Khí hậu biến đổi, ô nhiễm khói bụi, sức đề kháng kém… là những tác nhân khiến bệnh hen phế quản tái phát và trở nặng. Bệnh thường tiến triển từng đợt cấp, sau mỗi đợt có thể nguy hiểm hơn và để lại những biến chứng khó lường, nhất là ở trẻ nhỏ.
\
Vào thời điểm giao mùa, khi mà nhiệt độ giữa ngày và đêm trở nên chênh lệch một cách rõ rệt, thì số trẻ phải nhập viện vì lên cơn hen phế quản tăng đột biến. Nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm sau:
Thể chất kém
Việc thiếu oxy trầm trọng luôn khiến trẻ xanh xao, tím tái và rất khó tập trung trong học tập và vui chơi. Bên cạnh đó, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh nhi thường phải sử dụng kháng sinh và corticoids kéo dài. Những loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng tới chức năng của thận và sự phát triển của chiều cao của bé.
Bên cạnh đó những cơn hen cũng khiến bé không thể nào ngủ ngon được mà luôn bị đánh thức vào giữa đêm. Chính vì vậy, trẻ bị hen phế quản thường chậm lớn, còi cọc, hai vai so, lưng hoặc ngực bị đô ra hoặc tóp vào.
Nhiễm khuẩn phế quản
Đây là biến chứng thường gặp ở bệnh nhi bị hen phế quản mãn tính. Nhất là trong điều kiện trời trở lạnh, thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm trong không khí cao, các virus có cơ hội tấn công mạnh và gây ra các bệnh đường hô hấp và cảm cúm. Các bệnh lý trên cộng thêm vào sẽ khiến hen phế quản diễn biến càng thêm nặng và khó lường.
Tâm phế mạn tính
Bệnh nhi sẽ có biểu hiện tím tái, khó thở khi gắng sức. Bên cạnh đó trẻ còn có cảm giác đau vùng hạ sườn phải, khi thăm khám có thể thấy gan to hoặc mấp mé bờ sườn. Tùy vào tình trạng bệnh của từng người mà thời gian dẫn đến tâm phế mạnh khác nhau, có thể kéo dài 5-10 năm hoặc lâu hơn thế nữa.
Xẹp phổi
Biến chứng này xảy ra ở rất nhiều bệnh nhân, trong đó khoảng 10% số trẻ xẹp phổi một thùy hoặc nhiều thùy. Tình trạng này sẽ dần biến mất khi hen phế quản ổn định hơn.
Suy hô hấp
Trẻ sẽ bị khó thở, tím tái liên tục, đôi khi không thể tự thở được phải hỗ trợ bằng máy. Đây là biến chứng thường gặp ở các bệnh nhi bị hen phế quản ác tính hoặc cấp tính nặng. Nếu không được hỗ trợ điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não
Tình trạng suy hô hấp kéo dài dẫn đến thiếu oxy lên não. Trong các thể hen nặng, có lúc xuất hiện trường hợp trẻ bị ngừng tim, ngừng hô hấp, gây nên tình trạng toan hỗn hợp, cuối cùng dẫn đến hôn mê và tử vong.
Do vậy, để tránh các biến chứng nguy hiểm trên, các bậc phụ huynh nên lưu ý luôn mặc ấm cho trẻ khi trời lạnh và không cho trẻ đến gần các tác nhân gây bệnh như khói bụi, phấn hoa, các loại hương liệu và hóa chất… Bên cạnh đó nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu của bệnh hen phế quản như khó thở, khò khè… cần nhanh chóng đưa ngay đến các cơ sở y tế và phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị một cách hiệu quả nhất.
Theo Omron-yte.com.vn