Hen phế quản là bệnh lý viêm mạn tính đường hô hấp phổ biến ở trẻ em. Bệnh nếu không được điều trị kiểm soát tốt có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh tìm hiểu rõ hơn về bệnh hen phế quản ở trẻ nhỏ để có thể chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của con em mình một cách tốt nhất.
Mục lục
Tổng quan về bệnh hen phế quản ở trẻ em
Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp, làm tăng phản ứng của phế quản với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản là không cố định và thường có thể tự hồi phục hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hen phế quản hiện đang ảnh hưởng đến khoảng 300 triệu người trên thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ em mắc bệnh đang ngày càng gia tăng. Hen phế quản cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ trẻ em nhập viện và nhập khoa cấp cứu tăng cao.
Hen phế quản ở trẻ em không thể chữa khỏi hoàn toàn và các triệu chứng của bệnh có thể tiếp tục đến khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, nếu được điều trị sớm và đúng cách, trẻ có thể kiểm soát được các triệu chứng của bệnh đồng thời ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Vì vậy, việc hiểu rõ về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị hen phế quản ở trẻ là vô cùng cần thiết để phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời, phù hợp nhất.
Nguyên nhân gây hen phế quản ở trẻ em
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây phát triển bệnh hen phế quản ở trẻ có thể được chia làm hai loại: Yếu tố nguyên nhân gây ra bệnh và yếu tố kích thích xuất hiên các triệu chứng hen phế quản, trong đó có các yếu tố đóng cả 2 vai trò.
Nguyên nhân hình thành
Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ em cho đến nay vẫn chưa được biết thật rõ ràng. Tuy nhiên, người ta cho rằng một số yếu tố dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen phế quản ở trẻ:
- Di truyền và tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh hen phế quản ở trẻ sẽ tăng lên nếu bố hoặc mẹ của trẻ mắc bệnh này, đặc biệt nếu là mẹ.
- Giới tính: Ở trẻ em (dưới 14 tuổi), tỷ lệ hen suyễn ở trẻ nam cao hơn so với trẻ nữ. Khi trẻ lớn dần lên, tỷ lệ này sẽ giảm dần và khi đến tuổi trưởng thành, tỷ lệ hen phế quản ở nữ sẽ cao hơn so với nam.
- Mắc các bệnh hoặc tình trạng khác: Dị ứng và béo phì.
- Tiếp xúc với khói thuốc lá khi mẹ đang mang thai hoặc khi còn nhỏ.
Yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn hen phế quản
Một số yếu tố nguy cơ gây kích thích xuất hiện các triệu chứng hen phế quản có thể kể đến như:
- Chất kích ứng: Ô nhiễm không khí, nước hoa, hóa chất, không khí lạnh, khói,…
- Chất gây dị ứng: Chất tiết từ con gián, nấm mốc, mạt bụi, lông vật nuôi, phấn hoa,…
- Thức ăn: Một số loại thức ăn như tôm, cua, cá, hải sản, thịt gà,… gây tăng khả năng xuất hiện triệu chứng hen phế quản.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Cảm lạnh, viêm phổi, viêm xoang,…
- Khói thuốc lá.
- Thời tiết: Khi nhiệt độ khắc nghiệt, độ ẩm cao hay khi trời mưa bão có sấm sét, nguy cơ lên cơn hen ở trẻ sẽ gia tăng
- Gắng sức: Gắng sức có thể gây khởi phát cơn hen ở phần lớn trẻ bị hen
- Sang chấn tâm lý: Những rối loạn tâm lý kéo dài có thể ảnh hưởng đến bệnh hen.
Triệu chứng hen phế quản ở trẻ em
Dấu hiệu nhận biết hen phế quản ở trẻ em bao gồm các tình trạng sau:
- Ho (đặc biệt là về ban đêm).
- Thở khò khè – tiếng rít khi thở.
- Khó thở.
- Đau hoặc tức ngực.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen phế quản ở mỗi trẻ là khác nhau và có thể trở nên tồi tệ hoặc tốt hơn theo thời gian. Trẻ có thể có tất cả các triệu chứng này hoặc chỉ một vài triệu chứng. Các triệu chứng thường nặng hơn về đêm, sáng sớm, khi hoạt động thể lực hoặc do các tác nhân khác.
Đối với trẻ dưới 5 tuổi, việc nhận biết hen phế quản thường gặp nhiều khó khăn hơn vì các triệu chứng ho, khò khè cũng có thể gặp ở những trẻ không mắc bệnh hen, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, hoặc ở các bệnh lý khác như viêm phế quản. Do đó, phụ huynh cần nắm rõ những dấu hiệu gợi ý hen ở trẻ dưới 5 tuổi dưới đây để phát hiện bệnh kịp thời:
- Ho: Tình trạng ho khan, tái phát hoặc dai dẳng, thường nặng hơn về đêm hoặc có kèm theo khò khè, khó thở. Ho thường xảy ra khi trẻ gắng sức, cười, khóc, hít phải khói thuốc lá,…
- Khò khè: Khò khè tái phát, có thể xảy ra khi trẻ ngủ hay khi có yếu tố khởi phát như gắng sức, cười, khóc, tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá.
- Khó thở, hụt hơi: Xảy ra khi trẻ gắng sức, cười, khóc.
- Giảm hoạt động thể lực: Trẻ không thể chạy nhảy, chơi đùa, cười lớn như trẻ khác và nhanh cảm thấy mệt mỏi khi đi bộ.
- Tiền sử gia đình: Gia đình cha mẹ, anh chị em ruột có tiền sử mắc bệnh hen phế quản. Trẻ có tiền sử mắc các bệnh dị ứng khác.
Hen phế quản ở trẻ em có nguy hiểm không?
Hen phế quản ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kiểm soát tốt có thể dẫn đến thay đổi chức năng hô hấp của trẻ về lâu dài, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ như:
- Nhiễm khuẩn phế quản: Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ bị hen phế quản nặng, có cơn hen phế quản kéo dài. Tình trạng nhiễm khuẩn làm phế quản bị tắc nghẽn nặng hơn và làm giảm hiệu quả điều trị nhất thời.
- Xẹp phổi: Xẹp phổi là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện ở khoảng 1/3 trẻ em bị bệnh hen và phải nhập viện. Trong trường hợp cơn hen được kiểm soát sẽ giúp cải thiện tối đa tình trạng phổi bị xẹp.
- Suy hô hấp: Trẻ sẽ bị khó thở, tím tái liên tục, đôi khi không thể tự thở được và phải hỗ trợ bằng máy, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nếu không xử trí cấp cứu kịp thời và đúng cách.
- Tràn khí màng phổi: Biến chứng này xảy ra sau những cơn ho rũ rượi, khó thở nhiều do trong cơn hen phế quản có một số phế nang bị căng đầy không khí và vỡ ra khiến khí thoát vào màng phổi.
- Ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não: Tình trạng suy hô hấp kéo dài ở trẻ có thể dẫn đến thiếu oxy lên não.
Bên cạnh những biến chứng nặng nề về sức khỏe, hen phế quản còn gây nhiều tác động xấu đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Các triệu chứng hen khiến trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, ngủ không ngon, không thể tập trung học tập và cản trở việc vui chơi, tập luyện thể thao cũng như các hoạt động khác của bé, từ đó ảnh hưởng xấu đến tinh thần của trẻ, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và khiến các bậc cha mẹ buồn phiền, lo lắng.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Có thể thấy rằng, hen phế quản có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt. Chính vì vậy, nếu bạn nghi ngờ trẻ bị hen phế quản, hãy đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cũng như được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ sớm khi trẻ có các biểu hiện sau:
- Ho liên tục, ngắt quãng hoặc liên quan đến hoạt động thể chất.
- Thở khò khè.
- Khó thở hoặc thở nhanh.
- Trẻ bị tức ngực.
- Các đợt nghi ngờ viêm phế quản hoặc viêm phổi lặp đi lăp lại
Đặc biệt, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Cảm thấy rất khó thở, phải ngồi dậy để thở.
- Tím tái.
- Thở nhanh có rút lõm lồng ngực.
- Không thể nói được câu dài.
- Trẻ quấy khóc nhiều mà gia đình chưa được hướng dẫn cách xử trí cơn hen cấp tại nhà.
- Các triệu chứng ít hoặc không thuyên giảm khi sử dụng thuốc xịt cắt cơn hoặc không có sẵn thuốc cắt cơn.
Điều trị hen phế quản ở trẻ em
Hen phế quản là một bệnh lý mạn tính, do đó việc điều trị hen có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm. Vì vậy, để có thể kiểm soát cơn hen một cách tốt nhất và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, cha mẹ và trẻ cần phải kiên trì thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị và dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị hen phế quản ở trẻ em bao gồm cả việc điều trị cắt cơn hen cấp cũng như điều trị dự phòng cơn hen tái phát.
Điều trị cắt cơn hen cấp
Khi trẻ được chẩn đoán hen phế quản, cha mẹ và trẻ sẽ được nhân viên y tế tư vấn và hướng dẫn cách xử trí cơn hen cấp tại nhà và kế hoạch hành động hen.
Cơn hen cấp là những đợt các triệu chứng ho, khò khè, khó thở, đau ngực trở nặng hơn đột ngột hay từ từ và thường gây ra suy hô hấp ở trẻ. Để kiểm soát kịp thời các cơn hen cấp ở trẻ, phụ huynh cần nắm rõ và nhận biết được sớm các dấu hiệu của một cơn hen sắp khởi phát cũng như các bước xử trí sau:
- Đưa trẻ tránh xa những yếu tố kích thích cơn hen (nếu có thể) đến nơi thoáng khí hơn.
- Cho trẻ ngồi thẳng lưng.
- Xịt họng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh đã được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng khi điều trị tại nhà. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi hoặc trẻ không thể xịt bình xịt đúng cách, cha mẹ có thể sử dụng máy phun khí dung hoặc xịt qua buồng đệm babyhaler.
- Theo dõi các triệu chứng của trẻ. Nếu sau 20 phút mà cơn hen không giảm thì lặp lại xịt họng lần 2. Sau đó tiếp tục theo dõi, sau 20 phút tiếp theo nếu cơn hen vẫn không thuyên giảm thì tiếp tục lặp lại xịt họng lần 3 rồi nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Để hạn chế tối đa việc xuất hiện những cơn hen phế quản cấp, trẻ và cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ và tránh xa các yếu tố kích thích khởi phát cơn hen. Đồng thời, trẻ cũng cần phải mang theo thuốc cắt cơn dạng xịt bên mình mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi bệnh hen đã được kiểm soát hoàn toàn để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Điều trị dự phòng
Mục tiêu điều trị phòng ngừa hen phế quản ở trẻ em là kiểm soát tốt bệnh, giúp trẻ không lên cơn hen và có thể sinh hoạt, học tập như trẻ bình thường khác.
Tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, kết quả kiểm soát cơn hen phế quản trước đó và các bệnh kèm theo trẻ đang mắc phải, bác sĩ sẽ kê đơn cho trẻ các thuốc điều trị dự phòng, có thể bao gồm các nhóm thuốc sau:
- Glucocorticoid dạng hít: Beclomethason, budesonid, fluticason
- Thuốc đối kháng leukotriene: Montelukast, Zirfulukast
- Thuốc chủ vận β2 tác dụng kéo dài – LABA: Dạng hít (Salmeterol, Formoterol), dạng uống (Bambuterol).
- Theophyllin tác dụng chậm.
- Cromones: Cromoglycate natri và nedocromil natri.
- Thuốc kháng Histamine: Ketotifene (Zaditen).
Các biện pháp thay đổi lối sống
Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị dự phòng, cha mẹ cũng cần thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây hen, từ đó làm giảm khả năng lên cơn hen. Dưới đây là một số biện pháp cha mẹ có thể áp dụng:
- Giữ không khí trong nhà sạch sẽ: Thường xuyên vệ sinh nhà ở, môi trường sống sạch sẽ, đặc biệt là trong phòng ngủ của trẻ.
- Sử dụng máy điều hòa không khí: Điều hòa không khí sẽ giúp giảm lượng phấn hoa trong không khí, giảm độ ẩm trong nhà và có thể làm giảm khả năng tiếp xúc với mạt bụi của trẻ.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với lông động vật: Nếu trẻ bị dị ứng với lông động vật, bạn nên tránh nuôi những loại động vật này. Nếu bạn nuôi thú cưng, bạn cần thường xuyên tắm rửa hoặc chải lông cho chúng để làm giảm lượng lông tơ và không cho chúng vào phòng của trẻ.
- Duy trì độ ẩm phù hợp ở nhà: Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu ẩm ướt, hãy xem xét việc sử dụng các thiết bị giữ không khí khô hơn như máy hút ẩm.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với không khí lạnh: Nếu bệnh hen phế quản của trẻ tiến triển nặng hơn do không khí khô, lạnh, bạn nên đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài.
- Tuân thủ điều trị: Thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là khi trẻ cần sử dụng thuốc phòng ngừa.
Phòng ngừa hen phế quản ở trẻ em
Để ngăn ngừa các cơn hen phế quản ở trẻ em, cha mẹ có thể cần lưu ý các điều dưới đây:
- Tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây hen phế quản như khói bụi, nấm mốc, lông chó mèo hoặc không khí lạnh…
- Dọn dẹp nhà cửa sạch và thoáng đặc biệt phòng ngủ, thường xuyên giặt ga trải giường, phơi nắng để đem lại không khí sạch sẽ, trong lành cho trẻ.
- Không hút thuốc lá khi ở cạnh trẻ.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Trẻ cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và không cần ăn kiêng. Tuy nhiên nếu trẻ có dị ứng với loại thức ăn cụ thể, trẻ cần phải kiêng thực phẩm gây dị ứng đó.
- Duy trì các hoạt động thể lực của trẻ ở mức độ bình thường, tránh để trẻ vui chơi, vận động quá sức có thể khiến cho tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn
- Giúp trẻ duy trì cân nặng hợp lý để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác ở trẻ.
- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi.
- Thăm khám sớm khi nhận thấy bệnh hen phế quản của trẻ có thể không được kiểm soát và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin về bệnh hen phế quản ở trẻ em. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm những kiến thức bổ ích cho các bậc phụ huynh để có thể chăm sóc trẻ bị hen phế quản một cách tốt nhất, giúp kiểm soát tốt bệnh của trẻ và giúp trẻ có cuộc sống vui chơi, học tập như các bạn cùng trang lứa.
Tài liệu tham khảo:
- http://www.benhvien103.vn/huong-dan-cham-soc-tre-hen-phe-quan/
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/childhood-asthma/symptoms-causes/syc-20351507
- http://vilaphoikhoe.kcb.vn/wp-content/uploads/2018/08/HD-DTri-hen-tre-em-Phe-duyet.pdf