Mục tiêu điều trị hen mà tổ chức phòng chống hen toàn cầu đề ra là giúp người bệnh có những kiến thức đầy đủ về bệnh hen, biết theo dõi và xử lý những diễn biến của bệnh, nhất là khi nào cần phải nhập viện cấp cứu. Giúp người bệnh trở thành bác sĩ của chính mình. Điều trị dự phòng là yếu tố quan trọng nhất.
Tuy không phải là phương pháp đảm bảo rằng chắc chắn người bệnh sẽ không bị hen, nhưng dưới đây là một số phương pháp giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh, đó là:
- Không để trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá.
- Khi mang thai, người mẹ nên tránh thuốc lá, rượu, chất gây nghiện để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hen cho con sau này.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với không khí ô nhiễm, giảm thiểu các yếu tố làm tăng cơn hen trong nhà như bụi, nấm mốc, gián, lông động vật, tránh cho trẻ tiếp xúc với nước hoa, keo xịt tóc, sơn hoặc các chất tẩy rửa gia dụng.
Bảo Ngọc