Ho gà là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em và đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vậy ho gà là gì? Bệnh ho gà ở trẻ em có nguy hiểm không? Điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào? Để giải đáp các câu hỏi trên, hãy cùng tìm hiểu về bệnh ho gà ở trẻ em ngay trong bài viết dưới đây!
Mục lục
Ho gà là gì?
Ho gà là bệnh nhiễm trùng hô hấp rất dễ lây lan gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis (viết tắt là B. pertussis). Khi xâm nhập vào cơ thể, những vi khuẩn này sẽ bám chặt vào lông mao ở đường hô hấp trên, sau đó giải phóng ra các độc tố khiến đường hô hấp của trẻ bị viêm (phù nề) và gây ra những cơn ho khan kéo dài.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là các đối tượng hay mắc phải bệnh ho gà do ở lứa tuổi này, hệ thống miễn dịch của trẻ còn non yếu và chưa hoàn thiện nên rất dễ bị vi khuẩn tấn công.
Bên cạnh đó, trẻ còn thường xuyên tiếp xúc với đồ chơi, đồ dùng chung ở lớp học, nơi có thể chứa mầm bệnh vi khuẩn ho gà. Đây là một trong các nguyên nhân khiến nguy cơ mắc bệnh ho gà ở trẻ nhỏ tăng cao.
Triệu chứng của ho gà ở trẻ nhỏ
Bệnh ho gà ở trẻ nhỏ thường không có biểu hiện đặc trưng nên dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh về đường hô hấp khác. Tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh mà trẻ sẽ có các biểu hiện khác nhau:
Thời kỳ ủ bệnh
Thời kỳ này được tính từ khi trẻ bị nhiễm mầm bệnh đến khi xuất hiện triệu chứng. Thời gian ủ bệnh thường từ 7 – 10 ngày, đôi khi có thể lên đến 21 ngày.
Ở giai đoạn này, trẻ chưa có các triệu chứng rõ rệt, mọi sinh hoạt hàng ngày của trẻ vẫn diễn ra bình thường. Chính vì vậy, đây là giai đoạn mà bệnh dễ lây lan nhất do tâm lý chủ quan của các bậc cha mẹ.
Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn khởi phát thường kéo dài từ 1 – 2 tuần. Đây là giai đoạn mà trẻ thường có các triệu chứng tương tự với bệnh cảm lạnh thông thường như: hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng, sốt nhẹ, ho húng hắng và tiêu chảy.
Vào cuối giai đoạn này, tình trạng ho của trẻ sẽ nặng hơn và trẻ thường ho thành cơn.

Giai đoạn kịch phát
Giai đoạn kịch phát kéo dài từ 1 – 6 tuần. Trong giai đoạn này trẻ sẽ có một số biểu hiện sau:
Ho cơn: Trẻ ho rũ rượi, không kiểm soát, ho khan, ho thành cơn và mỗi cơn có thể kéo dài đến 1 phút. Càng về sau tiếng ho càng yếu và thưa dần, đôi khi có thể ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, chảy nước mắt, nước mũi, tĩnh mạch cổ nổi, mắt đỏ.
Thở rít vào: Triệu chứng này xuất hiện xen kẽ giữa các cơn ho hoặc cuối cơn ho. Tuy nhiên, triệu chứng này không xuất hiện ở trẻ sơ sinh mà thay vào đó trẻ sơ sinh sẽ có dấu hiệu thở hổn hển và cố gắng lấy lại hơi sau cơn ho.
Khạc đờm: Cuối cơn ho, trẻ chảy nhiều đờm dãi trong và dính.
Ngoài ra, vi khuẩn ho gà cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ xuất hiện một số triệu chứng nhiễm trùng như: Loét hãm lưỡi, sốt nhẹ, mặt và mí mắt nặng,…
Giai đoạn phục hồi
Trong giai đoạn này, trẻ hạ sốt và các cơn ho thưa dần. Trong một số trường hợp, tình trạng ho có thể tái phát khiến trẻ bị viêm phổi.
Bệnh ho gà lây lan như thế nào?
Bệnh ho gà có khả năng lây lan cao, đặc biệt là trong khoảng thời gian 2 tuần kể từ khi khởi phát bệnh. Trẻ có thể bị lây nhiễm trực tiếp qua đường hô hấp do tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng của người bệnh hay cầm nắm các đồ vật có chứa mầm bệnh.
Trẻ có thể mắc bệnh ho gà từ nguồn trực tiếp hoặc gián tiếp từ trẻ với các trẻ khác, trẻ với các thành viên trong gia đình khi các đối tượng này nhiễm vi khuẩn mà không biết.

Đặc biệt, bệnh ho gà rất dễ lây lan trong không gian kín, chật hẹp và đông đúc. Vì vậy, khi được chẩn đoán xác định bị ho gà, trẻ nên được cách ly tại nhà và không nên đến nhà trẻ, trường học trong thời gian mắc bệnh, nhất là trong 2 tuần đầu để tránh nguy cơ bùng phát dịch.
Biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị ho gà
Ho gà có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, thậm chí gây tử vong, đặc biệt là đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi và trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin ho gà.
Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà ở trẻ nhỏ:
✔ Viêm phổi: Đây là biến chứng thường gặp nhất ở trẻ em. Viêm phổi xuất hiện vào tuần thứ 2 và thứ 3 khi xuất hiện triệu chứng ho cơn. Tác nhân có thể do bội nhiễm hoặc do chính vi khuẩn Bordetella pertussis.
✔ Xẹp phổi: Chiếm khoảng 5% trong các biến chứng ho gà ở trẻ. Khi xuất hiện biến chứng này, trẻ cảm thấy khó thở, đau tức ngực, nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến suy hô hấp.
✔ Tổn thương phế nang: Áp lực của các cơn ho trong giai đoạn kịch phát có thể làm vỡ các phế nang gây nên tình trạng tràn khí mô kẽ hoặc tràn khí dưới da.
✔ Biến chứng thần kinh: Đây là biến chứng ít gặp nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến:
- Co giật (đặc biệt là ở trẻ sơ sinh).
- Xuất huyết hoặc xung huyết não dẫn đến liệt nửa người, liệt chi và mất khả năng ngôn ngữ.
- Các biến chứng của bệnh não cấp (hay còn gọi là chứng kinh giật ho gà).
- Xuất hiện cơn tetani khi trẻ nôn mửa nhiều. Cơn tetani là tình trạng tăng hưng phấn ở hệ thần kinh – cơ mà biểu hiện đặc trưng là các cơn co cứng đầu chi, thường gặp nhất là co cứng bàn tay.
Ngoài ra, bệnh ho gà có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như: sa trực tràng, thoát vị rốn, vỡ cơ hoành, thoát vị bẹn, loét hãm lưỡi, bầm tím dưới mi mắt, tụ máu dưới kết mạc và nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?

Trẻ bị ho gà nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, bạn cần đi đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm ngay khi nhận thấy các biểu hiện của ho gà ở trẻ hoặc biết trẻ đã tiếp xúc với người bị bệnh ho gà, ngay cả khi con bạn đã được tiêm phòng đầy đủ.
Đặc biệt, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức khi trẻ ho kéo dài và kèm theo các triệu chứng sau:
- Hít vào với âm thanh khục khục.
- Trẻ rất yếu.
- Nôn trớ nhiều.
- Khó thở, thở ngắt quãng hoặc ngừng thở.
- Môi có màu đỏ, tím tái hoặc xanh lam sau cơn ho.
Điều trị ho gà ở trẻ nhỏ như thế nào?
Hiện nay, bệnh ho gà ở trẻ nhỏ thường được chỉ định điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh sẽ rút ngắn thời gian nhiễm trùng khi chúng được sử dụng trong giai đoạn đầu của bệnh, trước khi trẻ xuất hiện các cơn ho. Vì vậy, việc điều trị sớm ho gà ở trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng. Điều trị sớm không chỉ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của ho gà ở trẻ mà còn giúp ngăn ngừa lây lan bệnh cho những người tiếp xúc gần với trẻ.

Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và thời gian mắc bệnh ho gà mà bác sĩ sẽ tư vấn các cách thức, biện pháp điều trị khác nhau:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc những trẻ mắc ho gà thể nặng, có các triệu chứng nghiêm trọng cần được nhập viện và điều trị nội trú tại các cơ sở y tế.
- Nếu trẻ được chẩn đoán ho gà trong vòng 3 tuần đầu của bệnh, trẻ sẽ được yêu cầu sử dụng thuốc kháng sinh tại nhà. Các loại thuốc này giúp ngăn chặn bệnh lây sang người khác nhưng chúng có thể không giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh.
- Nếu trẻ bị ho gà hơn 3 tuần, trẻ thường sẽ không cần sử dụng kháng sinh nữa vì đã không còn khả năng lây nhiễm.
Điều trị tại bệnh viện
Tất cả các trẻ dưới 6 tháng tuổi được chẩn đoán ho gà hoặc trẻ lớn hơn bị ho gà thể nặng cần được theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế.
Tại bệnh viện, trẻ có thể được điều trị ho gà bằng các phương pháp sau:
- Truyền kháng sinh đường tĩnh mạch.
- Hút đờm, truyền dịch qua đường tĩnh mạch nếu trẻ có các dấu hiệu của mất nước và khó ăn, cho trẻ sử dụng thuốc an thần để giúp trẻ ngủ yên.
- Theo dõi chặt chẽ, liên tục hô hấp của trẻ và cho trẻ thở thêm oxy nếu cần.
Điều trị tại nhà
Nếu con bạn được chẩn đoán ho gà ở mức độ nhẹ, trẻ có thể được cách ly để chăm sóc và điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.
Dưới đây là một số phương pháp chăm sóc bé bị ho gà tại nhà mà bạn có thể áp dụng:
☛ Chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ

Chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, khỏe mạnh và nhanh khỏi bệnh hơn. Do đó, khi trẻ bị ho gà, cha mẹ cần lưu ý một số điều về chế độ ăn của trẻ dưới đây:
- Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ qua đồ ăn lỏng, mềm, dễ nuốt, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, các thực phẩm ngọt, thực phẩm chiên rán và đồ uống có ga.
- Bổ sung thêm vitamin và khoáng chất từ trái cây và rau xanh để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để hạn chế tình trạng nôn trớ.
- Cho trẻ uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, nước trái cây, súp và ăn nhiều trái cây để ngăn ngừa mất nước.
☛ Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ
- Vệ sinh mũi, miệng sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý, đặc biệt là sau khi trẻ nôn.
- Thực hiện tốt việc rửa tay cho trẻ.
- Ngăn ngừa khả năng lây lan bệnh cho mọi người xung quanh bằng cách tập cho trẻ thói quen che miệng khi ho.
☛ Vệ sinh môi trường, không gian sinh hoạt của bé
- Làm sạch không khí, giữ cho nhà của bạn không có các chất kích thích có thể khiến tình trạng ho của trẻ nặng hơn, chẳng hạn như khói thuốc lá, bụi bẩn,…
- Sử dụng máy phun sương sạch, mát để làm ẩm không khí giúp làm lỏng chất nhầy và làm dịu cơn ho của trẻ.
☛ Để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn
Khi trẻ bị ho gà, bạn nên để trẻ nghỉ ngơi nhiều. Phòng ngủ mát mẻ, yên tĩnh và tối có thể giúp con bạn thư giãn và nghỉ ngơi tốt hơn.
☛ Cho trẻ uống thuốc đầy đủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
Cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc kháng sinh kê đơn theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện tình trạng bệnh của trẻ một cách tốt nhất.
Khi chăm sóc trẻ bị ho gà tại nhà, các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu trẻ bị ho nhiều, cơn ho kéo dài với các biểu hiện suy hô hấp cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Ho gà ở trẻ nhỏ có thể phòng ngừa được không?
Ho gà là một bệnh lý nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh lý này ở trẻ bằng cách cho trẻ tiêm phòng vắc xin ho gà đầy đủ và áp dụng lối sống, sinh hoạt lành mạnh.

Thói quen sinh hoạt lành mạnh
Bạn nên thực hiện một số thói quen sau để phòng ngừa bệnh ho gà cho trẻ hiệu quả:
- Thường xuyên vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn để ngăn chặn vi khuẩn lây lan khi trẻ cầm nắm, ngậm, mút.
- Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đến nơi đông người, sau khi vận động, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn ngừa lây nhiễm mầm bệnh.
- Không cho trẻ dùng chung các đồ dùng hàng ngày như: thìa, bát, ống hút, cốc, bình sữa, khăn tay.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, lau dọn các bề mặt trong gia đình như: sàn nhà, cửa kính, tủ, gương, bàn học,… bằng các chất tẩy rửa để loại bỏ vi khuẩn.
- Giữ không khí trong nhà luôn trong lành và tránh các tác nhân kích thích gây ho như: bụi bẩn, lông động vật, khói thuốc lá,…
- Tránh để trẻ tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc người có triệu chứng bất thường giống như mắc bệnh, bạn nên cân nhắc việc cho trẻ đeo khẩu trang khi ở gần người khác.
Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ
Một số thống kê cho thấy rằng 90% trẻ bị ho gà do chưa tiêm phòng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ 3 mũi vắc-xin. Vậy nên, tiêm phòng vắc-xin ho gà là giải pháp tốt nhất để phòng ngừa và hạn chế các biến chứng của bệnh.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 2 tháng tuổi là thời điểm kháng thể mẹ truyền cho trẻ bắt đầu sụt giảm. Do đó, tiêm phòng vắc-xin ho gà cho trẻ từ 2 tháng tuổi là thời điểm tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Trên đây là những thông tin về bệnh ho gà ở trẻ em. Hy vọng qua những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp ích cho các bậc cha mẹ trong việc nhận biết các triệu chứng của bệnh ho gà ở trẻ nhỏ, từ đó có thể điều trị và phòng tránh bệnh hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của con em mình một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cdc.gov/pertussis/about/index.html
- https://www.webmd.com/children/whooping-cough-symptoms-treatment
- https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/infections-and-poisoning/whooping-cough