Bệnh hen phế quản (hen suyễn) là một bệnh mãn tính thuộc đường dẫn khí ở phổi. Tác nhân gây bệnh đa số đều có liên quan đến môi trường xung quanh và cơ địa của từng người. Tuy nhiên vẫn có nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề liệu hen phế quản có phải là một bệnh di truyền hay không? Hãy cùng chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này qua bài viết sau.
Tác nhân gây bệnh
Hen phế quản có thể tìm đến bất kỳ đối tượng nào, ở bất kỳ độ tuổi nào và thời gian nào trong năm. Tuy nhiên những người có cơ địa dị ứng và mẫn cảm đặc biệt với một số dị nguyên thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người thường. Điều đó cũng đúng với những người có hệ thống miễn dịch kém như trẻ nhỏ, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai.
Điều kiện thuận lợi cho những cơn hen bùng phát đó là sự thay đổi thời tiết đột ngột, hít phải những tác nhân dễ gây kích thích đường hô hấp như khói bụi, nấm mốc, phấn hoa… Bên cạnh đó những bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp khác cũng góp phần làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh hen phế quản.
Một số thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá, các đồ chiên nướng và đóng hộp… cũng có thể khiến cơn hen của bạn khởi phát dữ dội. Sự bất cẩn khi không giữ ấm cơ thể cả bên ngoài lẫn bên trong như mặc đồ phong phanh, ăn kem, uống nước đá, trái cây ướp lạnh… cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý về đường hô hấp nói chung và hen phế quản nói riêng.
Hen phế quản liệu có di truyền?
Câu hỏi này luôn được rất nhiều người đặt ra khi bản thân hoặc gia đình không may bị hen suyễn. Tuy nhiên từ trước tới nay chưa có nghiên cứu hay khằng định chính thức nào về tính di truyền của hen phế quản.
Dựa trên các tác nhân gây bệnh, người ta thường thống nhất rằng bệnh hen phế quản là tùy cơ địa của từng người và độ mẫn cảm của người đó với các dị nguyên từ bên ngoài. Nhưng trong thực tế lại có nhiều trường hợp nhiều người sống trong một gia đình đều bị hen phế quản. Vậy nên giải thích điều này ra sao?
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – nguyên GĐ bệnh viện Phổi Trung ương, nếu một người có cha mẹ là những bệnh nhân hen phế quản sẽ có cơ địa dị ứng và có nguy cơ dễ mắc bệnh này cao hơn 33% so với người khác. Bên cạnh đó, không phải tất cả những người có cơ địa dễ mắc hen là chắc chắn sẽ xuất hiện bệnh hen, mà chỉ một tỷ lệ nhất định các đối tượng này phát bệnh hen.
Những người có cơ địa mắc hen, nếu tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng như: lông chó, mèo, khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, bụi, phấn hoa, hóa chất, xăng dầu, nhiễm khuẩn, ăn phải thức ăn lạ dễ gây dị ứng như nhộng tằm, cá ngừ, lạc, dứa… có nguy cơ mắc bệnh hen nhiều hơn rõ rệt.
Như vậy qua ý kiến của chuyên gia, chúng ta đã có thể hiểu rõ hơn về hen phế quản và tính chất không di truyền của bệnh. Chỉ có thể nói rằng những người có tiền sử mắc bệnh trong gia đình thì có khả năng nhiễm bệnh cao hơn với điều kiện họ có cơ địa mẫn cảm hơn đối với các tác nhân gây bệnh mà thôi. Chúc bạn luôn yên tâm và vui khỏe!
Theo Omron-yte.com.vn