GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng và trở thành gánh nặng thực sự hiện nay. Đặc biệt tình trạng báo động ở những người còn rất trẻ mà cũng tăng huyết áp là điều đáng lo ngại vì đây là bệnh được coi là kẻ giết người thầm lặng.
25,1% ở người từ 25 tuổi trở lên bị tăng huyết áp
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp và có tới 9,4 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới bị tử vong do nguyên nhân trực tiếp là tăng huyết áp.
Đáng lưu ý, tỷ lệ những người bị tăng huyết áp vẫn đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi. Theo thống kê, cứ 3- 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ 3 người bị tăng huyết áp thì có 1 người không biết mình bị bệnh. Cứ 3 người được điều trị tăng huyết áp thì có 1 người không đạt được huyết áp mục tiêu.
Tại Việt Nam, theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh/thành phố, tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%, nghĩa là cứ khoảng 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp.
Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức khối văn phòng thường xuyên ngồi nhiều, ít vận động, áp lực công việc cao… là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.
Theo GS. Việt tình trạng đáng báo động là những người còn rất trẻ mà cũng tăng huyết áp, vì đây là bệnh được coi là kẻ giết người thầm lặng. Các triệu chứng tăng huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài. “Có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nên đi khám phát hiện ra bệnh; nhưng có một số người khi phát hiện bệnh tăng huyết áp thì đã có biến chứng rồi. Các biến chứng của THA thì vô cùng phong phú như biến chứng ở tim, mắt, não, thận và các mạch máu lớn, GS.Việt chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Lân Việt.
Theo GS. Việt, tất cả mọi người, kể cả người còn trẻ cũng luôn cần phải điều chỉnh lối sống cho hợp lý. Về chế độ ăn uống: không được ăn mặn; cần hạn chế bia rượu, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Đặc biệt là không hút thuốc lá, thuốc lào vì có liên quan đến các bệnh lý tim mạch rất rõ ràng; hạn chế tối đa stress, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý và cần có các hoạt động thể lực đều đặn. Đồng thời, người dân cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và làm một số xét nghiệm cơ bản để có thể phát hiện sớm bệnh, theo GS Việt khuyến cáo.
Hãy biết số đo huyết áp như biết số tuổi của bạn
Một người được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90mm thủy ngân. Nhiều người thậm chí huyết áp đến 250mmHg nhưng không hề có triệu chứng. Điều này là rất nguy hiểm bởi huyết áp có thể tăng đột ngột như vậy sẽ đe dọa tính mạng người bệnh.
Tăng huyết áp là kẻ thù âm thầm nguy hiểm vì bệnh nhân không biết mình có bệnh, bỗng dưng một ngày bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, khi đến viện mới phát hiện huyết áp cao nhiều. Hay có bệnh nhân bị suy thận phải lọc máu mới ngỡ ngàng vì tình trạng huyết áp cao gây nên.
Những bệnh nhân đi khám thường có dấu hiệu đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… Chính vì thế, đây được xem như dấu hiệu cảnh báo cơn tăng huyết áp.
GS Việt cho biết mỗi người luôn cần nhớ số đo huyết áp của mình như nhớ số tuổi của mình vậy.
GS Việt nhấn mạnh, người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng cơ năng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt thì giảm được rõ rệt các biến cố tim mạch. Với các gia đình có tiền sử tăng huyết áp, con cái của họ càng cần chú ý, kiểm tra huyết áp một cách định kỳ.
Được biết, nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày Tăng huyết áp thế giới 17/5 năm nay còn có một số sự kiện nổi bật: Chương trình đi bộ do Quỹ Vì sức khoẻ Tim mạch Việt Nam phối hợp cùng Viện Tim mạch Quốc Gia và Hội Tim mạch VN và Omron Healthcare Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 12/5/2019 tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngày 04/05/2019 vừa rồi, tại trụ sở của văn phòng chính phủ (VPCP) đã diễn ra buổi Tọa đàm hưởng ứng Ngày Tăng huyết áp thế giới 2019 do Công đoàn VPCP phối hợp với Quỹ Vì sức khoẻ Tim mạch Việt Nam, Viện Tim Mạch Quốc Gia và Hội Tim mạch Học Việt Nam tổ chức. Buổi tọa đàm đã được GS.TS Nguyễn Lân Việt (Phó Chủ tịch thường trực Hội tim mạch học Việt Nam); PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng (Giám đốc Viện Tim mạch quốc gia, Giám đốc Quỹ Vì sức khoẻ tim mạch Việt Nam); PGS.TS. Nguyễn Ngọc Quang (Tổng Thư ký Hội tim mạch học Việt Nam) chia sẻ những kiến thức hết sức quý báu về căn bệnh Tăng huyết áp.
Trước đó, sáng 26/12/2018, tại Hà Nội, Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh tăng huyết áp phối hợp với Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) tổ chức chương trình Giao lưu tọa đàm về sức khỏe tim mạch với chủ đề “Kiểm soát huyết áp và các bệnh lý tim mạch để sống vui, sống khỏe” nhằm truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức về bệnh lý tăng huyết áp, các yếu tố nguy cơ và những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh huyết áp tim mạch cho người dân. GS.TS Nguyễn Lân Việt (Phó Chủ tịch thường trực Hội tim mạch học Việt Nam) đã tới giao lưu và chia sẻ các kiến thức tại buổi tọa đàm này.
Nguồn: Soha.vn