Không chỉ riêng bệnh viêm mũi mà trong tất cả các loại bệnh thì trẻ em luôn là đối tượng sử dụng thuốc đặc biệt. Vì cơ thể trẻ còn non yếu, phát triển chưa hoàn chỉnh các hệ cơ quan nên việc sử dụng thuốc bên cạnh mục đích chữa trị bệnh còn phải hạn chế đến mức thấp nhất các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Sau đây là những lưu ý cho các bà mẹ về cách dùng thuốc cho trẻ mắc bệnh viêm mũi :
1. Rửa mũi
Khi viêm mũi trẻ thường nghẹt mũi, chảy nước mũi nên thở khò khè khó chịu, hay quấy khóc. Nếu trẻ đang bú thì việc ngạt mũi làm cho trẻ phải thờ bằng miệng và phải ngưng lại nhiều lần để thở khi bú. Chính vì thế việc làm thông mũi là bước đầu quan trọng để giải quyết triệu chứng khó chịu này cho trẻ.
An toàn và tiện lợi nhất là dùng nước nuối NaCl 0,9% mua từ các nhà thuốc để rửa mũi cho trẻ. Nên rửa từ 3-4 lần/ ngày tùy vào tình trạng nghẹt mũi của trẻ, dùng trước khi cho bé ăn hoặc bú. Trước khi nhỏ, bạn nên ngâm lọ nước muối vào nước ấm sau đó nhỏ thử trước lên tay bạn rồi mới dùng cho bé. Khi rửa thì tiến hành rừng từng bên mũi, không tiến hành cùng lúc.
Không nên dùng miệng hút mũi bé vì có nguy cơ lây lan mầm bệnh cao, nếu cần có thể dùng dụng cụ hút gỉ mũi tiệt trùng.
Nếu trẻ có kèm sốt thì có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (paracetamol).
2. Các thuốc thông xịt mũi
Nhóm thuốc co mạch như naphazolin, oxymetalin có tác dụng co mạch nhanh nên thông mũi tức thì. Tuy nhiên tác dụng phụ là vô cùng to lớn nếu trẻ dùng phải hoặc dùng lâu dài ( >5 ngày). Thực tế cho thấy, trẻ dưới 7 tuổi dùng naphazolin hay trẻ dưới 6 tuổi dùng oxymetalin sẽ bị choáng, tím tái, thậm chí hôn mê. Khi dùng lâu dài sẽ bị lờn thuốc, bị hiệu ứng “dội ngược” nên phải tăng liều ( đồng nghĩa với việc tăng tác dụng phụ), đưa đến vòng lẩn quẩn là “viêm mũi do thuốc”.
Tương tự, thuốc xịt chứa glucocorticoid tác dụng tại chỗ tuy tác dụng phụ chỉ là khô miệng, khô họng nhưng vẫn cần phải có chỉ định của bác sĩ để biết được liều lượng sử dụng phù hợp cho trẻ. Nên dùng loại tác dụng kéo dài, chỉ xịt 1 lần vào buổi sáng nhằm hạn chế thấp nhất tác dụng phụ.
3. Các nhóm thuốc uống
Bao gồm kháng histamine, kháng sinh, cường giao cảm hay glucocorticoid toàn thân giúp thông mũi, giảm chảy mũi nước và lưu ý tất cả đều PHẢI CÓ CHỈ ĐỊNH của bác sĩ vì sự chuyển hóa của các loại thuốc này ảnh hưởng đến gan thận còn non yếu của trẻ cũng như tác dụng của thuốc lên tim mạch, thần kinh rất phức tạp.
4. Lưu ý khác ngoài dùng thuốc :
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh trẻ để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh của trẻ.
- Nên giữ ấm và ẩm trong phòng bé, có thể đặt 1 chậu nước trong phòng nếu thời tiết quá hanh khô. Đi ra đường nên đeo khẩu trang cho bé và nên thay khẩu trang thường xuyên.
- Triệt để tránh khói thuốc lá cho trẻ.
- Bổ sung đầy đủ nước và dinh dưỡng để tăng cường đề kháng của trẻ.
- Nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được các bác sĩ thăm khám và kê toa phù hợp với bệnh tình và độ tuổi của trẻ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc sử dụng.
Đọc thêm về phương pháp phòng ngừa và điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ