Hen phế quản chiếm tỷ lệ cao trong số các bệnh lý đường hô hấp và có xu hướng ngày càng gia tăng ở hầu hết các nước. Bệnh gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị kiểm soát tốt. Vậy điều trị hen phế quản như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục
Tổng quan về bệnh hen phế quản
Hen phế quản (hen suyễn) là bệnh lý viêm mạn tính niêm mạc phế quản, làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích dẫn tới co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định và có thể tự hồi phục hoặc do điều trị.
Hen phế quản biểu hiện với các triệu chứng thường gặp như thở rít, khó thở, tức ngực, ho và thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm. Mức độ của các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hen phế quản không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh như nhiễm khuẩn phế quản, suy hô hấp, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, tâm phế mạn, ngừng hô hấp gây nguy cơ tử vong cao.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Bệnh hen phế quản – Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Hen phế quản có chữa khỏi được không?
Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính có nguyên nhân rất phức tạp và cơ chế gây bệnh không rõ rệt. Vì vậy, cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh hen phế quản. Cơn hen có thể tái phát bất kỳ lúc nào nếu bệnh không được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện bệnh sớm và có các phương pháp điều trị kịp thời, đúng cách, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh hen phế quản, đồng thời ngăn ngừa bệnh phát triển nặng hơn. Khi đó, bạn sẽ hầu như không có hoặc có rất ít triệu chứng của bệnh hen cũng như có thể sinh hoạt, làm việc, học tập, vui chơi một cách bình thường như những người khỏe mạnh.
Nguyên tắc điều trị hen phế quản
Mục tiêu điều trị
Điều trị hen phế quản nhằm đạt được các mục tiêu sau:
- Điều trị kịp thời các cơn hen phế quản cấp và đợt hen cấp.
- Dự phòng cơn hen phế quản để số cơn hen xảy ra ít nhất.
- Duy trì chức năng hô hấp bình thường hoặc tối ưu.
- Đảm bảo chất lượng cuộc sống, sinh hoạt bình thường về tinh thần và thể chất.
- Dự phòng tắc nghẽn phổi không hồi phục và hạn chế nguy cơ tử vong.
Nguyên tắc điều trị
Việc điều trị hen phế quản dựa trên các nguyên tắc dưới đây:
- Ưu tiên sử dụng các loại thuốc dạng hít để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc khi phải dùng lâu dài.
- Giáo dục người bệnh hiểu biết về bệnh hen và điều quan trọng là phải hướng dẫn người bệnh cách hít thuốc cho đúng.
- Kiểm soát môi trường tốt để hạn chế các yếu tố kích thích, khởi phát cơn hen.
Điều trị hen phế quản như thế nào?
Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính, do đó, bạn cần kiên trì điều trị bệnh lâu dài để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Dưới đây là một số biện pháp điều trị hen phế quản bạn có thể thực hiện.
Sử dụng thuốc Tây y
Thuốc điều trị hen phế quản được chia làm 2 loại chính:
➤ Thuốc cắt cơn hen
Đây là những thuốc chỉ được sử dụng để cắt cơn hen cấp và làm giảm các triệu chứng, khi người bệnh có cơn khó thở hoặc đợt cấp của hen.
Thuốc cắt cơn hen bao gồm các nhóm thuốc chính sau:
- Thuốc kích thích beta 2 tác dụng ngắn (albuterol, levalbuterol,…): Đây là những thuốc giãn phế quản dạng hít có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng trong cơn hen, được sử dụng khi có những dấu hiệu đầu tiên của cơn hen cấp. Bạn không nên dùng loại thuốc này đơn độc để điều trị duy trì lâu dài bệnh hen phế quản mạn tính.
- Corticosteroid dạng uống hoặc tiêm (prednisone, methylprednisolone,..): Những thuốc này có tác dụng giảm viêm đường hô hấp trong hen phế quản nặng. Chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng lâu dài. Do đó, chúng chỉ được sử dụng ngắn hạn để điều trị các triệu chứng hen suyễn nghiêm trọng.
- Thuốc kháng cholinergic (ipratropium): Thuốc có tác dụng giãn cơ trơn phế quản đồng thời giảm chất nhầy đường thở, nhờ đó giảm nhanh các triệu chứng trong cơn hen. Chúng thường mất nhiều thời gian để phát huy tác dụng hơn so với các thuốc kích thích beta 2 tác dụng ngắn.
➤ Thuốc kiểm soát hen
Thuốc kiểm soát hen được xem là biện pháp chính trong điều trị hen phế quản. Đây là các thuốc được sử dụng hàng ngày lâu dài, dùng duy trì để điều trị bệnh hen nhằm giảm nguy cơ gặp các đợt cấp của hen và suy giảm chức năng hô hấp nhờ tác dụng giảm tình trạng viêm đường hô hấp.
Những nhóm thuốc kiểm soát hen bao gồm:
- Corticosteroid dạng hít (flnomasone budesonide, flunisolide, ciclesonide,…): Đây là loại thuốc kiểm soát hen có hiệu quả cao nhất, được chỉ định để ngăn chặn lâu dài, kiểm soát, giảm tình trạng viêm và các triệu chứng của bệnh hen. Corticosteroid đường hít có tác dụng phụ thấp hơn so với corticosteroid đường dùng toàn thân và thường an toàn khi sử dụng lâu dài.
- Thuốc đối kháng leukotriene (montelukast, zafirlukast, zileuton): Những loại thuốc uống này có tác dụng kiểm soát tác động của leukotrienes – chất trung gian hóa học gây viêm do các tế bào tiết ra trong bệnh hen phế quản, nhờ đó giúp giảm triệu chứng của bệnh.
- Thuốc kích thích beta 2 tác dụng kéo dài (salmeterol): Các thuốc này có tác dụng mở rộng đường thở bằng cách giãn các cơ trơn xung quanh đường thở. Chúng được dùng kết hợp với corticosteroid dạng hít,
- Theophylin dạng viên giải phóng chậm: Theophylin là thuốc uống hàng ngày có tác dụng mở rộng đường thở bằng cách giãn các cơ xung quanh đường thở. Theophylin hiện ít được sử dụng trong điều trị.
- Kháng thể đơn dòng (còn được gọi là thuốc sinh học) (omalizumab): Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn các phản ứng của cơ thể đối với tác nhân gây dị ứng. Chúng thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị hen phế quản nặng không kiểm soát được dù đã điều trị tối ưu thuốc đường hít và đường uống.
- Chất ổn định tế bào Mast: Các thuốc này ngăn chặn giải phóng histamin khỏi tế bào mast, giảm tính phản ứng quá mức của đường hô hấp, đồng thời ngăn chặn đáp ứng sớm và muộn đối với chất gây dị ứng hay tác nhân kích thích hen suyễn. Thuốc được kê đơn phổ biến nhất hiện nay là cromolyn.
Việc lựa chọn loại thuốc điều trị hen phế quản cũng như tần suất dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tần suất xuất hiện các triệu chứng của bạn.
Khi sử dụng các nhóm thuốc điều trị hen phế quản, bạn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bạn cần phải sử dụng đúng và đủ liệu trình thuốc đã được chỉ định để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
Điều trị theo Y học cổ truyền
Bên cạnh phương pháp điều trị theo y học hiện đại, các phương pháp điều trị hen phế quản theo Y học cổ truyền cũng được nhiều người quan tâm, sử dụng để tăng hiệu quả kiểm soát bệnh cũng như cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Điều trị hen phế quản theo Đông y bao gồm hai phương pháp chính dưới đây:
➤ Châm cứu
Châm cứu tác động vào các huyệt vị trên cơ thể, giúp giải phóng các huyệt đạo bị ứ đọng, tăng cường lưu thông các dòng chảy trong cơ thể. Nhờ đó, phương pháp này có thể làm giảm các triệu chứng của hen phế quản như khó thở, thở rít, các cơn đau tức ngực, đồng thời hỗ trợ làm giảm tần suất tái phát bệnh.
Tùy từng thể bệnh mà vị trí các huyệt vị cần châm cứu sẽ khác nhau. Để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên thực hiện châm cứu tại những cơ sở y tế có chuyên môn và đảm bảo chất lượng.
➤ Sử dụng các bài thuốc Đông Y
Việc lựa chọn, sử dụng bài thuốc Đông y để điều trị hen phế quản sẽ phụ thuộc vào thể bệnh mà bạn mắc phải. Dưới đây là một số bài thuốc Đông y tương ứng với các thể bệnh khác nhau bạn có thể tham khảo:
- Thể hen hàn: Tô tử 12g, hậu phác 16g, tiền hồ 16g, bán hạ 20g, đương quy 20g, nhục quế 8g, trần bì 8g, cam thảo 8g. Tất cả nguyên liệu đem sắc với nước sạch, lọc bỏ bã chia thành 5 phần uống trong ngày, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
- Thể hen nhiệt: Bạch quả nhân 8g, hoàng cầm 16g, tô tử 12g, cam thảo 8g, ma hoàng 12g, hạnh nhân 12g, tang bạch bì 20g, bán hạ 16g, khoản đông hoa 8g. Tất cả các nguyên liệu đem sắc với nước, chia đều thành 5 phần, ngày uống 3 lần, tối uống 2 lần.
- Thể suyễn thực: Ma hoàng 24g, hạnh nhân 24g, cam thảo 24g. Cách dùng: Sắc với nước, lọc bỏ bã, chia đều 2 lần uống trong ngày.
- Thể suyễn hư: Nếu thiên về phế hư: Nhân sâm 12g, mạch môn 48g, ngũ vị 12g. Cách dùng: Sắc với nước, chia 5 phần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần. Nếu thiên về thận hư: Hoài sơn 16g, bạch linh 12g, thục địa 32g, trạch tả 12g, sơn thù 16g, đan bì 12g, hắc phụ tử 4g, quế chi 4g, mạch môn 12g, sinh khương trấp 3 giọt. Cách dùng: Sắc với nước sạch, chia 6 phần, ngày uống 4 lần, tối uống 2 lần.
Các phương pháp điều trị hen phế quản theo Y học cổ truyền có tác dụng tích cực trong việc điều trị dự phòng bệnh hen phế quản lâu dài. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp này thường đến chậm và có thể khác nhau ở mỗi người phụ thuộc vào cơ địa, cách dùng và thời gian sử dụng. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên kiên trì thực hiện trong thời gian dài.
Cách chăm sóc bệnh hen phế quản tại nhà
Bên cạnh việc thực hiện phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định, người bệnh hen phế quản cũng cần chú ý tới việc chăm sóc sức khỏe, thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống tại nhà để góp phần kiểm soát bệnh tốt hơn, nhờ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Mặc dù không có chế độ ăn uống cụ thể nào dành cho người bệnh hen phế quản, nhưng bạn cũng cần chú ý đến chế độ ăn hàng ngày của mình để nâng cao sức khỏe cũng như hạn chế bệnh tái phát.
Những thực phẩm người bệnh hen phế quản nên lựa chọn:
- Các loại rau củ quả: Đây là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn.
- Thực phẩm giàu vitamin A (gấc, xoài, bí đỏ, cà rốt, đu đủ,..): Giúp bảo vệ niêm mạc đường hô hấp, tăng cường sức đề kháng.
- Thực phẩm giàu vitamin D (hải sản, trứng, sữa,…): Giúp tăng cường miễn dịch để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng đường hô hấp.
- Thực phẩm giàu vitamin E (kiwi, các loại hạt, rau có màu xanh thẫm): Giúp cải thiện triệu chứng ho, thở khò khè.
- Thực phẩm giàu magie (rau lá xanh, cà chua, ngũ cốc nguyên cám, chuối,…): Giúp giãn cơ trơn phế quản, nhờ đó hỗ trợ kiểm soát hen.
- Thực phẩm chứa acid béo Omega 3 (các loại cá như cá hồi, cá thu,.., bơ, dầu lạc, dầu hạt cải,..): Giúp tăng cường sức đề kháng, chống viêm, cải thiện chức năng hô hấp.
Những thực phẩm người bệnh hen phế quản nên tránh:
- Thực phẩm dễ gây dị ứng như một số loại hải sản, nhộng ong, nhộng tằm, trứng, sữa,… Đặc biệt, nếu bạn đã từng dị ứng với một loại thực phẩm nào đó thì tuyệt đối không dùng lại loại thức ăn đó nữa.
- Các chất sulfit (được dùng làm chất bảo quản, có thể có trong rượu vang, trái cây khô, tôm tươi và đông lạnh,…): Chất này có thể gây ra các triệu chứng hen ở một số người.
- Thức ăn nhanh: Ăn quá nhiều thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen phế quản nặng cũng như các bệnh lý khác.
Tập luyện thể dục phù hợp
Tập luyện thể dục thường xuyên cũng là một cách phòng ngừa, cải thiện bệnh hen phế quản rất tốt. Khi tập thể dục, ngoài việc nâng cao sức mạnh của các cơ thì phổi của bạn cũng sẽ được gia tăng sức mạnh, góp phần hạn chế những cơn hen tái phát.
Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn, bạn cần lựa chọn những bài tập phù hợp kết hợp với việc dùng thuốc giúp đạt hiệu quả tốt nhất. Bạn nên chọn những bài tập nhẹ nhàng, thích hợp với người bệnh hen phế quản như đi bộ, aerobic, chạy cự li ngắn, bơi lội,… Bạn không nên chơi những môn thể thao đòi hỏi cường độ gắng sức cao như bóng rổ, điền kinh, bóng đá,…
Tránh xa các tác nhân kích thích
Tránh xa các tác nhân gây khởi phát cơn hen là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh hen phế quản. Bạn có thể áp dụng những cách dưới đây để hạn chế tiếp xúc các tác nhân kích thích:
- Sử dụng điều hòa: Điều hòa không khí sẽ góp phần làm giảm lượng phấn hoa, độ ẩm và giảm lượng mạt bụi bạn có thể tiếp xúc.
- Thay đổi các vật dụng trong nhà: Giảm thiểu lượng bụi có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng hen vào ban đêm bằng cách thay thế một số vật dụng trong phòng ngủ như sử dụng vỏ bọc gối, nệm chống bụi, tránh dùng chăn gối có lông tơ, thay thế thảm lông bằng sàn gỗ cứng,…
- Duy trì độ ẩm tốt nhất: Nếu nơi bạn sống có khí hậu quá ẩm ướt, bạn có thể sử dụng máy hút ẩm để cải thiện tình trạng này.
- Ngăn ngừa nấm mốc: Dọn dẹp các khu vực ẩm ướt trong nhà tắm, nhà bếp và xung quanh ngôi nhà của bạn để ngăn không cho nấm mốc phát triển.
- Hạn chế tiếp xúc với lông thú cưng: Nếu bạn dị ứng với lông thú cưng, hãy cố gắng tránh xa nhưng những vật nuôi có lông này. Nếu bạn có nuôi thú cưng, hãy tắm rửa và chải lông thường xuyên để giảm lượng lông của chúng trong môi trường xung quanh bạn.
- Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ: Dọn dẹp nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ, thay ga giường thường xuyên, đặc biệt là trong phòng ngủ.
- Đeo khẩu trang khi ra đường: Để tránh xa các thành phần khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại trong không khí, bạn nên khẩu trang mỗi khi ra đường.
Những lưu ý cho người bệnh hen phế quản
Để kiểm soát bệnh hen phế quản một cách tốt nhất, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Dùng thuốc điều trị hen phế quản theo đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tuân thủ các biện pháp phòng bệnh chung như tránh xa các tác nhân gây khởi phát cơn hen, duy trì chế độ ăn uống, tập luyện thể dục phù hợp.
- Ghi lại thông tin liên lạc của bác sĩ hoặc nhân viên y tế, cơ sở y tế đã từng được cung cấp để liên hệ ngay khi cần thiết.
- Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tiến triển của bệnh và thay đổi phác đồ điều trị nếu cần nhằm kiểm soát bệnh tốt, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Trên đây là những thông tin về phương pháp điều trị hen phế quản. Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích để có thể chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.webmd.com/asthma/asthma-treatments
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/asthma/diagnosis-treatment/drc-20369660