Người bị bệnh viêm khớp khi thay đổi thời tiết thường đau, nhất là khi độ ẩm tăng cao (làm cho các bao gân cơ ở khớp dễ bị co cứng hơn).
Thay đổi thời tiết tức là thay đổi áp suất không khí nên dây thần kinh cảm giác cảm nhận thay đổi. Người viêm khớp khi thay đổi thời tiết thường đau, nhất là khi độ ẩm tăng cao (làm cho các bao gân cơ ở khớp dễ bị co cứng hơn).
Khi có bệnh tiềm tàng, gặp yếu tố thời tiết sẽ kích ứng, như chất xúc tác làm cho cơn đau khởi phát. Ngoài ra, khi làm việc căng thẳng, sẽ dễ đau cột sống cổ do co cứng cơ tại chỗ. Nhiều người than phiền về tình trạng đau nhức mỏi khớp xương, thậm chí đã uống thuốc cả Đông và Tây y nhưng không khỏi…
Thuốc làm bệnh nặng
Ông Doãn Văn T.(77 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) nhập Bệnh viện Bạch Mai, khoa Cơ xương khớp ngày 10/3 trong tình trạng chân tay co quắp, khớp sưng phù nề và đau nhức. Ông đã… tự chữa ở nhà bằng thuốc bột mua ở hiệu thuốc gần nhà, 5.000 – 6.000/gói, uống thấy đỡ đau nên cứ đau lại dùng (!). Khoảng 1 tuần nay ông đau dữ dội, dùng thuốc đó vẫn không đỡ nên chuyển sang tiêm ở một cơ sở tư nhân. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ xác định ông bị viêm khớp dạng thấp, ông đã sử dụng coticoid bừa bãi nên bây giờ lãnh hậu quả.
Theo TS Trần Minh Hoa, phó khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, đau khớp chỉ là trệu chứng của các tình trạng khớp tăng cảm giác đau gây hạn chế vận động. Cảm giác đau ấy có thể do va chạm, chấn thương, co cơ một cách sinh lý, bệnh lý viêm tại khớp, các thành phần mềm quanh khớp hoặc do khối u chèn ép ở vùng khớp…
Đối với người lớn tuổi, đau khớp thường do thoái hoá. Phụ nữ tuổi mãn kinh (trên 45 tuổi) hay đau dọc xương, cảm giác khó chịu như kiến bò, kiến cắn, nhất là khi đêm về… là do suy giảm hormon sinh dục nữ và đó là dấu hiệu giảm mật độ xương. Nếu bệnh nhân chỉ uống thuốc giảm đau đơn thuần thì chỉ giảm đau được tức thời lúc ấy và chắc chắn sẽ tái phát do nguyên nhân không được điều trị.
Xem chi tiết: Đau khớp – Quá trình bình thường của sự lão hóa?
Xoa bóp, ăn uống… theo bệnh
Theo TS Hoa, người trên 40 tuổi, có dấu hiệu đau xương khớp, nên đi khám. Nếu thoái hoá khớp, phải điều trị ngăn chặn quá trình tiến trình thoái hoá và kèm thuốc giảm đau. Nếu loãng xương, giúp bệnh nhân có chế độ sinh hoạt và hoạt động tốt thì mới giảm đau được. Nếu chỉ uống vài viên thuốc giảm đau thì vô nghĩa, bởi hết thuốc sẽ lại đau lại.
Phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp phải điều trị suốt đời bởi đó là bệnh tự miễn, một vài đơn thuốc giảm đau không thể khỏi bệnh. Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh phải dùng các thuốc điều trị cơ bản, các thuốc giảm miễn dịch nên phải có sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ nhằm tránh tác dụng phụ đến chức năng gan, thận.
Đau khớp nhưng không sưng vẫn nên vận động, xoa bóp bình thường. Nhưng nếu đã viêm, sưng, nóng, đỏ, đau, có tràn dịch khớp thì nên hạn chế đi lại, không xoa bóp, bởi khi xoa bóp (hoặc kể cả châm cứu) sẽ kích thích phản ứng viêm khớp và làm tình trạng tràn dịch khớp trở nên trầm trọng. Lúc này nên dùng thuốc để hạn chế viêm theo đơn của bác sĩ rồi mới vận động.
Massage xoa bóp chỉ có tác dụng với người đau xương khớp đơn thuần có co cơ hoặc khi làm việc căng thẳng cần thư giãn. Những bệnh nhân cao huyết áp, có bệnh lý xương trầm trọng như: Loãng xương trầm trọng, xẹp đốt sống, tổn thương khớp nghiêm trọng không nên dùng giường massage. Nói chung, kể cả việc vận động và dùng giường massage cũng cần tham vấn ý kiến bác sĩ.
Ngoài tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, việc quan tâm đến các thực phẩm cải thiện sức khỏe xương khớp cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh rất nhiều. Qua đó, chúng ta nên ăn các loại thức phẩm tốt cho sụn khớp, giúp tăng cường hoạt dịch khớp, giảm viêm.
Theo SK&ĐS