Xét về các dạng viêm mũi thì viêm mũi cấp, viêm mũi dị ứng, viêm xoang là những dạng phổ biến nhất. Ở mỗi dạng viêm mũi lại có các triệu chứng khác nhau, và hướng điều trị khác nhau. Bài viết dưới đây là những kiến thức cơ bản nhất về các dạng viêm mũi này.
Viêm mũi cấp
Đối tượng dễ mắc phải : Thường gặp nhất ở trẻ em
Nguyên nhân : Phần lớn các ca bệnh do virus gây ra. Bệnh lây truyền nhanh qua không khí, đặc biệt vào những lúc thay đổi thời tiết như đông xuân hoặc xuân-hè.
Triệu chứng :
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi trong, nhờn, nhảy mũi kéo dài hơn một giờ trong một ngày và kéo dài trong nhiều ngày. Ở trẻ nhỏ, ngạt mũi và chảy mũi khiến trẻ phải thở bằng miệng và thường có tiếng kêu khò khè. Trẻ bú khó chịu, mỗi lần ngậm vú để bú thì ngạt thở làm trẻ tím tái, bỏ bú, quấy khóc.
- Sốt, có khi sốt cao 390C.
- Rối loạn tiêu hoá: tiêu chảy, nôn trớ.
- Sau 3-4 ngày, bệnh nhân bớt xì mũi, nước mũi giảm dần rồi hết. Mũi sẽ trở lại như cũ. Nếu viêm mũi kéo dài trên 1 tuần mà không đỡ, có thể bệnh đã chuyển sang biến chứng do bị nhiễm khuẩn. Nếu nước mũi tiếp tục chảy ngày một tăng kèm theo các triệu chứng khó chịu ở mũi xoang, khàn tiếng, chảy mủ tai thì cần kiểm tra xoang, thanh quản, phế quản và tai.
Viêm mũi dị ứng
Đối tượng dễ mắc phải : Tùy vào cơ địa của từng người, và tố chất di truyền của riêng người đó. Không phải ai tiếp xúc với dị ứng đều bị dị ứng. Nếu trong gia đình có người thân bị viêm mũi dị ứng thì người đó cũng có nguy cơ.
Cụ thể như sau :
- Cha mẹ đều bị dị ứng, sẽ có tỉ lệ con bị dị ứng cao, chiếm khoảng 50%.
- Chỉ cha hoặc mẹ bị dị ứng thì tỉ lệ này là 30%.
Nguyên nhân : Nguyên nhân do dị nguyên gây bệnh bao gồm phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, vải sợi, lông gia súc, gia cầm, một số thức ăn như: dâu, dứa, tôm, cua, cá; Một số thuốc như: aspirin, quinin; Hoặc vi khuẩn: liền cầu, tụ cầu, trực khuẩn E.coli…
2 loại viêm mũi dị ứng : Viêm mũi dị ứng có chu kỳ và viêm mui dị ứng không có chu kỳ.
Triệu chứng:
Viêm mũi dị ứng có triệu chứng điển hình là hắt hơi hàng tràng (có khi trên 10 cái), chảy nước mũi giàn giụa, mắt đỏ và ngứa (càng dụi càng ngứa), khô họng, ngạt mũi. Các biểu hiện này tồn tại trong vòng 15-20 phút, sau đó giảm dần. Số cơn xuất hiện trong ngày thùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Nếu đã thành mạn tính thì nghẹt mũi có thể xảy ra gần như thường xuyên kèm theo ù tai, nhức đầu. Một số trường hợp viêm mũi mạn tính kéo dài có thể có hiện tượng loạn khứu giác hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi.
Viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng thường làm giảm năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy, căn bệnh này rất dễ dẫn đến viêm xoang và các chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm tai giữa, có polyp trong mũi…
Viêm xoang
Đối tượng dễ mắc phải : Viêm xoang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là ở người lớn tuổi. Viêm xoang cấp thường xảy ra sau những đợt cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp hoặc do dị ứng nhiễm nấm.
Nguyên nhân viêm xoang: Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang có thể là do vi trùng, siêu vi hoặc do vi nấm, thường thấy nhất là sau khi bị cảm cúm hoặc do viêm mũi dị ứng kéo dài hoặc do tình trạng vẹo vách ngăn, có trường hợp viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên.
Triệu chứng viêm xoang :
Năm triệu chứng chính của viêm xoang gồm: nghẹt mũi; chảy mũi: chảy mũi trước, chảy mũi sau: khịt, khạc, ngửi kém, mất mùi; đau nhức mũi mặt (góc mũi mắt, vùng má, thái dương, vùng trán, vùng chẩm, đau sâu trong hố mắt); nhức đầu; sốt (thường ở viêm xoang cấp).
Viêm xoang cũng xuất hiện kèm theo một số triệu chứng phụ như nhức đầu (đỉnh, thái dương, chẩm gáy); ho dai dẳng (không có nguyên nhân ở họng hoặc khí phế quản); đau tai hay cảm giác đầy, căng, nặng trong tai; nhức răng; hơi thở hôi; mệt mỏi.
Các biện pháp phòng ngừa viêm mũi
Để phòng ngừa viêm mũi hiệu quả cần chú ý một số vấn đề sau:
- Cần giữ ấm khi trời trở lạnh.
- Đặc biệt tránh dùng thuốc và thực phẩm gây dị ứng.
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống. Không nuôi hoặc tiếp xúc với vật nuôi (chó, mèo) gây dị ứng.
- Tránh thói quen dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi. Rèn luyện thân thể, tránh uống rượu, không hút thuốc lá để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh, rửa mũi. Vệ sinh mũi giúp loại bỏ gỉ mũi, chất nhầy, giúp ngăn ngừa và góp phần tránh các bệnh viêm nhiễm hô hấp như: viêm mũi, nghẹt mũi, hắt xì và viêm xoang.