Ngạt mũi ở trẻ em thường xuất hiện khi trẻ bị cảm hay dị ứng. Triệu chứng ngạt mũi khó thở là do các mao mạch mũi sưng to. Chính vì thế trẻ sẽ cảm thấy rất khó chịu và mệt mỏi. Các loại thuốc OTC trị ngạt mũi không phải là một lựa chọn đúng đắn vì chống chỉ định với trẻ nhỏ. Trẻ cần những cách khác để thoát khỏi triệu chứng này và cảm thấy khỏe hơn .
Hạn chế ra ngoài
Khi trẻ bị ngạt mũi, việc chạy nhảy ngoài trời nhiều bụi bẩn, vi khuẩn sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn. Nên cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi, cũng là một cách phòng chống lây lan cho trẻ khác nếu bệnh của trẻ là do vi khuẩn. Nếu phải ra ngoài, phải dùng khẩu trang che chắn cho trẻ. Việc ngạt mũi cũng khiến trẻ khá mất sức, trẻ ở nhà nghỉ ngơi và ăn uống sẽ giúp trẻ không bị mất sức.
Độ ẩm
Lưu ý độ ẩm không khí trong nhà. Hãy đặt một thau nước trong phòng hay bật máy làm ẩm. Duy trì độ ẩm thích hơp giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời làm loãng bớt chất nhầy đường hô hấp giúp trẻ dễ thở hơn. Đồng thời, cũng lưu ý giữ vệ sinh phòng ốc, mền gối để tránh bụi bẩn khiến trẻ khó chịu hoặc nặng hơn.
Nhỏ mũi
Dùng dung dịch nhỏ mũi hay khoáng xịt mũi cho trẻ giúp tan loãng bớt chất nhầy, chống viêm mũi nặng hơn. Liều lượng và cách sử dụng nên được bác sĩ tư vấn.
Dùng ống hút để hút cất nhầy đường thở ra bớt. Nên tiến hành thường xuyên để đường thở được thông thoáng. Nên kết hợp ống hút nhầy với xịt mũi để có hiệu quả hơn.
Tắm hơi
Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng tắm kín gió. Hơi nước bốc lên trong phòng tắm sẽ giúp cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Cũng có thễ dùng hơi nước ấm để xông hơi mũi khi trẻ cảm thấy khó thở.
Uống nước
Cho trẻ uống nhiều nước trong ngày chia thành nhiều lần. Khi cơ thể hấp thu nhiều nước sẽ làm cho chất nhầy loãng hơn và đường thở thông thoáng dần. Tránh cho trẻ dùng các loại thức uống có gas, nhiều đường hay cafein.
Kê đầu cao khi ngủ
Khi ngủ, đặt thêm một cái gối mỏng hay khăn để kê đầu trẻ cao hơn bình thường để dễ thở và dễ ngủ. Tuy nhiên đừng kê gối quá cao sẽ lại khiến cho trẻ thêm khó thở.
Ngọc Linh