Phần lớn người bị viêm phế quản được kê ít nhất một loại thuốc kháng sinh khi tới phòng khám của bác sĩ. Nhưng theo một nghiên cứu gần đây, kháng sinh không có tác dụng gì với đa số bệnh nhân.
Kháng sinh không có tác dụng với bệnh viêm phế quản
Hai chuyên gia tại Đại học Y khoa Virginia Commonwealth đã xem xét kết quả của hàng trăm nghiên cứu, thử nghiệm và thu thập tất cả những tài liệu khoa học liên quan tới viêm phế quản cũng như cách điều trị căn bệnh này.
Kết quả phân tích hàng nghìn trang tài liệu cho thấy, trong phần lớn trường hợp viêm phế quản, bác sĩ không nên kê thuốc kháng sinh cho người bệnh.
“Viêm phế quản phát sinh khi các khí quản nhỏ trong phổi bị viêm nhiễm. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một liệu pháp điều trị cụ thể nào. Đó chính là lý do khiến cho việc kê thuốc kháng sinh cho bệnh nhân viêm phế quản trở nên phổ biến”, tiến sĩ Richard P. Wenzel, một trong hai nhà nghiên cứu, nói. Ông cho biết bác sĩ có thể đưa kháng sinh vào đơn thuốc trong trường hợp viêm phế quản do vi khuẩn gây nên, chẳng hạn như ho kéo dài. Thế nhưng tỷ lệ mắc viêm phế quản do vi khuẩn lại rất nhỏ.
Theo ước tính của Wenzel, tại Mỹ, khoảng 70-80% bệnh nhân viêm phế quản được chỉ định dùng kháng sinh trong vòng 5 tới 10 ngày. Liều lượng như vậy là quá nhiều.
Wenzel cho rằng bác sĩ không nên kê thuốc kháng sinh một cách tràn lan cho bệnh nhân vì 3 lý do. Thứ nhất, đơn thuốc có kháng sinh thường gây tốn kém cho người bệnh.
“Thứ hai là tất cả kháng sinh đều có tác dụng phụ, chẳng hạn như gây dị ứng, tiêu chảy và đau bụng. Những tác dụng không mong đợi đó chỉ có thể chấp nhận được nếu chúng giúp bệnh nhân cải thiện tình hình sức khỏe”, Wenzel bình luận.
Thứ ba là mỗi khi bệnh nhân sử dụng một loại kháng sinh nào đó, số chủng vi khuẩn kháng thuốc trong cơ thể họ sẽ tăng lên, khiến cho loại kháng sinh đang dùng trở nên vô tác dụng trong lần sau.