Suckhoedoisong.vn – Hưởng ứng ngày phòng chống bệnh tim mạch thế giới 17/5/2019, với thông điệp là “Hãy biết số đo huyết áp như biết số tuổi của bạn” vì đây cũng là thông điệp của hội tim mạch cho chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày tăng huyết áp Thế giới. Báo sức khỏe&đời sống có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Lân Việt, phó chủ tịch thường trực hội tim mạch học Việt Nam, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, nguyên viện trưởng viện tim mạch Quốc gia.
Hỏi: Được biết, tăng huyết áp (THA) là một trong những bệnh lý mạn tính rất thường gặp. Vậy, xin GS.TS. Nguyễn Lân Việt cho biết thực trạng bệnh lý này hiện nay?
GS. Nguyễn Lân Việt: THA là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất trong cộng đồng. Người ta ước tính có 1,5 tỷ người trên thế giới bị THA. Theo báo cáo của GS. Bryan Williams (London) tại hội nghị tim mạch Châu Âu (ESC) năm 2018 vừa qua thì mỗi năm trên thế giới có khoảng 10 triệu người tử vong vì THA và khoảng 200 triệu người bị tàn phế vì căn bệnh nguy hiểm này.
Cũng theo báo cáo của GS. Bryan thì vấn đề đáng quan tâm hơn là chỉ có 46,4% số người THA biết là mình có bị bệnh lý này và trong số đó chỉ có 40,6% số bệnh nhân được điều trị. Cần đặc biệt lưu ý là chỉ có 13,1% số bệnh nhân được điều trị đạt được số huyết áp mục tiêu (< 140/90mm Hg) mà thôi.
Ở nước ta, theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam ở 8 tỉnh và thành phố của nước ta từ năm 2009 thì tỷ lệ THA của người từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị THA. Một vài điều tra dịch tễ khác gần đây còn thấy tỷ lệ THA đã tăng tới khoảng 30 – 40% ở những người trưởng thành.
Cũng theo kết quả điều tra của viện tim mạch Việt Nam thì có 51,6% những người THA còn chưa biết là họ bị THA, số bệnh nhân bị THA được điều trị cũng chỉ chiếm 38,9% và số bệnh nhân được điều trị đạt huyết áp mục tiêu cũng chỉ chiếm có 36,3% mà thôi.
GS.TS Nguyễn Lân Việt
Hỏi: Xin GS cho biết, nếu không kiểm soát được huyết áp sẽ gây hệ lụy gì? Mức độ nguy hiểm của bệnh lý này?
GS. Nguyễn Lân Việt: Người ta thường gọi Tăng huyết áp là “Kẻ giết người thầm lặng” vì chỉ có một số ít bệnh nhân THA là có vài triệu chứng cơ năng như đau đầu, chóng mặt, mờ mắt, ù tai v.v… còn rất nhiều bệnh nhân THA khác lại không hề có triệu chứng đặc biệt nào, trong khi các biến chứng do bệnh lý này gây ra lại rất đa dạng và ngày một nặng dần.
Những biến chứng thường gặp nhất do THA gây nên:
– Tim: Dầy thất trái, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim.
– Mắt: Tổn thương xuất huyết, xuất tiết ở đáy mắt, phù gai thị,rồi có thể mù lòa.
– Não: Nói ngọng, méo miệng, sụp mi, liệt nửa người, hôn mê và thậm chí có thể gây tử vong luôn.
– Thận: Gây ra protein niệu rồi suy thận.
– Các mạch máu lớn: Phình hoặc phình tách thành động mạch chủ.
Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Cirulation năm 2015 thì THA sẽ làm tăng từ 2 – 4 lần nguy cơ gây bệnh động mạch vành, đột quỵ, suy tim,THA là nguyên nhân chính trong 62% các trường hợp đột quỵ, 25% trong Nhồi máu cơ tim, 56% trong các bệnh thận mạn tính…
Hỏi: Xin Giáo sư cho biết về hiệu quả cụ thể khi huyết áp được kiểm soát tốt?
GS. Nguyễn Lân Việt: Chắc chắn khi kiểm soát tốt được số đo huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác thì sẽ giảm được các biến chứng và tỷ lệ tử vong do THA gây nên.
Theo một công bố được đăng tải trên tạp chí Lancet năm 2016, tập hợp 123 nghiên cứu khác nhau trên 613.815 bệnh nhân THA thì thấy: Nếu giảm được 10mm Hg số huyết áp tâm thu thì sẽ giảm được một cách có ý nghĩa thống kê 20% các biến cố tim mạch chính, giảm 17% biến cố bệnh động mạch vành, giảm 27% biến cố đột quỵ và giảm 28% tỷ lệ suy tim do THA gây nên.
Hỏi: Để có thể phòng chống được bệnh THA, người dân cần phải chú ý đến những vấn đề gì?
GS. Nguyễn Lân Việt: Để có thể phòng chống được bệnh THA, mọi người chúng ta cần phải chú ý điều chỉnh để có một lối sống hợp lý. Cụ thể là:
Với chế độ ăn uống: Cần chú ý đến chế độ ăn giảm muối (chỉ nên ăn < 5gr muối mỗi ngày). Hạn chế các thức ăn có nhiều mỡ bão hòa, các thực phẩm chế biến sẵn. Tăng cường các loại rau, quả trong khẩu phần ăn hàng ngày. Hạn chế uống rượu bia, tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào.
Tăng cường các hoạt động thể lực nhẹ nhàng (Nên tập đều từ 30 – 45 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày / 1 tuần).
Chú ý điều chỉnh cân nặng, tránh béo phì.
Hạn chế tối đa các stress: Sống thanh thản, hòa nhập với cộng đồng, tránh lo âu hay căng thẳng, bực tức quá mức v.v…
Khám sức khỏe định kỳ để xác định rõ mức huyết áp của mình, đồng thời phát hiện sớm các bệnh lý khác như rối loạn lipit máu, tiểu đường, bệnh thận v.v… để được điều trị kịp thời.
Nếu đã bị THA , cần điều chỉnh tốt lối sống của mình, nên tuân thủ uống thuốc điều trị tăng huyết áp theo đúng như phác đồ mà bác sĩ đã kê đơn. Tăng huyết áp không tự khỏi được mà cần có sự điều trị lâu dài, liên tục.
Cần lưu ý khuynh hướng chung hiện nay là: Nên phối hợp các thuốc giảm áp nhất là phối hợp thuốc trong cùng một viên thuốc để tăng cường sự tuân thủ của người bệnh, tăng hiệu quả điều trị và giảm bớt các tác dụng không mong muốn của thuốc.
Xin trân trọng cảm ơn GS. Nguyễn Lân Việt!
Nguồn: Suckhoedoisong.vn