Mặc dù kháng sinh thường được kê trong đơn thuốc điều trị viêm xoang nhưng trên thực tế kháng sinh không mang lại hiệu quả điều trị viêm xoang như mong đợi. Nghiên cứu tại Mỹ đã cho thấy điều đó.
Các loại thuốc kháng sinh đang dần trở thành nguồn nhiên liệu nuôi dưỡng sự tiến hóa của vi khuẩn kháng thuốc thuốc và các chuyên gia ngày càng lo ngại về tình trạng lạm dụng kháng sinh. Đặc biệt là đối với chứng viêm xoang, bởi vì các bác sĩ không thể nói liệu rằng bệnh này là do vi khuẩn hay vi-rút và trong những trường hợp do vi-rút, kháng sinh là vô giá trị.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, cho thấy thuốc kháng sinh không làm giảm triệu chứng của bệnh nhân hoặc làm cho bệnh tái phát nhanh hơn.
TS. Garbutt và các đồng nghiệp đã sử dụng hướng dẫn chính thức của nhà nước để theo dõi bệnh nhân viêm xoang. Họ đã chọn ngẫu nhiên 166 người trưởng thành, chia thành 2 nhóm: uống giả dược hoặc amoxicillin trong 10 ngày. Kết quả cho thấy có rất ít sự khác biệt giữa 2 nhóm bệnh nhân. Sau 7 ngày dùng thuốc, mới có chút ít sự tiến triển theo hướng tích cực từ nhóm dùng kháng sinh và rồi lại biến mất ở 3 ngày tiếp theo. Sau 10 ngày, 78% của người dân dùng thuốc kháng sinh và 80% những người được điều trị bằng giả dược cho biết họ cảm thấy tốt hơn rất nhiều hoặc không còn có triệu chứng.
TS. Anthony Chow, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH British Columbia ở Vancouver, Canada, cho biết chưa đến 2% các bệnh nhiễm trùng xoang là do vi khuẩn. Hầu hết các trường hợp là do vi-rút và phần lớn không cần tới thuốc kháng sinh. TS Chow cho rằng: “Thuốc kháng sinh đã bị lạm dụng, do đó cần phải thận trọng hơn trong việc điều trị và cần phải sửa khuyến nghị”.
“Không nên sử dụng kháng sinh như một cứu tinh. Thay vì kê đơn kháng sinh với hy vọng là diệt khuẩn, chúng ta cần thận trọng chờ đợi, đó là luôn theo dõi bệnh nhân xem liệu họ có khá lên không. Nhưng cũng thật khó đối với các bác sĩ vì nếu không kê kháng sinh cho bệnh nhân thì chẳng có gì khác để hỗ trợ, trong khi người bệnh thì thường trông rất khổ sở”, TS Jane Garbutt, ĐH Y khoa Washington ở St Louis (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo Dân trí