Người già hệ miễn dịch kém nên dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp trong đó có viêm phổi. Theo các chuyên gia, viêm phổi gây ra tử vong ở 25% lứa tuổi trên 65. Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, người già không nên làm việc quá sức, cần chú ý phòng chống không nên chủ quan để cơ thể nhiễm lạnh đột ngột.
Nguyên nhân khiến người già dễ bị viêm phổi
Khí hậu nước ta có 4 mùa rõ rệt, vào mùa đông và đông xuân thường xuất hiện nhiều đợt gió mùa đông bắc thời tiết giá lạnh. Nếu không cẩn thận đề phòng người già rất dễ bị viêm phổi do nhiễm lạnh.
Viêm phối nặng hơn ở những người già trên 65 tuổi, do sức chống đỡ của cơ thể kém, phổi bị lão hóa trong khi đa số các trường hợp người già là gầy yếu, ăn uống kém, ngủ nghê ít. Hoặc một số trường hợp người già bị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, các tình trạng bệnh lý phải nằm lâu, ngồi lâu, hoặc là những người có cấu trúc phổi – phế quản tổn thương như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, xơ phổi …
Thủ phạm chính gây nên viêm phổi ở người cao tuổi là các vi khuẩn, virus sẵn có ở mũi họng, lợi dụng lúc cơ thể đang suy yếu vì nhiễm lạnh, sức chống đỡ kém chúng vào đường hô hấp và gây bệnh.
Hơn nữa, cùng với sự gia tăng của tuổi tác là sự lão hóa của hệ miễn dịch chung và bộ máy hô hấp dẫn đến suy giảm sức chống đỡ trước sự tấn công của các loại vi khuẩn. Các bệnh mạn tính toàn thân hoặc các bệnh của đường hô hấp cũng tạo điều kiện dễ dàng cho vi khuẩn xâm nhập vào phổi.
Cách nhận biết viêm phổi ở người già
Đối với người già, các dấu hiệu lâm sàng của viêm phổi hơi khác so với người trẻ tuổi. Nhiều người không có các triệu chứng như sốt cao nhưng lại dễ bị ngã khi đi lại, đái dầm, tinh thần lẫn lú, có lúc mất định hướng về không gian và thời gian. Một số trường hợp còn có các biểu hiện như mất nước nặng, môi và lưỡi khô, má hóp, da nhăn nheo.
Các dấu hiệu đường hô hấp chủ yếu là thở nhanh, nhiều người không bị ho, không khạc đờm, nhưng khi chụp x quang thì thấy viêm đông đặc phổi biểu hiện bằng hội chứng phế nang cục bộ hoặc rải rác kèm theo có hội chứng phế quản và hội chứng nhu mo có thể làm nhầm lẫn với lao phổi.
Vì các triệu chứng viêm phổi ở người già không hề rõ ràng, nên việc chẩn đoán cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Khi thăm khám, các bác sỹ phải cần thận, chụp phim để phát hiện tổn thương ở phổi, tiếp theo là cấy đờm để phát hiên nguyên nhân. Các trường hợp không ho, không khạc đờm mà phải lấy đờm hoặc dịch tiết phế quản bằng phương pháp nội soi phế quản … mới đạt hiệu quả tốt được.
Điều trị viêm phổi cho người già
Đối với bệnh viêm phổi ở người già, việc điều trị dùng thuốc còn gặp nhiều khó khăn, vì: phải theo dõi và điều trị kháng sinh cho phù hợp bởi rất có thể gặp nhiều loại vi khuẩn khác nhau.
Việc điều trị hỗ trợ không kém phần quan trọng để nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi tình trạng nguy hiểm bằng cho thở ôxy và các liệu pháp chống suy hô hấp, bồi phụ nước điện giải, xem xét và xử lý bệnh tim mạch kèm theo.
Các trường hợp mắc bệnh mạn tính, có các triệu chứng nguy hiểm hoặc có hàm lượng oxy trong máu thấp thì nên vào viện điều trị dùng kháng sinh liều cao hoặc áp dụng liệu pháp oxy. Nếu bệnh nhân đang được điều trị tại nhà thì nên tăng cường uống nước để giúp cho việc thở dễ dàng, nghỉ ngơi và làm những việc nhẹ, sử dụng thuốc hạ sốt trong trường hợp người bệnh bị sốt. Nhập viện sớm trong các trường hợp bệnh nhân có các dấu hiệu xấu về đường hô hấp, thở dốc, khó thở, lạnh run, sốt liên tục, thở nhanh và đau ngực, ra nhiều mồ hôi vào ban dêm, sút cân không rõ lý do …
Làm gì để phòng ngừa viêm phổi cho người già?
Để phòng ngừa viêm phổi cho người già, chúng ta cần lưu ý thêm một số vấn đề như:
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng nhất là khi xì mũi, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hay chuẩn bị thức ăn.
- Không hút thuốc lá vì khói thuốc lá có thể gây phá hủy phổi, giảm các chức năng hô hấp vốn có của phổi và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và nhiều chứng bệnh nan y nguy hiểm khác.
- Đeo khẩu trang khi vệ sinh nhà cửa hoặc các nơi bụi bẩn để hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn, virus.
- Đối với những trường hợp bị bệnh tiểu đường, hen suyễn, bệnh tràn dịch phổi, bệnh HIV, ung thư và các bệnh mạn tính nên tiêm phòng vác xin phòng ngừa virus gây bệnh.
- Người bệnh cũng nên chú ý nơi ở của mình, nên ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, không ô nhiễm. Có thể tiêm vắcxin chống cúm, chống phế cầu khuẩn.
- Vào những ngày thời tiết lạnh, người già nên hạn chế ra ngoài trời, chú ý mặc ấm. Ngoài ra, người già nên tăng cường vận động nhẹ nhàng và đều đặn cũng là cách tăng cường hệ miễn dịch phòng ngừa bệnh tật.
Omron-yte.com.vn (Tổng hợp)