Đau thần kinh hông là hội chứng đau dọc đường đi của dây thần kinh hông, về điều trị chúng ta cần tìm ra nguyên nhân đau thần kinh hông để có cách điều trị phù hợp.
Nguyên tắc điều trị đau dây thần kinh hông
Đau dây thần kinh hông ở giai đoạn cấp tính (trong vòng một tuần đầu tiên) người bệnh cần được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, tránh vận động, không xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, điện châm… để tránh co cứng cơ, có thể làm bệnh nặng thêm.
Sau giai đoạn cấp cho bệnh nhân vận động nhẹ nhàng tại chỗ tránh teo cơ, rối loạn dinh dưỡng.
Có thể kết hợp nhiều biện pháp như dùng thuốc tại chỗ với toàn thân, tây y kết hợp với đông y, lý liệu, vận động.
Trước hết cần tuân thủ các nguyên tắc ở trên, các biện pháp cụ thể như sau:
Dùng thuốc giảm đau kháng viêm toàn thân: lựa chọn thuốc tùy trường hợp cụ thể có thể dùng nhóm paracetamol, diclofenac,… Các thuốc này có ưu điểm là rẻ tiền, dễ mua nhưng có hại cho gan và có thể gây viêm loét đường tiêu hóa. Cần thận trọng dùng paracetamol cho người có tiền sử bệnh lý gan, nghiện rượu… Diclofenac không dùng cho người có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng. Thuốc uống sau bữa ăn, chia làm 2- 3 lần trong ngày. Có thể lựa chọn các thuốc họ xicam, nhóm coxcib, các nhóm này ít tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, thời gian bán hủy dài nên có thể dùng một lần trong ngày. Tuy nhiên các tác dụng phụ trên hệ tim mạch còn đang được nghiên cứu và kiểm chứng. Tuyệt đối không được dùng các thuốc kháng viêm giảm đau để thủy châm hoặc phong bế trên đường đi của dây thần kinh hông to, vì các thuốc này có thể làm tổn thương dây thần kinh ngoại vi không hồi phục, gây liệt chi thể.
Những trường hợp nặng có thể dùng nhóm chống viêm dạng corticoid, tuy nhiên nhóm thuốc này cần rất thận trọng vì nhiều tác dụng phụ trên hệ miễn dịch, tiêu hóa, tim mạch, nội tiết, chuyển hóa…, nên dùng ngắn ngày, liều cao hoặc dùng tại chỗ và có chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc.
Thuốc giãn cơ vân (myonal, mydocalm…), có thể dùng dạng tiêm hoặc uống. Dùng sau bữa ăn, thận trọng cho người có bệnh lý dạ dày – tá tràng, trẻ em và người già (do hệ thống cơ vân yếu). Không dùng cho bệnh nhân có bệnh nhược cơ. Đối với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể dùng thuốc giãn cơ vân kéo dài tới cả tháng.
Vitamin nhóm B: B1, B6, B12 là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin tuy nhiên cũng nên dùng theo chỉ định của thầy thuốc, không nên coi nó là thuốc bổ mà lạm dụng. Hiện nay hay dùng dạng hỗn hợp 3 loại vitamin B.
Các thuốc có tác dụng tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi như galantamine. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế men cholinesterase (men phân hủy acethyl cholin ở khớp – xinap thần kinh). Chỉ định cho các trường hợp đau thần kinh hông to đã có ảnh hưởng tới chức năng của dây thần kinh. Các tác dụng phụ có thể thấy là choáng váng, đau bụng, buồn nôn. Nên dùng liều thấp rồi tăng dần.
Các biện pháp điều trị tại chỗ như tiêm vào khoang ngoài màng cứng, khoang cùng cần được các bác sĩ chuyên khoa tiến hành tại các cơ sở y tế có trình độ chuyên môn cao.
Những trường hợp thoát vị nặng hoặc điều trị bảo tồn không khỏi cần sử dụng các biện pháp can thiệp như chọc hút đĩa đệm qua da, mổ nội soi hoặc phẫu thuật lấy bỏ đĩa đệm thoát vị… Các trường hợp này cần được chỉ định chặt chẽ và tiến hành tại các cơ sở y tế tin cậy.
Điều trị đau thần kinh hông to do thoái hóa cột sống thắt lưng và viêm khớp cùng chậu phương châm điều trị là bảo tồn, không can thiệp. Sử dụng các biện pháp sau:
- Dùng thuốc giảm đau kháng viêm, lựa chọn thuốc tùy trường hợp cụ thể có thể dùng nhóm paracetamol, diclofenac, xicam, nhóm coxcib.
- Thuốc giãn cơ vân, myonal, mydocalm.
- Vitamin nhóm B: B1, B6, B12.
- Các thuốc có tác dụng tăng dẫn truyền thần kinh như galantamine.
- Kết hợp với các thuốc dự phòng và chống loãng xương, thoái hoá cột sống như các thuốc nhóm biphosphonat, nhóm cancitonin, glucosamin…
Tóm lại, điều trị đau dây thần kinh hông to quan trọng nhất là điều trị nguyên nhân, sử dụng nhiều biện pháp như nội, ngoại, đông tây y. Kết hợp tại chỗ với toàn thân, coi trọng các biện pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, kết hợp giữa tự điều trị của người bệnh và có sự giúp đỡ của thầy thuốc.
Mọi thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần lưu ý điều trị theo chỉ định của bác sỹ.