Phụ nữ mắc hen suyễn vẫn có thể mang thai như bình thường. Bệnh này nếu được kiểm soát tốt thì không gây hại đến quá trình mang thai, sinh nở hay cho con bú.
Bệnh có thể đỡ đi, nặng lên hay vẫn giữ nguyên khi mang thai. Nhưng phần lớn trường hợp, thai phụ mắc suyễn bị nặng hơn trong quý III của thai kỳ. Khi thai nhi tăng trưởng, tử cung giãn nở mạnh, nhiều lúc khiến người mẹ có cảm giác bị “hụt hơi”. Điều này còn có thể xảy ra với những người mẹ không bị hen (do cơ hoành bị chèn ép).
Với thai phụ bị hen suyễn nặng (hoặc không ổn định), bác sĩ cần chuẩn bị cách ứng phó khi người mẹ chuyển dạ, gồm cả việc chọn phương pháp gây tê. Cơn hen nếu không được kiềm chế có thể dẫn tới sinh non và sinh con nhẹ cân.
Điều trị hen suyễn cho phụ nữ có thai hay không về cơ bản đều giống nhau. Mục đích của chữa trị là kiềm chế cơn hen và ngăn ngừa tình trạng lên cơn hen. Cơn hen thường xảy đến khi thai phụ tiếp xúc với những yếu tố gây hen
Những loại thuốc chữa hen suyễn được kiểm nghiệm là an toàn với cả mẹ và bé phải được tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên môn, chẳng hạn thuốc Ventolin và Brycanyl. Những loại thuốc khác như Atrovent, Intal Forte, Becotide, Tiladem, Becloforte… dạng viên cũng được các bác sĩ khuyến cáo sử dụng cho thai phụ. Hiện nay, vẫn chưa tìm ra mối liên quan giữa những loại thuốc này với nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở bé.
Các loại thuốc khác như Brodencon, Nuekin và Theodur hiện không được dùng để kiềm chế bệnh hen. Nhưng nếu được bác sĩ chỉ định thì nồng độ thuốc trong máu phải được bác sĩ thường xuyên kiểm tra.
Lưu ý : Việc sử dụng thuốc trong thai kỳ phải được chỉ định trực tiếp của bác sĩ. Không tự ý uống thuốc.
Quá trình sinh nở
Thuốc chữa hen không làm chậm (hoặc kéo dài) thời gian chuyển dạ. Nếu thai phụ mắc suyễn nhưng được kiểm soát tốt thì thai phụ cũng có thể được bác sĩ chỉ định thuốc giảm đau khi chuyển dạ như những người mẹ bình thường khác. Lên cơn hen trong quá trình sinh nở rất hiếm khi xảy ra.
Tránh hen trong thai kỳ
– Nói “không” với khói thuốc lá: Khói thuốc không chỉ làm tăng cơn hen ở mẹ mà còn làm tăng tỷ lệ sinh non, thai lưu. Nếu người mẹ hút thuốc thì bé có nguy cơ mắc hen và viêm đường hô hấp cao hơn những bé khác.
– Phế dung kế (máy đo chức năng hô hấp): Bằng cách đo hoạt động của phổi, bác sĩ sẽ dễ dàng nhận ra những thay đổi trong sức khỏe của mẹ. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp như thay đổi thuốc, thay đổi liệu trình điều trị để khống chế cơn hen.
Ngọc Huê (Theo Asthma )