Sự thay đổi của hormone trong suốt quá trình mang thai khiến mẹ bầu có nguy cơ cao gặp phải một số bệnh lý trong đó có tình trạng huyết áp thấp. Huyết áp thấp khi mang thai khiến mẹ bầu phải chịu những triệu chứng khó chịu và có thể gây ảnh hưởng đến cả em bé trong bụng. Vậy đâu là nguyên nhân gây bệnh và cách khắc phục ra sao?
Mục lục
Huyết áp khi mang thai bao nhiêu là thấp?
Huyết áp tiêu chuẩn ở người bình thường là 120/80 mmHg, nếu chỉ số huyết áp dưới mức này thì gọi là huyết áp thấp.
Còn với phụ nữ mang thai, huyết áp thường thấp hơn và đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mẹ bầu thường bị chẩn đoán là huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp dưới 90/60 mmHg.
Thông thường, huyết áp của phụ nữ mang thai sẽ trở về bình thường từ tháng thứ 3 hoặc tháng thứ 4 của thai kỳ. Nếu tình trạng huyết áp thấp khi mang thai kéo dài mẹ bầu nên đi thăm khám thường xuyên để được bác sĩ hướng dẫn phương pháp cải thiện phù hợp để tránh những biến chứng xấu đến sức khỏe của mẹ cũng như với thai nhi.
Nguyên nhân gây huyết áp thấp khi mang thai
Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Nó có thể tăng hoặc giảm vào một số thời điểm nhất định trong ngày và nó có thể thay đổi nếu bạn cảm thấy phấn khích hoặc lo lắng.
Huyết áp thay đổi tùy thuộc vào mức năng lượng, cảm xúc, lối sống và mức độ căng thẳng của người phụ nữ . Huyết áp cũng có thể tăng cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào thời gian trong ngày.
Theo hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, huyết áp ở người bình thường là 120/80 mmHg, dưới mức này có thể được coi là huyết áp thấp. Huyết áp thấp khi mang thai được chẩn đoán khi chỉ số huyết áp nhỏ hơn 90/60 mmHg.
Khi mang thai, lưu lượng máy tăng từ 1,2 – 1,5 lần so với bình thường để cơ thể có đủ máu cho cả mẹ bầu và thai nhi. Điều đó dẫn đến sự thay đổi nội tiết tố progesterone khiến mạch máu dãn ra và dẫn đến tình trạng huyết áp thấp.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong cơ thể bạn khi mang thai cũng ảnh hưởng đến huyết áp của bạn. Khi mang thai, hệ thống tuần hoàn của bạn mở rộng nhanh chóng cũng có thể gây giảm huyết áp.
Huyết áp thấp là biểu hiện thường gặp trong 24 tuần đầu của thai kỳ. Nguyên nhân dẫn tới huyết áp thấp khi mang thai
- Người gầy ốm, thiếu máu, ăn kém, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính và các yếu tố di truyền
- Hoạt động tuyến giáp suy giảm làm cơ thể thiếu hụt hormon gây ra chứng huyết áp thấp khi mang thai
- Hàm lượng đường trong máu giảm xuống mức dưới 2.5 mmol/l cũng gây run rẩy, mệt mỏi, vã mồ hôi
- Tình trạng thiếu máu có lượng hemoglobin thấp dưới mức 9g/dl máu. Lượng hemoglobin thấp khiến cho lượng ô xy vận chuyển tới não và tim bị suy giảm, gây choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, huyết áp thấp khi mang thai
- Stress và di truyền cũng là những nguyên nhân gây huyết áp thấp khi mang thai
Triệu chứng của huyết áp thấp khi mang thai
Bệnh huyết áp thấp tuy không gây nguy hiểm tuy nhiên chúng lại có những biểu hiện gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt và công việc của các mẹ bầu. Mẹ bầu bị huyết áp thấp thường gặp phải những triệu chứng như:
- Hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn
- Mệt mỏi, có khi bị ngất xỉu đặc biệt là sau khi đứng lên quá nhanh
- Khó thở, thở gấp, thở nông
- Khát ngay cả khi vừa uống nước xong
- Da nhợt nhạt
- Giảm thị lực: mờ mắt, hoa mắt
Huyết áp thấp khi mang thai nếu nghiêm trọng có thể khiến cho mẹ bầu hay bị ngất xỉu do thiếu máu lên não, khó thở do thiếu oxy, bị ngã nên rất dễ gây tổn thương cho mẹ và thai nhi. Thêm nữa, huyết áp thấp khiến cho bào thai không đủ lượng máu để phát triển dễ gây các biến chứng thai sản ngoài ý muốn như: thai chết lưu, trẻ sinh non, trẻ sinh ra bị còi cọc, thiếu cân…
Vì vậy, khi gặp phải những biểu hiện trên bạn nên báo cho bác sĩ ngay trong lần khám thai để bác sĩ có thể làm thêm một số xét nghiệm kiểm tra xem cơ thể có tiềm ẩn thêm căn bệnh nào khác không để chắc chắn rằng cả mẹ và thai nhi khỏe mạnh.
➤ Có thể bạn nên xem: Các triệu chứng của huyết áp thấp
Bà bầu bị huyết áp thấp nguy hiểm như thế nào?
Huyết áp thấp khi mang thai là phản ứng tự nhiên của cơ thể nên nó thường không nghiêm trọng và sẽ tự cải thiện từ tháng thứ 3 – 4 thai kỳ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài có thể tiềm ẩn một số nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Một trong những rủi ro đáng lo nhất với những bà bầu bị huyết áp thấp chính là nó có thể khiến mẹ bầu dễ bị té ngã do choáng váng, ngất xỉu nếu đứng dậy quá nhanh sau khi ngồi hoặc nằm. Tình trạng này có thể gây va đập mạnh vừa khiến mẹ bầu bị thương vừa ảnh hưởng đến thai nhi.
Ngoài ra, nếu bệnh phát triển nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc hoặc tổn thương nội tạng. Cùng với đó, bệnh có thể khiến cho việc vận chuyển máu đến thai nhi trở nên thiếu hụt, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng cho quá trình phát triển của thai nhi dẫn đến tình trạng trẻ nhẹ cân. Nghiêm trọng nữa là có thể khiến thai chết lưu, sinh non.
Điều trị huyết áp thấp khi mang thai
Huyết áp thấp trong thai kỳ có thể (hoặc không cần) điều trị bằng thuốc. Biện pháp khắc phục huyết áp thấp còn tùy thuộc vào nguy cơ sức khỏe của nó với thai phụ; chẳng hạn, nếu thai phụ bị mất nước thì sẽ được chỉ định truyền nước.
Tuy nhiên, một số phụ nữ trải qua các đợt huyết áp thấp bất thường có thể cần dùng thuốc. Bất kỳ nguy cơ nào gây ra giảm huyết áp, chẳng hạn như thiếu máu hoặc mất cân bằng nội tiết tố, sẽ cần phải được điều trị trước tiên.
Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng một loại thuốc nào đó mà thai phụ dùng gây ra tình trạng huyết áp thấp thì họ có thể cung cấp một loại thuốc thay thế khác.
Các biện pháp khắc phục huyết áp thấp khi mang thai tại nhà
Nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý
Điều quan trọng cần nhớ cho những bà bầu bị tụt huyết áp thường xuyên là nên thực hiện mọi hành động thật chậm rãi. Ngồi dậy từ từ khi ngủ dậy, đứng lên từ từ khi ngồi lâu. Ngoài ra, bạn cần tránh những hành động vội đứng lên quá nhanh, đột ngột khi đang ngồi, tránh đứng hoặc ngồi lâu một chỗ khiến cho máu dồn xuống chân để ngăn ngừa tình trạng chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Với tư thế nằm, nên nằm nghiêng về một bên thay vì nằm ngửa. Nằm nghiêng sẽ khiến dây thần kinh hông và vùng lưng dưới không bị đau. Nằm nghiêng bên trái thay vì nằm nghiêng bên phải cũng có thể giúp tăng lưu lượng máu đến tim, từ đó giúp ổn định cơ thể. Cuối cùng, hãy mặc quần áo rộng, thoải mái nhằm tránh hiện tượng chóng mặt và mệt mỏi.
Nếu bị chóng mặt, nên nhanh chóng ngồi xuống cho đến khi ngừng cảm giác hoa mắt. Nên dứng dậy một cách từ từ. Nếu cảm thấy dường như mình sắp ngất thì nên ngồi hoặc nằm xuống nhẹ nhàng, hít thở đều và sâu.
Khi mang thai không nên để cơ thể làm việc quá sức, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, nghỉ ngơi giữa giờ làm. Nên mặc quần áo rộng, tránh mặc quần áo bó để máu dễ dàng lưu thông.
Ngoài ra, bà bầu cũng không nên thức khuya và cần nghỉ ngơi hợp lý đúng giờ đảm bảo một ngày ngủ đủ 8 tiếng vì thiếu ngủ cũng là nguyên nhân gây hạ huyết áp.
Chế độ ăn uống khoa học
Có chế độ ăn uống đa dạng, giàu chất dinh dưỡng bổ sung đẩy đủ những loại rau củ quả giàu xơ, sắt, vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe…tránh xa các loại đồ uống có caffein và thức uống có cồn, chất kích thích trong suốt thai kỳ để cơ thể khỏe mạnh, giảm các triệu chứng mà huyết áp thấp gây ra.
Chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày thay vì chỉ bổ sung 3 bữa ăn chính vì không chỉ huyết áp tụt mà lượng đường huyết trong cơ thể cũng bị giảm nhanh. Vì vậy, việc chia nhỏ bữa ăn hàng ngày không chỉ tránh được tình trạng huyết áp thấp mà còn giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.
Mẹ bầu cũng hãy cân nhắc về việc tăng lượng muối hấp thụ hàng ngày nếu bạn bị huyết áp thấp khi mang thai. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc lượng muối tiêu thụ thích hợp để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Điều hòa tâm trạng
Căng thẳng, stress cũng dễ khiến cho huyết áp bị tụt. Để giảm căng thẳng, stress bà bầu nên áp dụng một số bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, tập yoga, thiền, đọc sách, nghe nhạc… vừa giúp cơ thể hưng phấn hơn vừa giúp nâng cao sức khỏe.
Uống đủ nước mỗi ngày
70% cơ thể chúng ta là nước và với bà bầu lượng nước cho cơ thể cũng tăng lên và cần thiết hơn bình thường. Đặc biệt là trong những tháng đầu mang thai phụ nữ thường phải đối mặt với những triệu chứng ốm nghén, nôn mửa làm cơ thể bị mất nước dẫn đến tình trạng tụt huyết áp. Nếu lượng nước trong cơ thể mẹ không được bổ sung kịp thời, nó sẽ làm nghẽn sự vận chuyển máu vào bào thai khiến cho thai nhi chậm phát triển.
Vì vậy trong thời gian này mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, bổ sung tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày bằng cách uống nước sôi để nguội hoặc các loại sinh tố, nước hoa quả, sữa…
Theo dõi huyết áp thường xuyên
Theo dõi huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh lý do huyết áp gây ra, đặc biệt những bà bầu có tiền sử cao huyết áp hay huyết áp thấp nên trang bị ngay một máy đo huyết áp trong nhà để theo dõi huyết áp và nhịp tim hàng ngày, nếu có bất thường cần nhanh chóng đến thăm khám tại các trung tâm y tế uy tín.
Khi nào cần tới gặp bác sĩ
Huyết áp thấp là tình trạng thường gặp khi mang thai trong những tháng đầu. Tuy nhiên, nếu xuất hiện một trong những biểu hiện sau thì sản phụ cần nhanh chóng đến các trung tâm y tế chuyên khoa để thăm khám kịp thời:
- Thường xuyên bị chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Bị ngất xỉu hoặc chóng mặt kèm theo biểu hiện đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực hoặc khó thở
- Đau ngực và cảm giác tê hoặc yếu một bên cơ thể
- Người có tiền sử huyết áp thấp cần thông báo với bác sĩ trong lần khám thai đầu tiên để bác sĩ có thể theo dõi suốt quá trình mang thai.
- Tình trạng huyết áp thấp kéo dài đến tam cá nguyệt thứ ba
Huyết áp thấp khi mang thai là hiện tượng khá bình thường cũng như phổ biến trong những tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, bạn vẫn không nên vì thế mà chủ quan. Thông báo với bác sĩ ngay khi phát hiện để được theo dõi, điều trị các triệu chứng huyết áp thấp khi mang thai ngay từ sớm để giúp cả mẹ và bé luôn vui vẻ và khỏe mạnh.
➤ Đọc tiếp: Cách chữa trị cho bệnh nhân huyết áp thấp