Khi sự tích lũy mỡ trong cơ thể tăng lên quá mức so với mức bình thường thì người ta gọi đó là béo phì. Bệnh béo phì có thể dẫn tới nhiều nguy cơ về mặt sức khỏe trong đó có huyết áp và tim mạch. Béo phì chủ yếu do năng lượng ăn và nhiều hơn nhu cầu năng lượng hàng ngày, sự thừa năng lượng này diễn ra liên tiếp trong một thời gian dài dẫn đến béo phì.
Như thế nào được coi là béo phì?
Có nhiều cách để xác định xem bạn có bị béo phì hay không? Có thể kể tới một vài phương pháp như đo lớp mỡ dưới da, đo tỷ trọng cơ thể, dùng các chất phóng xạ hoặc các loại cân đặc biệt để đo tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể… Trong đó một phương pháp đã được nhiều tác giả công nhận là phương pháp tính dựa trên chỉ số BMI. Cụ thể như sau:
BMI = Cân nặng/(Chiều cao)² (Cân nặng tính bằng kg và chiều cao tính bằng m
Nếu chỉ số BMI từ 18,5 – 22,9 được xem là bình thường, từ 23 là thừa cân và từ 23 – 24,9; 25 – 29,9 ; 30 lần lượt được xem là béo phì độ I, độ II, và độ III.
Những nguyên nhân của béo phì là gì?
Có tới 90% các ca bệnh béo phì là do yếu tố ngoại sinh bao gồm : ăn uống, vận động, sinh hoạt … Khoảng dưới 10% béo phì do di truyền và do bệnh lý chủ yếu là các bệnh lý về gen, nội tiết.
Những nguy cơ mà thừa cân béo phì mang lại?
Về tình trạng sức khỏe chung: bệnh béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, sỏi thận, sỏi mật …Sự gia tăng các nguy cơ bệnh lý cộng với các yếu tố xã hội, người bệnh béo phì trung bình sẽ giảm từ 6 – 10 năm tuổi thọ.
Về yếu tố tâm lý: Người bệnh béo phì đặc biệt là trẻ em thường dễ bị tâm lý, dễ trở nên tự kỷ, cô độc, dễ coi thường bản thân mình, những tổn thương tâm lý này có thể kéo dài đến khi trẻ trưởng thành. Còn với người lớn bị béo phì, các rối loạn tâm lý có thể gặp phải như tự ti, khó hay không hòa nhập cộng đồng , một số người còn có tư tưởng nổi loạn có ý định tự tử.
Những ảnh hưởng về mặt xã hội : Điều đáng nói ở đây là người bị bệnh béo phì thường rất thụ động, ít hoạt động, suy nghĩ và làm việc chậm chạp, thêm nữa họ thường có tâm lý tự ti, không thích tham gia vào tập thể nên thường thất bại trong công việc, học tập, khám phá, vui chơi .. Người béo phì thường khó tìm được việc làm tốt và hay gặp trở ngại trong đời sống tình cảm.
Bệnh béo phì được điều trị như thế nào?
Nguyên tắc chính trong điều trị bệnh béo phì chủ yếu là giảm năng lượng ăn vào thông qua kiểm soát chế độ ăn và tăng năng lượng tiêu hao thông qua chế độ vận động thể lực phù hợp. Ngoài ra các biện pháp hỗ trợ gồm có dùng thuốc, tâm lý liệu pháp, thay đổi hành vi… đều nhằm giảm năng lượng ăn và tăng năng lượng tiêu hao năng lượng. Dưới đây là một số lưu ý trong điều trị béo phì:
- Cần đặc biệt áp dụng chế độ ăn kiêng hợp lý: đó là việc hạn chế chất béo, bột đường như bánh ngọt, mỡ động vật.., cần duy trì đủ lượng đạm và tăng cường chất xơ như rau xanh và trái cây. Đặc biệt không được bỏ bữa ăn và nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ. Người bệnh cũng nên uống nhiều nước trong ngày và ăn canh trước các bữa ăn.
- Cần tăng cường vận động thể lực đều đặn : Quá trình luyện tập vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, quá trình lưu thông máu tốt hơn. Nên tập tối thiểu 30 phút/ngày. Những hoạt động dễ thực hiện mà có tác dụng tốt có thể kể tới như bơi lội, thể dục nhịp điệu, đạp xe, đi bộ …
- Thay đổi suy nghĩ : Một nguyên tắc điều trị quan trọng là giúp bệnh nhân thay đổi các quan điểm và thói quen có liên quan đến ăn uống và vận động, tập luyện thói quen mới, điều trị các bệnh tâm lý dẫn đến tình trạng háu ăn.
Hằng Nga