Tăng huyết áp gây ra cái chết của 7,5 triệu người trên thế giới mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng, đối tượng mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.
Vậy làm thế nào để phòng tránh và kiểm soát căn bệnh này? Nhân dịp ngày Tăng huyết áp Thế giới, GS.Huỳnh văn Minh – Chủ tịch Phân Hội Tăng huyết áp Việt Nam, thành viên Tổ chức Tăng huyết áp thế giới (ISH) – đã dành cho báo Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện xung quanh căn bệnh này.
PV: Thưa GS, tại sao Tăng huyết áp được gọi là ” Kẻ giết người thầm lặng”?
GS Minh: Tăng huyết áp được nhận định là căn bệnh mang tên “Kẻ giết người thầm lặng” bởi nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ tuổi tác và giới tính nào mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng của bệnh thường bị hiểu nhầm sang bệnh không liên quan khác. Thậm chí nhiều người không biết họ đã mắc bệnh, cho đến khi trải qua những cơn đau tim đầu tiên.
Tuy diễn tiến thầm lặng như vậy nhưng bệnh này lại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Khi máu đẩy với quá nhiều áp lực qua hệ thống tim mạch, nó có thể làm tổn thương các thành của động mạch cũng như cơ tim và gây ra cơn đau tim. Tương tự như vậy, tổn thương các động mạch cung cấp máu cho não có thể góp phần gây ra đột quỵ và tổn thương các động mạch cung cấp cho thận máu có thể dẫn đến bệnh thận. Những biến chứng hiệu ứng domino rất nguy hiểm này giết chết khoảng 7,5 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm.
PV: Giáo sư có thể cho biết cụ thể hơn mức độ ảnh hưởng của Tăng huyết áp trên thế giới và tại nước ta?
GS Minh: Hiện nay có khoảng 1,4 tỷ người trên thế giới đang sống chung với chứng tăng huyết áp, trong đó phần lớn số người sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Cứ 4 người trưởng thành ở Châu Á thì có 1 trong sống chung với bệnh tăng huyết áp.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 15 quốc gia châu Á với dữ liệu có sẵn đã nhấn mạnh rằng Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ cao mắc bệnh tăng huyết áp. Cụ thể, 33,8% số người Việt Nam trong độ tuổi 60-70 mắc các bệnh lý về tăng huyết áp. Tỷ lệ này giảm dần xuống 27,5% (lứa tuổi 50-60), 20,7% (lứa tuổi 40-50), 12% (lứa tuổi 30-40). Giai đoạn 20-30 tuổi cũng có tới 8,4% người mắc phải bệnh tăng huyết áp.
PV: Vậy, chúng ta phải làm thế nào để đối phó với căn bệnh này?
GS Minh: Điều quan trọng thứ nhất, theo tôi, là mọi người phải nhận thức được các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh của họ. Đó chính là các đặc điểm về thể chất và lối sống có thể khiến dễ bị tăng huyết áp như yếu tố di truyền, béo phì, thói quen uống rượu bia, hút thuốc, lối sống ít vận động, chế độ ăn uống quá nhiều muối…
Bằng cách nhận thức rõ hơn về các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh, mỗi người có thể kiểm soát tốt hơn và tham gia nhiều hơn vào việc kiểm soát cũng như quản lý tình trạng tăng huyết áp của mình. Nếu đã mắc bệnh, cần nhận thức rằng mặc dù căn bệnh này khó chữa khỏi hoàn toàn đặc biệt thể THA tiên phát, nhưng nó có thể được kiểm soát nguy cơ thông qua việc thay đổi lối sống tích cực, dùng thuốc theo đơn và theo dõi thường xuyên chỉ số huyết áp.
Việc tự theo dõi huyết áp tại nhà bằng các thiết bị theo dõi đáng tin cậy, cùng với điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả.
PV: Phương pháp đo huyết áp tại nhà có khó khăn để thực hiện không, thưa GS?
GS Minh: Nhiều người có thể cảm thấy bất tiện với thói quen tự đo huyết áp tại nhà khi chưa hề mắc bệnh. Tuy nhiên, chúng ta nhớ rằng thói quen tốt này có thể giúp nhiều người nhận biết nguy cơ mắc bệnh và điều chỉnh ngay trước khi chúng phát triển lên thành bệnh lý tăng huyết áp.
Có người sẽ thắc mắc rằng việc tự đo huyết áp tại nhà có thể cho kết quả sai lệch so với việc đến gặp bác sĩ. Điều này không hẳn đúng, bởi huyết áp của chúng ta thay đổi liên tục, hầu như mỗi giờ và thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như hoạt động thể chất, thức ăn và cảm xúc.
Do đó, theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên rất được khuyến khích để có được kết quả chính xác nhất. Bằng cách đọc huyết áp thường xuyên tại nhà, bệnh nhân hiểu rõ hơn, đầy đủ về tình trạng sức khỏe của họ và đánh giá phương pháp điều trị của họ có đang hiệu quả hay không. Ngoài ra, theo dõi huyết áp tại nhà cung cấp cơ hội theo dõi chỉ số huyết áp trong thời kỳ cao điểm và điều này có thể giúp các bác sĩ xác định tăng huyết áp khởi phát sớm và tăng cường.
Ở một khía cạnh liên quan, hiện có khoảng 32% bệnh nhân tăng huyết áp khả năng bị sai sót khi chẩn đoán tại phòng khám đơn thuần do các tình trạng được gọi là ” Tăng huyết áp áo choàng trắng” và ” Tăng huyết áp ẩn giấu”. Đó là tình trạng bệnh nhân mắc bệnh này bị chẩn đoán sai khi chỉ dựa vào việc đo huyết áp lâm sàng hoặc tại phòng khám và điều này có thể dẫn đến điều trị sai hoặc không điều trị. Và tình trạng này chỉ có thể được khắc phục khi bệnh nhân tăng huyết áp được chú ý đặc biệt với việc theo dõi và xét nghiệm thường xuyên để đảm bảo họ nhận được chẩn đoán chính xác nhất. Đó là chưa kể, việc sử dụng máy đo huyết áp kỹ thuật số tại nhà được chứng minh là cho chỉ số chính xác hơn và theo dõi dữ liệu tốt hơn so với các máy đo kiểu truyền thống tại nhiều bệnh viện hiện nay.
Nhìn chung, đối với căn bệnh tăng huyết áp thì lời khuyên tốt nhất từ bác sĩ là mọi người cần tự cứu mình khỏi căn bệnh giết chết 7,5 tỷ người mỗi năm bằng việc cải thiện lối sống (ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, suy nghĩ tích cực…) và kiểm soát được chỉ số huyết áp trước khi chúng diễn tiến thành bệnh hoặc luôn nhận được điều trị đúng dựa trên kết quả đúng từ thiết bị theo dõi huyết áp.
PV: Xin cám ơn GS.
Nguồn: Tuoitre.vn