Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính phổ biến hiện nay. Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp không xác định được nguyên nhân, chỉ có khoảng 10% số người mắc bệnh là có nguyên nhân cụ thể, được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Vậy tăng huyết áp thứ phát là bệnh gì? Làm thế nào để nhận biết và điều trị bệnh đúng cách? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn ngay trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Tăng huyết áp thứ phát là gì?
Huyết áp cao, hay còn gọi là tăng huyết áp, là một tình trạng gây ra bởi áp lực máu trong lòng mạch cao hơn so với bình thường. Bạn sẽ được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) ≥ 90mmHg.
Tăng huyết áp thứ phát là tình trạng huyết áp cao xác định được nguyên nhân cụ thể, thường do một số bệnh lý trong cơ thể gây ra.
Tăng huyết áp thứ phát rất hiếm gặp, chỉ xảy ra ở 5 – 10% dân số nên mọi người thường chủ quan và không phải lúc nào cũng phát hiện ra bệnh. Tuy không phổ biến nhưng tăng huyết áp thứ phát lại có thể gây nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng cho cơ thể. Do vậy, việc hiểu rõ về bệnh lý này để nhận biết sớm và có phương hướng điều trị đúng đắn, kịp thời là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát là do đâu?
Căn nguyên của bệnh tăng huyết áp thứ phát rất đa dạng, có thể do nhiều bệnh và tình trạng sức khỏe khác nhau gây ra. Các nguyên nhân này thường được chia thành 4 nhóm chính sau đây:
Nguyên nhân do thận

Một số bệnh thận có thể khiến bạn bị tăng huyết áp thứ phát, bao gồm:
☛ Bệnh thận do đái tháo đường: Thận được cấu tạo bởi hàng triệu mạch máu nhỏ có vai trò như một máy lọc để lọc máu và đào thải các chất dư thừa trong cơ thể ra ngoài qua nước tiểu. Tình trạng đường máu cao kéo dài trong bệnh đái tháo đường có thể làm phá hủy hệ thống lọc của thận, gây xơ hóa cầu thận dẫn đến suy thận và kèm theo là tăng huyết áp.
☛ Bệnh thận đa nang: Bệnh thận đa nang là một bệnh di truyền mà trong đó người bệnh có một số lượng lớn các u nang phát triển ở cả hai bên thận. Sự phát triển của các nang thận này sẽ phá vỡ cấu trúc và ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của thận, gây thiếu máu cục bộ ở các mô thận, kết quả dẫn đến sự gia tăng bài tiết renin có liên quan đến tăng huyết áp.
☛ Bệnh cầu thận: Quá trình lọc chất thải và muối của cơ thể xảy ra chủ yếu ở cầu thận. Khi cầu thận bị viêm và tổn thương, quá trình lọc này sẽ bị cản trở, gây ứ nước trong cơ thể và có thể dẫn đến tăng huyết áp. Do vậy, người bệnh viêm cầu thận mạn tính thường bị tăng huyết áp ngay từ giai đoạn đầu.
☛ Thận ứ nước: Trong trường hợp này, sỏi hoặc dị dạng đường tiết niệu có thể gây tắc đường dẫn nước tiểu của bạn, khiến một phần hoặc toàn bộ thận bị giãn căng do chứa đầy nước tiểu. Sự tắc nghẽn này có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp.
Nguyên nhân do nội tiết

Một số bệnh lý nội tiết có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone trong cơ thể bạn và gây ra tình trạng tăng huyết áp thứ phát. Dưới đây là các bệnh nội tiết thường gặp gây tăng huyết áp mà bạn cần biết:
- Hội chứng Cushing: Cortisol là hormone tham gia vào điều hòa huyết áp và phản ứng với stress. Khi bạn mắc hội chứng Cushing, nồng độ cortisol máu tăng cao trong thời gian dài (có thể do sử dụng thuốc corticosteroid hoặc tuyến thượng thận tăng tiết) sẽ dẫn đến tăng huyết áp. Bệnh thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ.
- Hội chứng Conn (Cường Aldosteron nguyên phát): Là bệnh lý trong đó tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormon aldosteron. Hậu quả là gây giữ muối và nước, ức chế bài tiết renin, hạ kali máu làm tăng huyết áp.
- Tăng sản vỏ thượng thận bẩm sinh: Do sự thiếu hụt enzyme 17 α-hydroxylase và 11 β-hydroxylase gây ra tăng huyết áp kèm theo hạ kali máu do tăng deoxycorticosterone.
- U tủy thượng thận: Đây là 1 dạng u thượng thận hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng tăng tiết quá nhiều hormone adrenaline và noradrenaline của tủy thượng thận, dẫn đến huyết áp tăng rất cao (trên 200 mmHg) và tăng huyết áp từng cơn.
- Các vấn đề về tuyến giáp: Tuyến giáp không sản xuất đủ hormon (suy giáp) hoặc sản xuất quá nhiều hormone (cường giáp) có thể dẫn đến tăng huyết áp.
- Cường cận giáp: Các tuyến cận giáp có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nồng độ canxi và photpho trong cơ thể bạn thông qua các hormon. Nếu bạn mắc bệnh cường cận giáp, các tuyến này sẽ tăng tiết hormon PTH làm tăng lượng canxi trong máu và gây tăng huyết áp.
Nguyên nhân do mạch
- Co thắt động mạch chủ: Động mạch chủ bị thu hẹp buộc tim phải bơm mạnh hơn để đưa máu qua động mạch chủ và các cơ quan khác của cơ thể khiến huyết áp của bạn tăng cao.
- Tăng huyết áp tân mạch: là tình trạng tăng huyết áp do hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch thận. Nguyên nhân chính của nó là xơ vữa động mạch ở bệnh nhân trung niên, cao tuổi và loạn sản cơ xơ ở bệnh nhân trẻ tuổi.
Các nguyên nhân khác

- Chứng ngưng thở lúc ngủ: Đây là một tình trạng không hiếm gặp nhưng thường hay bị bỏ qua. Bệnh lý này đặc trưng bởi các cơn ngưng thở trong khi ngủ gây thiếu oxy từng đợt. Không nhận đủ oxy có thể làm lớp niêm mạc của thành mạch máu tổn thương, mạch máu bị yếu dần dẫn đến khó kiểm soát huyết áp hơn.
- Béo phì: Khi bạn tăng cân, lượng máu chảy qua cơ thể và nhịp tim của bạn cũng tăng lên. Điều này gây tăng thêm áp lực lên thành động mạch, dẫn đến tăng huyết áp. Ngoài ra, chất béo tích tụ khi bị béo phì có thể giải phóng các chất hóa học cũng khiến huyết áp của bạn tăng cao.
- Thai kỳ: Tăng huyết áp trong thai kỳ bao gồm tăng huyết áp mạn tính, tiền sản giật và sản giật. Tăng huyết áp mạn tính có thể xảy ra trước khi mang thai hoặc mang thai trước 20 tuần tuổi, trong khi hai trường hợp còn lại thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
- Do thuốc: Tăng huyết áp do thuốc là nguyên nhân đáng kể của tăng huyết áp thứ phát. Một số loại thuốc được cho là có tác dụng phụ gây tăng huyết áp như: Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), cam thảo, thuốc cường giao cảm, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai nội tiết, thuốc thông mũi có phenylephrine hoặc pseudoephedrine,…
Triệu chứng của tăng huyết áp thứ phát là gì?

Tăng huyết áp thứ phát thường không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cụ thể, ngay cả khi huyết áp của bạn đã cao đến mức nguy hiểm.
Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết tình trạng tăng huyết áp thứ phát nếu bạn bị huyết áp cao kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây:
- Tăng huyết áp đột ngột khởi phát trước 25 tuổi hoặc sau 55 tuổi.
- Huyết áp tăng rất cao – huyết áp tối đa trên 180 mmHg hoặc huyết áp tối thiểu trên 120 mmHg khi khởi bệnh.
- Huyết áp cao không đáp ứng với thuốc hạ huyết áp (tăng huyết áp kháng trị).
- Khởi bệnh đột ngột, bệnh trở nặng trong vòng dưới 1 năm.
- Không có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp.
- Không béo phì.
- Có triệu chứng ở nhiều cơ quan khi khởi phát bệnh.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào loại tình trạng hoặc bệnh lý đang mắc kèm cùng huyết áp cao, người bệnh tăng huyết áp thứ phát có thể xuất hiện một số biểu hiện của các bệnh lý nguyên nhân, có thể bao gồm:
- U tủy thượng thận: Đổ mồ hôi, tăng tần số/ nhịp tim, đau nhức đầu, lo lắng.
- Hội chứng Cushing: Tăng cân, suy nhược cơ thể, mọc lông bất thường trên cơ thể, mất kinh (ở phụ nữ), các vết màu tím trên da bụng.
- Các vấn đề về tuyến giáp: Mệt mỏi, tăng hoặc giảm cân, không chịu được cảm giác nóng hoặc lạnh.
- Hội chứng Conn: Suy nhược do lượng kali trong cơ thể thấp.
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Mệt mỏi quá mức, ngáy hay ngưng thở khi ngủ, buồn ngủ vào ban ngày.
Biến chứng của tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp thứ phát có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý nguyên nhân mà bạn đang mắc phải. Không chỉ vậy, tăng huyết áp thứ phát nếu không được điều trị kịp thời còn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như:
- Tổn thương động mạch: Tăng huyết áp kéo dài gây tổn thương, cứng và dày động mạch (xơ vữa động mạch), cuối cùng có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng nguy hiểm khác.
- Phình mạch: Huyết áp tăng có thể làm cho mạch máu yếu đi và phình ra, tạo thành chứng phình động mạch. Các túi phình này nếu bị vỡ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Suy tim: Do áp suất máu trong mạch cao hơn bình thường, cơ tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi, lâu ngày có thể dẫn đến suy tim.
- Biến chứng trên thận: Hẹp động mạch thận, suy thận,…
- Các mạch máu trong mắt dày lên, hẹp hoặc rách: Điều này có thể dẫn đến suy giảm, mất thị lực.
- Hội chứng chuyển hóa: Hội chứng này bao gồm một nhóm các rối loạn chuyển hóa của cơ thể như béo bụng, chỉ số HDL thấp, huyết áp cao và mức insulin cao.
- Suy giảm trí nhớ hoặc nhận thức: Huyết áp cao không kiểm soát có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và trí nhớ.
Tăng huyết áp thứ phát gây ra những ảnh hưởng xấu không chỉ đến sức khỏe mà còn đến cuộc sống sinh hoạt, làm việc hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm tăng huyết áp thứ phát và điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm do bệnh lý này gây ra.
Chẩn đoán tăng huyết áp thứ phát như thế nào?
Việc đầu tiên cần làm khi chẩn đoán tăng huyết áp thứ phát là bác sĩ sẽ đo huyết áp của bạn để xác định tình trạng tăng huyết áp.

Bác sĩ sẽ không chỉ dựa vào một chỉ số huyết áp cao hơn bình thường để chẩn đoán tăng huyết áp. Thay vào đó, bạn có thể cần ít nhất hai lần đo huyết áp trong ít nhất 2 buổi thăm khám để có thể chẩn đoán bệnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát và các tổn thương cơ quan đích có thể có, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: creatinin và urê máu, nồng độ canxi và kali trong máu, kiểm tra chức năng tuyến giáp,…
- Xét nghiệm hình ảnh: Siêu âm thận, chụp cắt lớp tương phản (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp X-quang ngực….
- Điện tâm đồ: ECG hoặc EKG.
Điều trị tăng huyết áp thứ phát
Tình trạng tăng huyết áp thứ phát của bạn sẽ kéo dài chừng nào nguyên nhân gây bệnh vẫn còn đó. Do vậy, phương pháp điều trị tăng huyết áp thứ phát quan trọng nhất là phải phát hiện và loại bỏ được nguyên nhân gây tăng huyết áp. Khi các bệnh lý căn nguyên được chữa khỏi, huyết áp của bạn sẽ giảm và thậm chí có thể trở về bình thường.
Điều trị tình trạng bệnh lý cơ bản gây tăng huyết áp thứ phát bao gồm điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh là gì mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thích hợp nhất cho bạn:
- Đối với nguyên nhân gây bệnh là do các khối u, bạn có thể cần phải phẫu thuật để điều trị tình trạng này.
- Đối với tăng huyết áp do thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc thay đổi loại thuốc điều trị khác cho bạn để vẫn đảm bảo tác dụng chữa bệnh mà không gây huyết áp cao.
- Đối với tăng huyết áp do mất cân bằng nội tiết và các tình trạng khác, bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng thuốc để điều trị.

Bên cạnh đó, trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể phải tiếp tục sử dụng các thuốc hạ huyết áp để kiểm soát huyết áp của mình trong quá trình điều trị, đặc biệt là các trường hợp huyết áp tăng rất cao như u tủy thượng thận, tiền sản giật,… Căn cứ vào tình trạng sức khỏe và bệnh mắc kèm, bác sĩ sẽ lựa chọn cho bạn nhóm thuốc điều trị phù hợp nhất.
Ngoài ra, để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần kết hợp thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống để kiểm soát tốt huyết áp của mình. Một số biện pháp người bệnh tăng huyết áp thứ phát có thể thực hiện như:
- Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
- Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày (dưới 1500 mg Na/ngày, tương đương với 2/3 thìa cà phê muối).
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ít chất béo, nhiều đạm, vitamin và khoáng chất từ rau củ, hoa quả,…
- Tăng cường vận động, tập luyện thể dục, thể thao vừa sức.
- Không dùng thức uống có cồn, không hút thuốc và tránh xa khói thuốc
- Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc có thể gây tăng huyết áp.
- Ngủ đủ giấc (7 – 8 tiếng/ngày), tránh căng thẳng thần kinh.
- Tự theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà.
- Thăm khám sức khỏe thường xuyên hơn cho đến khi huyết áp của bạn được kiểm soát.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp thứ phát có thể được điều trị dứt điểm và tránh được các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Do vậy, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm nhằm đảm bảo sức khỏe của bản thân một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21128-secondary-hypertension
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/secondary-hypertension/symptoms-causes/syc-20350679
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544305/#