Gọi là cao huyết áp khi các chỉ số huyết áp cao hơn mức bình thường (huyết áp tối đa ≥ 160mmHg và huyết áp tối thiểu ≥ 100mmHg ). Cao huyết áp có diễn biến âm thầm và nhiều biến chứng nguy hiểm. Để chữa cao huyết áp hay điều trị căn bệnh này, thay đổi lối sống là rất cần thiết.
Mục lục
Bệnh cao huyết áp là gì?
Bệnh cao huyết áp là một bệnh mạn tính xảy ra khi áp lực máu tác động lên các thành mạch cao hơn bình thường. Chúng ta có thể bị mắc cao huyết áp nhiều năm mà không có bất kỳ dấu hiệu nào, nhưng về lâu dài sẽ dẫn tới những biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm như đau tim, đột quỵ
Thông thường khi đo huyết áp người ta dùng 2 số đo là huyết áp tâm thu (số đứng trước) và huyết áp tâm trương (số đứng sau), huyết áp bình thường thì là 120/80 mmHg. Khi bị cao huyết áp thì một trong hai chỉ số hoặc cả hai chỉ số đều cao hơn mức bình thường.
Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp có hai loại khác nhau là cao huyết áp vô căn và cao huyết áp thứ cấp, mỗi loại lại do những nguyên nhân khác nhau gây ra:
- Nếu bị cao huyết áp vô căn (hay còn gọi là cao huyết áp không có nguyên nhân, tiên phát, nguyên phát) thường không có nguyên nhân cụ thể, thường là do di truyền và xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới
- Còn bị cao huyết áp thứ cấp thì nguyên nhân là do hệ quả của một số bệnh như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, sử dụng thuốc tránh thai,thuốc chữa cảm, lam dụng bia rượu, cocain
Dựa vào những nguyên nhân gây bệnh mà chúng ta có thể lựa chọn những phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.
Phương pháp điều trị bệnh cao huyết áp
Điều trị cao huyết áp không dùng thuốc
Phương pháp điều trị không dùng thuốc chủ yếu là sự can thiệp từ lối sống. Đó là:
1. Đi bộ và tập thể dục thường xuyên
Rèn luyện thể chất không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn giúp cải thiện sức khỏe của tim, đồng thời giúp cơ quan này bơm máu hiệu quả hơn, từ đó áp lực máu tác động lên thành động mạch cũng sẽ giảm đáng kể.
Tăng cường rèn luyện thể lực mức độ trung bình: mỗi ngày 30-45 phút, tuần 180 phút như đi bộ nhanh (7 km/giờ), đi xe đạp nhanh, chạy, chơi bóng bàn cũng có thể giúp giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.
2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Hạn chế muối ăn, ăn nhạt: Muối là khoáng chất cần thiết cho cơ thể nhưng nếu ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào đối với Natri. Khi đó sẽ gây tích nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn tới tăng huyết áp. Bạn có thể hạn chế việc sử dụng muối ăn bằng cách sử dụng những loại thảo mộc và gia vị khác để thay thế nó.
- Hạn chế thức uống chứa cồn: Những loại thức uống chứa cồn không tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe bệnh cao huyết áp nói riêng. Có khoảng 16% trường hợp bị tăng huyết áp do rượu. Vì thế các chuyên gia khuyến cáo người bị cao huyết áp nên hạn chế những loại đồ uống chứa cồn.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu Kali: Kali là một khoáng chất quan trọng giúp hỗ trợ cơ thể hạn chế hấp thụ natri, đồng thời giảm áp lực máu tác động lên thành động mạch. Những thực phẩm giàu Kali bạn có thể bổ sung bao gồm: các loại rau xanh, khoai tây, cà chua, chuối, bơ, cá ngừ, cá hồi, các loại hạt và đậu.
3. Bỏ hẳn thuốc lá với những người nghiện thuốc
Hút thuốc lá không chỉ là tăng nguy cơ gây bệnh ung thư phổi mà còn là nguy cơ tiềm ẩn đối với bệnh tim mạch, bao gồm tăng huyết áp. Các hóa chất trong thuốc lá cũng có nguy cơ tổn thương mạch máu.
Vì vậy, bỏ thuốc lá được xem là cách chữa cao huyết áp tại nhà do giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
4. Quản lý căng thẳng, stress
Stress hay căng thẳng là nguyên nhân trực tiếp gây tăng huyết áp. Khi áp lực tinh thần kéo dài, cơ thể bạn sẽ luôn ở trong chế độ căng thẳng. Cơ thể căng thẳng khiến nhịp tim nhanh hơn, đồng thời gây thu hẹp ở các mao mạch.
Mặt khác, khi cơ thể căng thẳng chúng ta dễ có những hành vi không có lợi cho sức khỏe như: hút thuốc, uống rượu, ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp.
Việc quản lý căng thẳng, stress có thể đơn giản thông qua những biện pháp sau:
- Nghe nhạc nhẹ: Những bản nhạc nhẹ có thể giúp thư giãn hệ thần kinh. Nhiều thử nghiệm lâm sàng cho hay nó là một bổ sung hiệu quả cho các liệu pháp điều trị tăng huyết áp khác.
- Làm việc ít hơn: Lượng công việc nhiều cũng như các tình huống hoặc môi trường làm việc áp lực có một sự liên kết chặt chẽ với tăng huyết áp.
5. Giảm cân nếu thừa cân, béo phì
Khi bị béo phì, các dây thần kinh giao cảm bị căng thẳng, các hormone (adrenaline, noradrenaline,…) làm tăng huyết áp được tiết ra nhiều hơn và dẫn đến tình trạng huyết áp cao. Nếu trọng lượng của bạn quá cao, hãy giảm cân như một cách chữa cao huyết áp tại nhà.
Theo một nghiên cứu năm 2016, khi bạn giảm được 5% khối lượng cơ thể đã có thể khiến chỉ số huyết áp giảm đi đáng kể. Trong các nghiên cứu lâm sàng trước đây, giảm khoảng 8kg sẽ giúp huyết áp tâm thu hạ xuống 8,5mmHg, trong khi huyết áp tâm trương là 6,5mmHg.
Hiệu quả sẽ càng chuyển biến tích cực hơn nếu bạn kết hợp giảm cân cùng tập thể dục. Giảm cân có thể làm cho các mạch máu giãn nở và co bóp tốt hơn, từ đó tâm thất sẽ bơm máu dễ dàng hơn.
Điều trị cao huyết áp có dùng thuốc
Hiện nay có khoảng 300 loại thuốc chữa cao huyết áp khác nhau và thầy thuốc sẽ căn cứ bệnh trạng cụ thể mà lựa chọn thuốc phù hợp nhất cho từng người. Người bệnh không nên ỷ lại vào thuốc mà xem nhẹ hiệu quả thay đổi lối sống. Dùng thuốc rất cần sự tư vấn của bác sỹ, tuyệt đối không nên tùy tiện dùng thuốc theo ý kiến cá nhân.
Biện pháp không dùng thuốc là cách thức chữa trị đầu tiên, bổ trợ và song hành với cách chữa bằng thuốc.
Lưu ý khi điều trị bằng thuốc:
Khi sử dụng một số loại thuốc hạ áp có thể gây ra một số biến chứng như choáng váng mặt mày, mệt mỏi, nhức đầu, thay đổi trong sinh lý. Nếu thấy xuất hiện những biến chứng này thì cần ngay lập tức thông báo với bác sỹ của mình. Bác sỹ có thể cắt bớt đi liều lượng dùng, hoặc đổi những loại thuốc khác phù hợp với sức khỏe của bạn hơn. Tuyệt đối không được tự ý thay đổi thuốc hạ áp mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Khi phát hiện bệnh cao huyết áp thì việc chữa trị nhanh chóng kịp thời sẽ giảm tối đa các biến chứng do tăng huyết áp gây ra, giúp giảm chi phí điều trị và kéo dài tuổi thọ.
Khi các trị số huyết áp < 135/85 mm Hg thì gọi là điều trị ổn, lúc này mối nguy hiểm đã giảm nhiều. Ngưỡng này cao thấp tuỳ bệnh kèm theo cụ thể, ví dụ đái tháo đường và bệnh thận giai đoạn cuối thì ngưỡng an toàn là <130/80 mm Hg.