Phụ nữ mang thai có công việc tiếp xúc với những hóa chất độc hại hoặc các hóa chất ngoài môi trường khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơi thở của họ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai có công việc tiếp xúc với những hóa chất độc hại hoặc các loại hóa chất ngoài môi trường khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơi thở của họ. Và việc này sẽ làm tăng nguy cơ mắc hen suyễn cho trẻ khi đang còn nằm trong bụng mẹ.
Các nhà nghiên cứu thuộc đại học Y tế Công cộng Đan Mạch đã tiến hành nghiên cứu với 43.000 phụ nữ mang thai. Những mẹ bầu này làm nhiều công việc khác nhau và họ đã tìm ra 5 công việc sau của bà bầu có mối liên quan đến bệnh hen suyễn ở thai nhi là: sửa chữa xe, làm việc với đồ nội thất, công nhân giày dép, công việc tiếp xúc với sơn và nhựa keo.
Điều đáng nói là tỷ lệ những thai nhi có nguy cơ mắc bệnh do người mẹ làm 5 công việc trên lên đến 18,6% – một con số khá cao. Kết quả này đã bao gồm cả việc xét đến các yếu tố ảnh hưởng liên quan bao gồm độ tuổi của người mẹ, lối sống: thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia…
Tiến sĩ Hvass Berit – Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm điều tra xem sự ảnh hưởng của công việc người mẹ đến thai nhi như thế nào. Đây là nghiên cứu đầu tiên được thực hiện trên diện rộng về sự liên quan giữa nghề nghiệp của mẹ và khả năng bệnh tật ở thai nhi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra chính xác những loại hóa chất nào gây ra bệnh hen suyễn cho thai nhi”.
Giáo sư Marc Decramer, Chủ tịch Hiệp hội Hô hấp châu Âu, cho biết: “Chất lượng không khí mà người mẹ trực tiếp hít vào trong quá trình làm việc sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bà bầu và thai nhi. Trước khi tìm ra chính xác loại hóa chất nào nguy hiểm nhất và gây bệnh cho bà bầu, chị em nên chuẩn bị cho mình những dụng cụ bảo hộ lao động tối ưu nhất để tránh nguy cơ gây hại cho mình và thai nhi”.