Bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường) type 1 còn gọi là bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin hay bệnh đái tháo đường tự miễn, có nghĩa là cơ thể tiêu diệt các tế bào sản xuất insulin của chính mình. Nói cụ thể hơn, tuyến tụy sản xuất không đủ insulin (thiếu insulin tương đối hay tuyệt đối so với nhu cầu của cơ thể) hoặc do tế bào không sử dụng được insulin, làm tăng đường huyết và tiểu ra đường.
Tế bào sản xuất insulin
Bệnh đái tháo đường type 1 là do cơ chế tự miễn, tức tuyến tuỵ bị tấn công và phá hủy bởi chính cơ thể, làm cho cơ quan này không còn khả năng sản xuất insulin nữa. Kháng thể bất thường này được thành lập ngay trong cơ thể người bệnh tiểu đường type 1, bản chất là protein trong máu, một phần trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Trong bệnh lý miễn dịch, cũng như ở bệnh nhân bị đái tháo đường type 1, hệ thống miễn dịch sản xuất ra kháng thể trực tiếp chống lại chính mô của người bệnh.
Gen gây bệnh đái tháo đường type 1 có nhiễm sắc thể (AND) số 11 giống nhau ( nhiễm sắc thể là nơi lưu trữ mọi thông tin di truyền bằng các nucleotic trong tế bào). Tiếp xúc, nhiễm một số virus như quai bị, Coxakies virus hay các độc chất trong môi trường có thể khởi phát đáp ứng kháng thể một cách bất thường, là nguyên nhân làm hư tổn tế bào tuỵ tiết ra insulin.
Đối tượng dễ mắc đái tháo đường type 1
Đái tháo đường type 1 có xu hướng xảy ra ở người trẻ, thường dưới 30 tuổi.
Đái tháo đường type 1 có di truyền?
đái tháo đường type 1 có thể truyền từ mẹ sang con. Đó là kết luận của một nghiên cứu trên chuột của Mỹ, đăng trên tạp chí Y khoa Tự nhiên tháng 4/2005.
Khi tiến hành nghiên cứu trên những con chuột biến đổi gene, nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ huy của Giáo sư Ali Naji, Đại học Y Pennsylvania (Philadelphia), phát hiện ra rằng, chuột mẹ bị bệnh có thể truyền cho con các kháng thể tiêu diệt (kháng thể chống insulin), vẫn được coi là biểu hiện đặc trưng của bệnh.
Giáo sư Naji giải thích, ở giai đoạn đầu, nhiều bệnh nhân đái tháo đường không hề có triệu chứng gì, cũng không có biến chứng liên quan tới bệnh. Khi đó, nồng độ kháng thể chống insulin trong máu chính là dấu hiệu chỉ điểm quan trọng nhất. Sự truyền kháng thể này từ mẹ sang con cũng đồng nghĩa với truyền bệnh. Khi nhận được kháng thể này từ mẹ, chuột con sẽ bắt đầu tiêu diệt các tế bào sản xuất insulin của chính mình.
Ngày nay cả hai phái nam và nữ mắc bệnh đái tháo đường type 1 đều có thể sinh sản bình thường. Tuy nhiên nếu một trong hai người bị bệnh đái tháo đường nhóm này thì con cái mang bệnh cùng loại có tỷ lệ 1% (thường phát bệnh từ 5-12 tuổi).
Nếu cả hai cha mẹ đều mắc bệnh đái tháo đường type 1 thì con cái họ có khả năng mắc bệnh này với tỷ lệ khoảng 10%.
Nếu một trong hai người bị bệnh đái tháo đường type 2 (không phụ thuộc insulin) thì con cái bị bệnh tiểu đường với tỷ lệ 20%, thông thường phải 40-60 tuổi mới phát hiện bệnh.