Ho là triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi và có thể gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt cũng như làm việc. Vậy ho là gì? Nguyên nhân gây ho là do đâu? Điều trị và phòng ngừa như thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Ho là gì?
Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm tống các dị vật gây kích thích đường hô hấp ra ngoài như chất nhày, chất dịch do phổi, phế quản tiết ra hoặc các dị vật bên ngoài: bụi, nấm mốc, phấn hoa, thức ăn,…
Ho không phải là một căn bệnh. Trong chừng mực nào đó, nó có thể được coi là phản xạ sinh lý có lợi cho sức khỏe, giúp bảo vệ đường hô hấp của bạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ho có thể là triệu chứng của bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em và người cao tuổi.
Dựa theo thời gian bị ho mà người ta chia ho làm 3 loại:
- Ho cấp tính là tình trạng ho kéo dài từ vài ngày đến một tuần.
- Ho bán cấp thường kéo dài trong khoảng thời gian từ ba đến tám tuần.
- Ho mạn tính là khi ho kéo dài trên 8 tuần ở người lớn (4 tuần ở trẻ em).
Nguyên nhân gây ho là do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân, bệnh lý có thể gây nên tình trạng ho. Việc xác định đúng và sớm nguyên nhân gây ho sẽ giúp bạn có phương hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhất, trị dứt điểm triệu chứng và tránh các biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
Đây là nguyên nhân gây ho thường gặp nhất ở mọi lứa tuổi.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên gồm viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm mũi, cảm cúm. Trong các trường hợp này, đờm và các chất nhày tiết ra sẽ chảy xuống họng kích thích trung tâm phản xạ ho gây nên tình trạng ho.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới
☛ Viêm phế quản: Đây là bệnh lý đường hô hấp thường gặp do niêm mạc ống phế quản bị viêm gây hẹp đường thở. Triệu chứng ban đầu của viêm phế quản thường là ho khan, sau đó là ho có khạc đờm. Trong trường hợp viêm phế quản cấp tính thường có biểu hiện sốt kèm theo. Nếu tình trạng ho kéo dài trên 3 tháng và liên tục trong 2 năm được gọi là viêm phế quản mạn tính.
☛ Giãn phế quản: Là tình trạng viêm mạn tính và tổn thương thành ống phế quản. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là ho cơn, ho xuất hiện nhiều về sáng sớm và đặc biệt là ho có khạc đờm trắng.
☛ Hen phế quản (hay hen suyễn): Là kết quả của sự co thắt phế quản, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí. Bên cạnh các triệu chứng co thắt lồng ngực, khó thở, thở khò khè thì ho là triệu chứng đặc trưng và thường gặp của bệnh. Các cơn ho do hen phế quản thường xảy ra dai dẳng, đặc biệt càng dữ dội vào ban đêm. Khi người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, bụi, không khí lạnh hay tập thể dục cũng có thể làm tình trạng ho nặng thêm.
☛ Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Đây là bệnh lý mạn tính gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn đường lưu thông khí dẫn tới khó thở. Bệnh COPD rất nguy hiểm vì thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng điển hình. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng ho nhiều, khó thở, ho khạc đờm kéo dài, đờm đặc sẫm màu. Bệnh thường gặp ở người trên 45 tuổi và người thường xuyên hút thuốc lá.
☛ Viêm phổi: Bệnh nhân viêm phổi thường có biểu hiện thở nhanh, sốt cao kèm theo đau tức ngực, ho khan, sau đó ho có đờm màu gỉ sắt, màu xanh hoặc vàng, đờm đặc quánh.
☛ Một số bệnh lý về đường hô hấp khác: áp-xe phổi, lao phổi, bụi phổi, ung thư phổi – phế quản, khối u trung thất cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị ho.
Các nguyên nhân khác
☛ Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Bệnh xảy ra khi thức ăn hoặc dịch vị trong dạ dày đi ngược dòng lên thực quản thay vì xuống ruột. Ho là một hành động phản xạ của cơ thể khi có sự gia tăng acid từ dạ dày đi vào thực quản nhằm bảo vệ đường hô hấp của bạn. Bên cạnh đó, khi dịch dạ dày di chuyển ngược lên và ra khỏi thực quản, những giọt acid dạ dày nhỏ có thể rơi vào cổ họng của bạn và gây kích thích dẫn đến ho.
☛ Dị vật đường hô hấp: Nếu đường hô hấp bị tắc nghẽn do dịch nhầy hoặc khói bụi, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách ho để tống các tác nhân kích ứng này khỏi cổ họng, giúp làm sạch cổ họng và hô hấp dễ dàng hơn.
☛ Thuốc: Một số loại thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) như enalapril (Vasotec, generic), lisinopril (Prinivil, Zestril, generic) được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp và bệnh tim thường gây nên tình trạng ho khan kéo dài. Ban đầu khi mới sử dụng thuốc, bạn có thể chỉ thấy ngứa rát cổ họng nhưng một thời gian sau, bạn sẽ thường xuyên gặp phải cơn ho dữ dội, kéo dài không dứt, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.
☛ Bệnh tim: Ho khan, ho có chất nhày màu trắng hoặc máu màu hồng đi kèm với khó thở dai dẳng, thở khò khè có thể là biểu hiện của bệnh suy tim.
☛ Các chất kích thích từ môi trường: Hóa chất trong không khí hoặc các hạt khác nhau như sulfur dioxide, nitric oxide, bụi, nấm mốc, phấn hoa đều có thể kích thích phản xạ ho. Không khí quá khô hoặc quá lạnh cũng có thể gây ho.
☛ Hút thuốc: Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp gây nên tình trạng ho mạn tính. Kích ứng hóa chất trong thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ho, nhưng chính những hóa chất độc hại này có thể dẫn đến các bệnh hô hấp nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm phế quản, khí phế thũng, viêm phổi, ung thư phổi và gây ho kéo dài.
Các kiểu ho thường gặp
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh khác nhau mà triệu chứng ho ở mỗi người cũng có thể khác nhau. Dưới đây là một số kiểu ho thường gặp:
- Ho khan là ho không khạc ra đờm, nhầy ngay cả khi người bệnh ho rất nhiều. Ho khan thường do nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, hen suyễn, dị ứng. Ho khan thường kéo dài vài tuần sau khi bị cảm cúm, cảm lạnh.
- Ho có đờm là tình trạng thường khạc ra chất nhầy và đờm. Đờm có thể đặc, loãng, có màu, hoặc lẫn máu,… Ho có đờm đa số có nguyên nhân là do viêm phế quản mạn tính, triệu chứng sau khi viêm họng, viêm mũi và viêm xoang, hút thuốc lào, thuốc lá lâu năm.
- Ho húng hắng là ho từng tiếng ngắn, thưa và tiếng ho thường không mạnh. Bạn cần phân biệt với “đằng hắng” là tiếng phát ra từ cổ họng có sự tham gia của cơ thanh quản mà không có sự tham gia của cơ thở ra.
- Ho thành cơn là ho nhiều lần kế tiếp nhau trong một thời gian ngắn và không kiểm soát được. Điển hình của kiểu ho này là cơn ho gà. Ho gà thường gặp ở trẻ em, tiếng ho thường hổn hển, ho khan và không có đờm. Ngoài ra có thể do: COPD, lao phổi, nghẹt thở, viêm phổi, hen phế quản,…
- Ho ra máu: Ho ra máu là tình trạng ho đi kèm với khạc ra ít hoặc nhiều máu. Ho ra máu có nhiều cấp độ và có thể do viêm phổi, ung thư phổi hoặc tiến triển của bệnh lao phổi.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đa số các cơn ho cấp tính do chất kích thích, chất gây dị ứng hoặc nhiễm khuẩn gây ra thường sẽ khỏi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ho cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng khác trong cơ thể, ví dụ như ung thư phổi hay suy tim.
Do đó, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm nếu tình trạng ho kéo dài trên 3 tuần không thuyên giảm hoặc có kèm theo bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
- Ho ra đờm đặc, màu vàng xanh.
- Thở khò khè.
- Đau ngực, thở gấp, khó thở.
- Sốt, đặc biệt là sốt cao và kéo dài.
- Ngất xỉu.
- Ho ra máu.
- Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chán ăn và sụt cân.
Bị ho cần phải làm gì?
Việc điều trị ho sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này. Do đó, bạn nên thăm khám sớm để được điều trị theo phác đồ phù hợp nhất. Khi các bệnh lý nguyên nhân đã được điều trị tốt, tình trạng ho của bạn sẽ được cải thiện.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số biện pháp giảm nhẹ cơn ho sau:
Giảm ho tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên
Sử dụng nguyên liệu tự nhiên để làm giảm các triệu chứng ho là phương pháp được nhiều người ưa chuộng bởi tính an toàn, dễ thực hiện, tiện dụng và tiết kiệm chi phí. Dưới đây là một số cách giảm ho từ nguyên liệu thiên nhiên mà bạn có thể tham khảo và áp dụng:
➤ Giảm ho bằng mật ong
Mật ong không chỉ chứa nhiều chất dinh dưỡng mà còn có tính kháng viêm, kháng khuẩn cao nên rất hiệu quả trong việc giảm ho, giảm đau rát cổ họng và làm dịu các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nhẹ do vi khuẩn hoặc virus gây ra.
Bạn có thể sử dụng mật ong chữa ho tại nhà bằng cách thêm 2 thìa mật ong nguyên chất vào trà thảo mộc hoặc nước ấm và chanh rồi dùng để uống. Bạn nên thực hiện đều đặn mỗi ngày để thấy được hiệu quả giảm ho rõ rệt của mật ong.
➤ Trị ho bằng nước muối
Đây là biện pháp đơn giản và dễ dàng thực hiện tại nhà. Nước muối có khả năng sát khuẩn rất tốt. Súc miệng bằng nước muối có thể làm dịu kích ứng cổ họng gây ho đồng thời làm sạch miệng họng một cách hiệu quả.
Bạn nên súc miệng nước muối đều đặn 2 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất. Lưu ý không nên áp dụng biện pháp này cho trẻ dưới 6 tuổi do trẻ có thể vô ý nuốt phải nước muối gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
➤ Giảm ho bằng gừng
Gừng là thực vật có vị cay, tính ấm, giàu các chất kháng viêm. Vì vậy, không chỉ được dùng làm gia vị, gừng còn được coi là vị thuốc tự nhiên dùng để trị ho rất hiệu quả, đặc biệt là trị ho do thay đổi thời tiết, ho khan, ho dài ngày không khỏi.
Để giảm ho bằng gừng, bạn có thể thực hiện như sau: Chuẩn bị một củ gừng tươi, rửa sạch rồi băm nhỏ hoặc giã nhuyễn và cho vào ly nước nóng. Đậy ly nước lại trong khoảng 10 phút trước khi uống. Bạn có thể thêm một chút mật ong vào tách trà gừng vừa pha để giảm bớt vị cay và uống khi trà còn ấm.
➤ Cách trị ho bằng tỏi
Tương tự như mật ong, tỏi là gia vị có tính kháng viêm, kháng khuẩn mạnh nên được dùng để tăng cường miễn dịch, trị ho khan, ho có đờm và đặc biệt là bệnh ho do virus, vi khuẩn gây ra.
Để trị ho bằng tỏi, bạn có thể ăn trực tiếp tỏi sống sẽ có tác dụng nhanh nhất. Tuy nhiên, cách này không phải ai cũng sử dụng được. Do đó, bạn có thể thay thế bằng cách chưng cách thủy 4 – 5 tép tỏi tươi cùng đường phèn để chắt lấy nước cốt sẽ dễ dùng hơn. Uống 2 – 3 lần mỗi ngày trong khoảng 1 tuần để thấy được hiệu quả.
➤ Trị ho bằng lá hẹ
Lá hẹ có chứa nhiều chất kháng sinh như allcin, sulfit, odorin có tác dụng kháng khuẩn hiệu quả. Do đó, lá hẹ thường được dùng để trị các bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm họng, cảm lạnh, viêm amidan, nhờ đó làm giảm các triệu chứng ho do các bệnh lý này gây ra.
Khi dùng lá hẹ trị ho, bạn cần chuẩn bị một ít lá hẹ và đường phèn. Sau đó, bạn cắt lá hẹ thành khúc nhỏ đem hấp cách thủy khoảng 20 phút với đường phèn rồi chắt nước uống. Sử dụng đều đặn một lần mỗi ngày trong vài ngày, cơn ho sẽ giảm.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp thêm các biện pháp khác để giảm ho như:
- Ngậm kẹo ngậm trị ho.
- Làm ẩm không khí bằng máy làm ẩm không khí dạng phun sương.
- Uống đồ uống ấm như các loại trà ấm, nước ấm.
- Tránh các chất gây kích ứng từ môi trường.
Sử dụng thuốc trị ho
Nếu cơn ho kéo dài, gây khó chịu nhiều và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng một số nhóm thuốc sau để điều trị các cơn ho:
- Thuốc long đờm (Guaifenesin, Ipecacuanha acetylcystein, Ambroxol, Bromhexin,…) dùng trong trường hợp ho có đờm đặc, có màu xanh, vàng, nâu hoặc gỉ sét… Thuốc này có tác dụng làm loãng đờm, giảm độ nhớt, độ đặc của đờm giúp dễ tống đờm ra ngoài khi ho.
- Thuốc giảm ho (Codein, Dextromethorphan, Pholcodin, …) dùng khi ho không có đờm như ho do cảm cúm, dị ứng, ho nhiều làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ,… Thuốc không được dùng cho người suy hô hấp, hen suyễn, trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú.
- Thuốc kháng histamin (Diphenhydramin, Chlorpheniramin, Alimemazin, Promethazin,…) có tác dụng làm giảm và dịu cơn ho, dùng để trị ho khan do nguyên nhân kích ứng, dị ứng. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc trong trường hợp người bệnh ho có đờm, người hen suyễn. Ngoài ra, thuốc có thể gây buồn ngủ nên thường được chỉ định dùng về đêm.
Phòng ngừa bị ho như thế nào?
Để phòng ngừa bị ho, bạn cần lưu ý và áp dụng một số biện pháp sau:
- Ngừng hút thuốc và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào.
- Giảm trào ngược dạ dày – thực quản bằng cách ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nằm sau khi ăn ít nhất 2-3 giờ. Ngoài ra, trước khi đi ngủ bạn nên uống thuốc kháng acid dạng lỏng, kê cao gối khi ngủ để hạn chế dịch dạ dày trào ngược lên thực quản vào ban đêm và tránh các thực phẩm như cà phê, socola, bạc hà, tỏi, hành tây, cam, quýt.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế ăn đồ ăn cay nóng và uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.
- Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh truyền nhiễm: Bạn nên đeo khẩu trang trong khi giao tiếp và không tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh đường hô hấp để hạn chế khả năng lây nhiễm.
- Giữ gìn vệ sinh: Vệ sinh răng, miệng, họng hàng ngày bằng cách súc miệng bằng nước muối sinh lý 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, bạn nên vệ sinh nhà cửa, đồ đạc sạch sẽ, tránh làm việc sinh hoạt trong môi trường bụi bẩn, ẩm mốc.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Bạn nên ngủ đủ giấc, cải thiện chất lượng giấc ngủ để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự tấn công từ virus.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng với các tác nhân gây bệnh vi rút, vi khuẩn.
- Tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh về đường hô hấp như cúm, viêm phổi, một số bệnh đường hô hấp trên theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
- Giữ ấm cơ thể vào những ngày trời lạnh đặc biệt là vùng cổ, mặt, ngực cũng là một biện pháp phòng ngừa bị ho.
Trên đây là các nguyên nhân thường gặp khiến bạn bị ho và một số biện pháp khắc phục cũng như phòng ngừa các tác nhân gây ho. Hi vọng bài viết trên sẽ cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích để bảo vệ tốt hơn sức khỏe bản thân và cả gia đình.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.verywellhealth.com/constant-cough-symptoms-2248845
- https://www.healthline.com/health/types-of-coughs#croup-cough
- https://www.mayoclinic.org/symptoms/cough/basics/when-to-see-doctor/sym-20050846