Bệnh xơ vữa động mạch là tình trạng động mạch bị xơ cứng, mất đàn hồi và hẹp tắc do sự hiện diện các mảng xơ vữa chứa cholesterol và mỡ xấu (LDL) bên trong lòng động mạch. Tình trạng này làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quy (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) khi chúng ảnh hưởng đến những nhánh động mạch cung cấp máu cho tim và não.
Động mạch là hệ thống mạch máu đưa máu từ tim tới các cơ quan trong cơ thể. Bình thường, bên trong lòng động mạch được lót bởi một lớp tế bào goi là lớp nội mạc mạch máu. Ở những người có nguy cơ bị xơ vữa như tăng cholesterol, tăng huyết áp, béo phì, hoặc một số bệnh lý, nội mạc mạch máu dễ bị tổn thương.
Các cholesterol và mỡ xấu như LDL xuyên qua thành động mạch bị tổn thương, thu hút các tế bào bạch cầu tới và tích tụ lại thành mảng, Mảng xơ vữa ngày càng lớn dần làm hẹp lòng động mạch. Cuối cùng, mảng xơ vữa có thể bong ra, kích thích tiểu cầu đến bám dính vào, hình thành nên cục máu đông. Cục máu đông sẽ làm động mạch hẹp hơn nữa, dẫn đến giảm lượng máu đến nuôi các cơ quan hoặc có thể di chuyển đến các nơi khác của cơ thể gây thuyên tắc cấp tính tim, não, chân hoặc các cơ quan được nuôi bởi mạch máu bị tắc.
Biểu hiện bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm
Bệnh xơ vữa động mạch có tính chất từ từ và xảy ra trong một thời gian nếu không phát hiện kịp thời thì mới có các triệu chứng điển hình.
Xơ vữa động mạch thì sớm muộn cũng làm cho thành động mạch bị xơ cứng, lòng động mạch bị hẹp lại làm cho máu cung cấp cho các cơ quan giảm đi, nhất là xơ vữa động mạch vành gây thiếu máu cục bộ, thiếu máu cơ tim gây đau thắt ngực và có thể gây cơn đau tim đột ngột và tử vong.
Nếu động mạch ở não bị xơ cứng thì làm hẹp lòng động mạch não gây hiện tượng rối loạn tuần hoàn não và nặng hơn là đột quỵ do tắc mạch não hoặc nhũn não. Xơ vữa động mạch xảy ra ở bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, nếu xảy ra ở động mạch chân (cẳng chân) thì sẽ xuất hiện cơn đau cơ giống như cơn đau chuột rút.
Bệnh xơ vữa động mạch cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tăng huyết áp.
Làm thế nào để biết có nguy cơ bị xơ vữa động mạch?
Bệnh xơ vữa động mạch ở người cao tuổi là một bệnh âm thầm nhưng rất nguy hiểm. Trong giai đoạn đầu của bệnh xơ vữa động mạch thì có rất ít triệu chứng, vì vậy người cao tuổi cần được khám bệnh định kỳ và làm xét nghiệm máu để biết có tăng cholesterol máu hay không.
Khi làm xét nghiệm cần lưu ý xét nghiệm cholesterol toàn phần (cholesterol), cả cholesterol tốt và cholesterol xấu. Ngoài ra cũng nên kiểm tra đường máu lúc đói và đo huyết áp định kỳ.
Khi đã được bác sĩ khám bệnh cho kết luận bị tăng huyết áp thì người cao tuổi càng cần kiểm tra huyết áp định kỳ và dùng thuốc đều đặn theo đơn chỉ dẫn của bác sĩ, không tự động đổi thuốc và không tự động ngừng thuốc làm giảm huyết áp khi chưa có ý kiến của bác sĩ khám bệnh cho mình.
Đối với đường huyết khi có kết luận của bác sĩ khám bệnh, thông qua xét nghiệm máu lúc đói và làm nhiều lần là bị đái tháo đường thì cần lắng nghe và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ khám bệnh, không nên quá lo lắng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ nói chung và làm tăng bệnh đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch. Khi bị đái tháo đường thì người cao tuổi nên chuẩn bị cho mình một máy đo đường huyết tự động để vừa theo dõi đường huyết tốt vừa tránh mất thời gian đi khám bệnh.
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Ở giai đoạn sớm thì bệnh chưa có triệu chứng rõ nhưng lại cần phải chẩn đoán sớm để chữa trị có hiệu quả. Do đó người ta phải xét nghiệm máu để phát hiện tỷ lệ cholesterol trong máu cao, cũng cần phát hiện bệnh tăng huyết áp và bệnh tiểu đường. Vì đây đều là những yếu tố gây bệnh. Do đó ở các nước Âu, Mỹ, để chủ động phát hiện sớm bệnh này người ta cho xét nghiệm máu, đo tỷ lệ cholesterol máu ít nhất 5 năm một lần sau tuổi 20 (theo tài liệu của Mỹ).
Nếu bệnh đã phát triển thì người ta thường cho làm những thử nghiệm về máu để có thể vừa phát hiện được cả tổn thương của động mạch và cả tổn thương của các nội tạng được cung cấp máu. Như vậy cả nguyên nhân và hậu quả đều được kiểm tra.
Ở bệnh viện có điều kiện, người ta làm những kỹ thuật hình ảnh cao như:
- Siêu âm Doppler (Doppler ultrasound scanning).
- Làm điện tâm đồ (ECG).
- Chụp động mạch vành.
Các kỹ thuật này giúp chẩn đoán và đánh giá chức năng động mạch tim, tình trạng dòng máu tuần hoàn.