Khi thời tiết thay đổi, tôi hay bị hắt hơi sổ mũi, khó thở, ho và hiện tượng đó kéo dài, đặc biệt là vào buổi sáng khiến tôi rất khó chịu. Tôi đã uống thuốc để giảm triệu chứng dị ứng nhưng bệnh vẫn tái phát. Có cách nào trị dứt điểm được không? (Thu Hằng – Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk)
Theo mô tả của bạn, có thể nghĩ tới chứng viêm mũi dị ứng. Đây là một trong những bệnh phổ biến nhất hiện nay. Bệnh không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Nó cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến viêm xoang mạn tính.
Bệnh xuất hiện do những chất dị nguyên trong môi trường sống như bụi, lông súc vật, nấm mốc, phấn hoa… Bệnh phát sinh không phải do vi khuẩn, viêm nhiễm, tổn thương mà hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Triệu chứng rõ ràng nhất của viêm mũi dị ứng là ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài, không thể kiểm soát được. Khi hắt hơi nhiều kéo theo cảm giác đau đầu do các cơ phải co thắt; chảy nước mũi, dịch trong suốt không có mùi; ngạt mũi. Đối với người mắc viêm mũi dị ứng, rất khó tiên lượng khi nào có cơn viêm mũi dị ứng vì các dị nguyên trong không khí quá nhỏ, không nhìn thấy được.
Việc điều trị viêm mũi dị ứng hiện nay đối với cả Đông và Tây y đều rất khó khăn, hầu như chỉ có thể giúp thoát khỏi các triệu chứng khó chịu trong một thời gian nhất định và bệnh sẽ tái phát khi gặp các tác nhân gây dị ứng.
Đối với người mắc chứng này, các bác sĩ chuyên khoa có đưa ra một số lưu ý để giúp hạn chế cơn khởi phát.
+ Nên hạn chế đi lại vào mùa phấn hoa. Tránh tiếp xúc các tác nhân dị ứng như giảm bụi trong nhà cũng như ngoài đường, tránh tiếp xúc lông động vật, hoa có mùi thơm hoặc nhiều phấn, mùi lạ, khói thuốc lá.
+ Khi có hiện tượng ngứa mắt mũi, tránh dụi mắt, mũi. Đặc biệt, phải giữ ấm cơ thể vào buổi sáng.
+ Nhỏ xịt mũi khi ngạt bằng các thuốc co mạch giúp thông mũi (lưu ý sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ).
+ Tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung vitamin C, vitamin qua thực phẩm hoặc vitamin tổng hợp.
BS Nguyễn Mạnh