Hen phế quản hay còn có tên gọi khác là hen suyễn là một bệnh mạn tính của đường thở, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả thể chất và tinh thần của người bệnh. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Khi thấy trẻ lên cơn hen, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh xử lý nhưng cũng không được chủ quan lơ là. Vậy tốt nhất nên xử lý thế nào khi trẻ lên cơn hen, mời bạn đọc theo dõi qua bài viết dưới đây.
Khi chăm sóc trẻ mắc hen phế quản tại nhà cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn, tránh nguyên nhân làm khởi phát cơn hen, biết cách tự phòng ngừa bằng thuốc và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ.
Những dấu hiệu trẻ sắp lên cơn hen
Khi thấy trẻ có những biểu hiện lạ như dưới đây có thể là dấu hiệu một cơn hen sắp được khởi phát:
- Sắc mặt của trẻ tỏ vẻ hoảng sợ và tư thế cho thấy trẻ không thể dịu xuống
- Trẻ cảm thấy bồn chồn khó ngủ
- Trẻ bị ho, đặc biệt vào ban đêm
- Trẻ bị ra mồ hôi, da tái, thở nhanh và lỗ mũi phập phồng
- Quan sát thấy trẻ thở nặng nhọc với môi mím chặt
- Trẻ bị ói mửa và mệt mỏi
- Xuất hiện khoảng hõm giữa các xương sườn hoặc trong cổ.
Cần xử lý thế nào khi trẻ lên cơn hen
- Khi trẻ lên cơn hen cấp: Đưa trẻ ra không gian thoáng khí nơi có không khí trong lành.
- Khi trẻ lên cơn hen nhẹ: Sử dụng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như: ventolin, atrovent, bricanyl… Các loại thuốc này có thể dùng trong máy xông khí dung, bình xịt định liều, thuốc dạng viên hoặc siro. Khi dùng phải có chỉ định của bác sỹ và liều lượng thuốc phụ thuộc theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ.
- Khi trẻ lên cơn hen nặng: Sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh ventolin khí dung hoặc xịt theo chỉ dẫn của bác sĩ, 3 lần, mỗi lần cách nhau 30 phút, ngoài ra cho trẻ uống thêm corticosteroid với liều 2mg/kg/ngày, sau ăn no, nếu tình trạng không cải thiện, cha mẹ phải cho trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay.
- Nếu trẻ có kèm theo sốt, cơn hen kéo dài trên 3 ngày, có thể trẻ bị viêm bội nhiễm do vi khuẩn. Trong những trường hợp hen bội nhiễm phải cho trẻ uống kết hợp thêm kháng sinh.
Mọi lưu ý sử dụng thuốc khi trẻ lên cơn hen cần tham khảo ý kiến bác sỹ, không tùy ý mua thuốc về sử dụng gây nguy hiểm cho trẻ.
Có thể phòng tránh các cơn hen cho trẻ không?
Có, không thể phòng tránh triệt để đảm bảo trẻ không bị lên cơn hen nhưng các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể hạn chế nguy cơ xảy ra cơn hen ở trẻ, bằng cách:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tốt kích thích cơn hen như phấn hoa, bụi, khói, lông động vật ….
- Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là những hôm thời tiết thay đổi thất thường, nhất là đang nóng lại trở lạnh đột ngột.
- Nếu trẻ có các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phỏi, viêm mũi họng. … thì cần được điều trị sớm vì đây có thể là yếu tố làm cơn hen tái phát.
- Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Cẩn thận với thức ăn hàng ngày cho trẻ. Nhiều trẻ bị lên cơn hen sau khi ăn một số loại trứng, sữa, thức ăn nhanh nên cha mẹ cần lưu ý với nhóm thực phẩm này.
- Tránh dùng các loại thuốc xịt như hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng….
- Đảm bảo rằng phòng ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ…
- Để dự phòng hen cho trẻ, các bậc cha mẹ có thể đăng ký kiểm soát hen lâu dài cho trẻ tại một cơ sở chuyên khoa, ít nhất là 18 tháng. Trong thời gian này, dù trẻ không bị lên cơn hen thì các bậc phụ huynh vẫn phải đưa con tới khám theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng thấy con có vẻ đỡ thì không đưa con tới khám nữa. Bởi vì bề ngoài trẻ không có triệu chứng gì nhưng bệnh hen vẫn tiềm ẩn trong cơ thể và có thể dễ dàng khởi phát bất cứ lúc nào.
Omron-yte.com.vn (Tổng hợp)