Đường huyết của mỗi người biến động từ trước khi ăn đến sau khi ăn. Đây là mối quan tâm không chỉ của người bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) mà còn của tất cả những ai quan tâm đến sức khỏe và vóc dáng của mình.
Tăng đường huyết là gì?
Tăng đường huyết là có quá nhiều glucose trong máu, phản ánh sự dư thừa glucose tại các mô của cơ thể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu đường huyết lúc đói lớn hơn hoặc bằng 1,26g/l (7mmol/l) là có tăng đường huyết. Nếu đường huyết thử vào bất cứ lúc nào trong ngày lớn hơn hoặc bằng 2g/l (11mmol/l) là tăng đường huyết sau bữa ăn.
Vì sao đường huyết tăng?
Cơ quan có nhiệm vụ điều chỉnh và ổn định lượng đường trong máu là tuyến tụy, thông qua nội tiết tố insulin. Nếu vì lý do nào đó mà insulin không được bài tiết đủ để giải quyết lượng đường trong máu thì đường huyết cao hơn mức bình thường. Tình trạng đó nếu kéo dài thì bệnh ĐTĐ xuất hiện. Điểm khác biệt giữa người bình thường và bệnh nhân ĐTĐ là thời gian để lượng đường trong máu sau bữa ăn trở về trị số sinh học kéo dài hơn ở người bị bệnh – khoảng thời gian này càng lâu, bệnh càng nặng.
Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh tiểu đường
Những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường đã được chẩn đoán xác định, cần theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm sau đây:
- Đường huyết cao trên 15 mmol/L;
- Triệu chứng khát nước nhiều, đi tiểu nhiều tăng lên;
- Đau chân khi đi lại;
- Vã mồ hôi, run chân tay;
- Đau bụng, nôn, buồn nôn;
- Có các biểu hiện của biến chứng như lú lẫn, ý thức chậm chạp hoặc hôn mê, sốt kéo dài, tê chân tay, loét chân, đau ngực, khó thở, tiểu ít, phù, mờ mắt, liệt, ho kéo dài…
Ngoài ra cũng cần chú ý đến các biến chứng nặng có tính chất cấp cứu của những bệnh nhân tiểu đường để xử trí kịp thời như:
– Hôn mê tăng thẩm thấu: Bệnh nhân tiểu đường đang điều trị có thêm các tình trạng làm mất nước như sốt, dùng thuốc lợi tiểu, uống ít nước do một lý do nào đó… hoặc dùng thuốc làm tăng đường huyết như steroid…
Bệnh nhân có biểu hiện khát nước tăng lên, ý thức chậm chạp, ngủ nhiều rồi đi dần vào hôn mê.
– Hôn mê nhiễm toan-ceton: Bệnh nhân tiểu đường đang dùng insulin tự ý bỏ thuốc hoặc có thay đổi chế độ dùng thuốc như do nhầm lẫn, hay có thêm biểu hiện của bệnh nhiễm trùng, chấn thương. Biểu hiện của tình trạng cấp cứu là bệnh nhân tiểu nhiều, buồn nôn và nôn, đau bụng, ý thức chậm chạp dần rồi đi vào hôn mê.
– Hôn mê hạ đường huyết: Đây là tình trạng bệnh nhân bị hạ đường huyết do uống thuốc hay tiêm thuốc insulin quá liều hoặc dùng thuốc đúng liều nhưng bệnh nhân bỏ ăn, ăn ít; hoạt động thể lực nhiều hơn ngày thường.
Triệu chứng xảy ra bao gồm ý thức chậm chạp, lú lẫn, vã mồ hôi, run chân tay, cảm giác đói dữ dội và nặng thì gây hôn mê.
Những bệnh nhân tiểu đường khi xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở trên phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không được tự ý chăm sóc bệnh tại nhà để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh