Theo số liệu thống kê, bệnh hen phế quản đã khiến 25% bệnh nhân phải nhập viện, 42% trẻ nghỉ học và 29% người lớn nghỉ làm. Mỗi năm có hàng nghìn người chết vì bệnh hen và các trường hợp tử vong là do bệnh nhân không thể qua khỏi cơn hen phế quản. Hen phế quản có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào trong đó có cả trẻ em. Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh hen phế quản ở trẻ em, các mẹ sẽ có hướng xử lý kịp thời, tránh tình trạng để ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Các dấu hiệu nhận biết hen phế quản ở trẻ em
Các mẹ hãy lưu ý nếu thấy con em mình có những dấu hiệu lạ như sau:
- Trẻ khi khóc, chạy nhảy quá mức đột nhiên xuất hiện triệu chứng như ho gà, khi nói các câu dài bị ngắt quãng. Nghe phổi thấy có tiếng ran rít vào cuối thì thở ra. Đây có thể là dấu hiệu cơn hen phế quản nhẹ.
- Khi trẻ gắng sức, tiếng nói bị ngắt quãng, quan sát thấy dấu hiệu co kéo lồng ngực, hõm ức, hố thượng đòn, nghe thấy ran rít khi thở ra. Đây có thể là dấu hiệu cơn hen phế quản vừa.
- Còn với trường hợp hen phế quản nặng trẻ thường bị khó thở, bị ho cả khi nghỉ ngơi, cánh mũi phập phồng, trẻ nhỏ không thể bú được, có thêm hiện tượng co kéo lồng ngực, mũi ức, hố thượng đòn rất rõ; nhìn môi của trẻ thấy tím tái. Nói hoặc khóc rất khó khăn, thấy trẻ chỉ có thể nói từng từ một. Nghe phổi có ran rít to cả khi trẻ thở ra và hít vào.
- Đối với cơn hen phế quản rất nặng (trường hợp là ác tính) trẻn có biểu hiện như khó thở dữ dội, không thể khóc hoặc nói và lúc này nghe phổi không còn thấy ran. Cơn hen xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Với các trẻ bị hen phế quản có kèm theo sốt thì rất có khả năng trẻ bị viêm đường hô hấp do ảnh hưởng bởi một số vi khuẩn, vi nấm hoặc virus.
Một số nguyên nhân khiến trẻ bị hen phế quản
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ có nguy cơ bị hen phế quản, các chuyên gia cho rằng, một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị hen phế quản:
Thời tiết chuyển đổi đột ngột từ nắng ấm sang lạnh, gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, ẩm ướt. Khi đó trẻ rất dễ bị cảm lạnh do mặc không đủ ấm hoặc trẻ tắm trong khoảng không gian bị gió lùa. Đây là những điều kiện thuận lợi khiến hen phế quản phát sinh ở trẻ.
Những trẻ bị viêm đường hô hấp do vi sinh vật như viêm mũi họng, VA, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc trẻ ăn phải một số thức ăn như tôm,cua, ốc. Trẻ phải tiếp xúc với lông động vật hoặc côn trùng cũng làm tăng nguy cơ tái phát hen phế quản.
Môi trường khói, bụi bẩn, môi trường có khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp rơm rạ, củi, rác, nhất là khói và khí của bếp than đá (than tổ ong). Vùng đô thị vệ sinh kém. Nếu trẻ sống trong những môi trường này cũng có nguy cơ cao bị hen phế quản.
Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh hen phế quản ở trẻ em
Những trẻ có bố hoặc mẹ bị bệnh hen phế quản thì con sinh ra cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh rơi vào khoảng 30 – 50%. Nếu cả 2 bố mẹ có bệnh hen thì tỉ lệ này lên tới 50 – 70%, còn trường hợp ngược lại, bố mẹ không có ai bị hen thì tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống còn 10 -15%.
Cách xử lý và phòng ngừa khi trẻ lên cơn hen
Khi trẻ lên cơn hen, các mẹ cần cho trẻ ra chỗ thoáng khí, nơi có không khí trong lành, cho trẻ uống nhiều hoặc hít hơi nước làm đờm loãng ra sẽ dễ thở hơn.
Trường hợp trẻ có kèm theo sốt cơn hen kéo dài trên 3 ngày, có thể trẻ bị viêm bội nhiễm do vi khuẩn. Trường hợp như vậy cần cho trẻ uống thuốc kháng sinh tuy nhiên nên theo chỉ định của bác sỹ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.
Để phòng ngừa bệnh hen, các mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố làm khởi phát cơn hen. Có thể sử dụng các thuốc dự phòng để kiểm soát cơn hen.
Bệnh hen đã trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu, một vấn đề xã hội lớn, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hen có thể kiểm soát triệt để nếu được điều trị đúng và người bệnh tuân thủ chỉ dẫn của thầy thuốc. Các bậc cha mẹ nên cho con em mình tới khám và tư vấn tại các phòng khám chuyên khoa để có được lời khuyên và phác đồ điều trị phù hợp với lứa tuổi và từng bậc hen cụ thể.
Theo Omron-yte.com.vn ( Tổng hợp)