Sốt là một triệu chứng thường gặp của rất nhiều bệnh. Có lúc dễ dàng tìm được nguyên nhân gây sốt, nhưng cũng có lúc sốt không rõ nguyên nhân…
Khi nhiệt độ cơ thể tăng trên 37,5 độ C (có khi lên đến trên 40 độ C) thì được gọi là sốt. Trung bình thân nhiệt tăng lên 1 độ C thì nhịp tim tăng 10-15 nhịp/phút.
Phải lấy nhiệt độ cứ 1-3 giờ/lần để theo dõi mức độ sốt và quy luật các cơn sốt. Sốt cao trên 39-40 độ C có nguy cơ gây co giật, nhất là trẻ em. Lúc đó, phải dùng thuốc hạ sốt hoặc chườm lạnh để hạ nhiệt độ xuống trước khi tìm nguyên nhân. Nếu không tìm cách hạ nhiệt ngay, bệnh nhân có thể bị co giật và tử vong.
Sốt là một biểu hiện của nhiều bệnh, đa số là do nhiễm khuẩn, nhưng cũng có trường hợp không do nhiễm khuẩn. Một số nguyên nhân gây sốt hay gặp:
Sốt trong vài ngày
Nguyên nhân ở vùng miệng, họng: Thường gặp ở trẻ em mọc răng sữa, người lớn mọc răng khôn; viêm họng, viêm amiđan, đau lợi, đau họng, nuốt khó và đau, đôi khi ho. Khám thấy lợi, họng, amiđan sưng, đỏ, có khi có mủ hoặc giả mạc. Cần chụp răng, khám họng.
Nhiễm khuẩn ở bộ máy hô hấp: Viêm khí phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi, apxe phổi, thường có biểu hiện sốt, ho khạc đờm hay máu, đau ngực, khó thở. Cần chụp X-quang lồng ngực, xét nghiệm đờm, máu.
Nhiễm khuẩn hệ thống thận-tiết niệu: Viêm bàng quang, viêm mủ bể thận, viêm cầu thận cấp. Người bệnh có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ít, nước tiểu đục hay hồng, có phù, đau vùng thắt lưng. Cần xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận, siêu âm, chụp X-quang vùng thận-tiết niệu.
Nhiễm khuẩn ở gan mật: Viêm đường mật, áp-xe gan, viêm gan do virus. Thường kèm theo sốt, vàng da, vàng mắt, đau vùng gan.
Viêm khớp, cơ, thấp tim: Tại vùng cơ, khớp, sưng, nóng, đỏ, đau; cầm nắm các đồ vật khó, hạn chế hoặc không đi lại được. Cần chụp X-quang khớp, xét nghiệm máu lắng máu, xét nghiệm yếu tố về khớp.
Nhiễm khuẩn não-màng não: Có sốt, nôn, nhức đầu. Có khi co giật, liệt nửa người, hôn mê. Xét nghiệm nước não tủy, máu.
Tắc tia sữa, áp-xe vú: Do nhiễm khuẩn tuyến sữa, biểu hiện vú sưng, đau, nóng, đỏ. Sữa chảy ra màu trong hay vàng.
Sốt có phát ban: Thường do các loại virus. Gặp ở các bệnh sởi, thủy đậu, rubêon. Thường có viêm long đường hô hấp, nên thấy hắt hơi, sổ mũi, ho. Sau khi sốt 3 ngày đến 1 tuần thì phát ban rõ.
Sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột liên tục từ 2 đến 7 ngày. Sau đó có biểu hiện xuất huyết như: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài, có những chấm hoặc mảng xuất huyết ở dưới da, đôi khi có xuất huyết nội tạng. Xét nghiệm máu bạch cầu hạ.
Cúm: Sốt, hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy.
Sốt kéo dài (trên 10 ngày)
1 .Các trường hợp sốt liên tục gồm:
Thương hàn: Sốt kéo dài, liên tục, kèm theo li bì, hoảng hốt, mê sảng, môi khô, lưỡi trắng, phân lỏng. Đau bụng vùng hố chậu phải. Đặc biệt nhiệt độ tăng nhưng mạch không tăng tương ứng.
Lao: Sốt nhẹ dai dẳng, thường sốt về chiều, kém ăn, sút cân. Nếu lao phổi thường ho, khạc đờm kéo dài, có thể ho ra máu.
Viêm nội tâm mạc bán cấp loét sùi: Trên người có bệnh tim, sốt dai dẳng, lách to, tiểu ra máu, ngón tay dùi trống. Cần cấy máu, siêu âm tim.
Bệnh leptospira: Khởi phát đột ngột, sốt cao kéo dài. Có dấu hiệu kiệt nước, da vàng đỏ, tổn thương về gan, thận, dấu hiệu thần kinh như mê sảng, hoảng hốt, đau các bắp cơ.
2. Các trường hợp sốt có chu kỳ:
Sốt rét: Thường gặp ở vùng núi cao, đôi khi ở vùng đồng bằng. Biểu hiện ban đầu là cơn rét run, sau đó sốt nóng 40-41 độ C, kết thúc cơn sốt là vã mồ hôi. Hết sốt, người bệnh trở lại bình thường… Hôm sau lại lên cơn sốt và thường xảy ra đúng vào giờ hôm trước.
Sốt hồi quy: Sốt cao liên tục trong vòng 1 tuần sau đó hết sốt vài ngày, rồi lại sốt cơn tiếp theo. Toàn thân mệt nhọc, bơ phờ. Gan, lách to, đau. Xét nghiệm máu tìm thấy xoắn khuẩn hồi qui.
3. Các trường hợp sốt dao động:
Nung mủ sâu: Ở các cơ quan như áp-xe gan, mủ bể thận, áp xe não, nhiễm khuẩn huyết và sốt kéo dài ở người nhiễm HIV…
Các nhiễm khuẩn ngoại khoa: Gồm các bệnh viêm nhiễm trước và sau mổ ở các vết thương; viêm da, cơ, hậu bối, bỏng nhiễm khuẩn, viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn đường mật, viêm xương…
Ngoài ra, sốt có thể không do nhiễm khuẩn mà do cơ thể phản ứng lại các tác nhân gây bệnh: say nóng, say nắng, sau tiêm chủng văcxin, sau truyền máu. Sốt có thể do tiêu hủy tổ chức (sau chảy máu, sau gãy xương), do rối loạn nội tiết (cơn cường giáp) hay do tăng sinh tổ chức (trong ung thư và bệnh về máu).
Trong thực tế, không phải bệnh nào cũng đầy đủ các triệu chứng của nó, mà có thể bị che lấp bởi dấu hiệu của các bệnh khác kèm theo. Cho nên khi bị sốt, cần đến bác sĩ để được khai thác các triệu chứng và khám xét một cách toàn diện, được theo dõi và kịp thời xử trí đúng đắn.
Ngày nay, với các trang thiết bị hiện đại, việc tìm nguyên nhân sốt có nhiều thuận lợi, nhiều người bệnh được cứu chữa khỏi. Tuy nhiên, đôi khi vẫn gặp những trường hợp sốt không rõ nguyên nhân, việc chẩn trị cần phải có các thày thuốc giàu kinh nghiệm lâm sàng thì người bệnh mới có thể qua khỏi được.
Nguồn: Sức Khỏe Đời Sống