Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ hai trên thế giới, tập trung ở người cao tuổi, nữ giới, người có bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch. Tìm hiểu về tai biến mạch máu não giúp ta nhận biết các dấu hiệu bệnh sớm để kịp thời điều trị, đồng thời có biện pháp phòng ngừa giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Mục lục
Tai biến mạch máu não là bệnh gì?
Tai biến mạch máu não bao gồm thiếu máu cục bộ, tắc mạch, xuất huyết và phình động mạch não. Tất cả các trường hợp tai biến trên đều nguy hiểm và cần cấp cứu hoặc chăm sóc y tế ngay lập tức. Bởi nếu không được điều trị trong một khoảng thời gian nhất định, bệnh có thể dẫn đến những tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não
Có hai nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não, đó là do thiếu máu cục bộ và do xuất huyết.
Do thiếu máu cục bộ
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tai biến mạch máu não. Thiếu máu cục bộ xảy ra khi mạch máu xuất hiện cục máu đông ngăn máu chứa oxy tới não. Cục máu đông có thể hình thành từ nơi khác trong cơ thể, di chuyển và mắc kẹt trong mạch máu não (đột quỵ do tắc mạch) hoặc hình thành ngay trong mạch máu não (đột quỵ do huyết khối).
Do xuất huyết
Khi một mạch máu não bị vỡ hoặc rò rỉ máu, lượng máu tràn ra ngoài sẽ gâp áp lực lớn lên các tế bào não và làm tổn thương chúng. Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra ở một (vài) mạch máu bất kỳ trong não (xuất huyết não) hoặc ở màng bao quanh não (xuất huyết dưới nhện).
Triệu chứng nhận biết tai biến mạch máu não
Nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời là chìa khóa vàng để điều trị tai biến mạch máu não. Do đó, việc nắm rõ các triệu chứng bệnh là vô cùng quan trọng. Các triệu chứng nhận biết tai biến mạch máu não bao gồm:
Tê liệt cơ mặt, chân tay, tê liệt nửa người
Đây là những dấu hiệu trước khi cơn tai biến diễn ra. Lượng oxy trong máu lên não giảm dần gây tổn thương lên các dây thần kinh cơ, gây yếu cơ, tê liệt cơ mặt, chân tay, thậm chí tê liệt nửa người.
Để nhận biết các dấu hiệu trên, bạn có thể yêu cầu người bệnh cười. Nếu nụ cười bị lõm, hoặc một bên mặt người bệnh xệ xuống, người đó có khả năng gặp tai biến. Bạn cũng có thể yêu cầu người bệnh giơ hai tay hoặc hai chân lên cao, khi thấy một bên tay (chân) thõng xuống thì cần nghĩ ngay tới tai biến mạch máu não.
Mất thăng bằng và phối hợp, có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển
Những tác động của việc thiếu máu và thiếu oxy lên não có thể làm người bệnh bị mất thăng bằng hoặc khó khăn trong việc di chuyển. Nếu người bệnh đột nhiên gặp vấn đề về đi lại, khả năng cao lượng máu lên não họ đang bị giảm đáng kể. Trong trường hợp người bệnh đã gặp khó khăn trong việc di chuyển từ trước, bạn có thể theo dõi mức độ ảnh hưởng đang tăng hay giảm dần để đưa ra nhận định.
Chóng mặt, mờ mắt
Khi thiếu máu lên não, thùy não không được cung cấp oxy sẽ giảm hoạt động, ảnh hưởng đến thị lực. Người bệnh sẽ thấy hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng hoặc nhìn mọi thứ nhòe, mờ dần.
Chóng mặt, mờ mắt là dấu hiệu phổ biến trong những cơn tai biến mạch máu não mà người ngoài khó phát hiện được. Do đó, người bệnh cần chủ động phát hiện và báo cho người nhà hoặc bác sĩ ngay những ảnh hưởng để kịp thời xử lý.
Khó nói hoặc khó hiểu lời người khác nói
Thiếu máu lên não cũng tác động lên trung khu ngôn ngữ ở vỏ não, khiến người bệnh gặp hạn chế trong giao tiếp như nói lắp, nói không rõ chữ, không nói được hoặc không hiểu lời người khác nói, lộn xộn trong tư duy.
Đau đầu bất chợt, có thể kèm buồn nôn, nôn, chóng mặt.
Đau đầu trong cơn tai biến mạch máu não có thể bị nhầm lẫn với những cơn đau đầu do nguyên nhân khác. Tuy nhiên, đau trong tai biến mạch máu não thường kèm cảm giác chóng mặt, buồn nôn, có thể nôn kèm huyết áp tăng cao, thậm chí ngất xỉu.
Người bệnh có thể bị đau tăng dần, đau theo cơn dữ dội. Khi gặp tình trạng này, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức vì nguy cơ xuất huyết não là rất cao.
Nấc cụt, ngáp nhiều
Đây là các triệu chứng tưởng chừng như hết sức bình thường, nhưng khi chúng xuất hiện với tần suất dày đặc, đặc biệt là ở nữ giới, thì bạn nên thận trọng. Những dấu hiệu này báo hiệu một số bất thường của cơ thể, có thể là tình trạng thiếu dinh dưỡng, bệnh xơ vữa động mạch, hoặc sự thiếu oxy lên não.
Tùy vào tình trạng và vị trí tai biến của mỗi người, các triệu chứng có thể khác biệt. Chúng thường xuất hiện đột ngột và nặng dần theo thời gian. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn phát hiện bản thân hoặc ai đó có những dấu hiệu trên.
Tai biến mạch máu não có nguy hiểm không?
Tai biến mạch máu não có thế gây ra những ảnh hưởng khác nhau tùy vào trình trạng, vị trí tổn thương và sức khỏe của người bệnh, trong đó phổ biến hơn cả là mất trí nhớ và mất hoặc giảm vận động. Phần cơ thể đối diện với bên não bị tổn thương sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo vị trí xảy ra đột quỵ, các tổn thương bên não trái có thể gây ra các vấn đề về giọng nói và khiến cử chỉ của người bệnh chậm chạp hơn. Các tổn thương bên phải não thường gây ảnh hưởng tới thị lực, đồng thời kích thích các cử chỉ, hành động trở nên nhanh, gấp gáp hơn. Đột quỵ vùng thân não là nguy hiểm nhất, gây tê liệt các bộ phận nhất định là ảnh hưởng nghiêm trọng lên giọng nói.
Nhìn chung, bệnh nhân sau khi trải qua cơn tai biến mạch máu não thường sẽ phải đối mặt với các triệu chứng dưới đây:
- Yếu cơ, khó khăn trong di chuyển, cầm nắm đồ vật.
- Đau, tê cứng xương khớp, ngứa ran tay chân.
- Tầm nhìn giảm, rối loạn cảm giác, xúc giác.
- Hệ thần kinh tổn thương dẫn đến các hội chứng đau mãn tính, khó phối hợp các chuyển động.
- Mất ngôn ngữ, khó nuốt, khó ăn uống.
- Nhận thức giảm sút, mất hoặc suy giảm trí nhớ, kém tập trung.
- Tổn thương về cảm xúc, đau khổ, lo lắng, sợ hãi, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm…
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn phát hiện ra những bất thường của cơ thể. Và để nhanh chóng nhận biết cơn tai biến mạch máu não, bạn cần ghi nhớ theo từ viết tắt “FAST” như sau:
- Face: Một bên mặt của người bệnh xệ xuống hơn bên còn lại.
- Arm: Khi đưa cả 2 tay ra, người bệnh có xu hướng trôi về phía trước.
- Speech: Người bệnh có thay đổi bất thường về giọng nói.
- Time: Người bệnh cần được cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào ở trên.
Xử trí tai biến mạch máu não
Mỗi loại tai biến mạch máu não có một cách xử trí riêng biệt. Tuy nhiên, nguyên tắc chung để điều trị luôn là kiểm soát chảy máu hoặc khôi phục lưu lượng máu, kết hợp phục hồi chức năng.
Điều trị bằng thuốc
Với tai biến do thiếu máu cục bộ, bác sĩ có thể kê cho bạn một số thuốc sau đây:
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu (Aspirin, Ticlid, Plavix): Ngăn cản sự kết tập tiểu cầu, tránh hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.
- Thuốc ngăn huyết khối (Warfarin, Heparin): Giúp tránh tình trạng đông máu, đẩy nhanh lưu thông mạch máu đang tắc nghẽn.
- Thuốc kiểm soát huyết áp: Kiểm soát tốt huyết áp giúp hạn chế nguy cơ xuất hiện thêm các biến chứng nặng cũng như phòng ngừa đột quỵ tái phát.
- Thuốc quản lý mức Cholesterol: Giúp ổn định màng xơ vữa, phục hồi cân bằng, ly giải huyết khối, hạn chế các biến cố mạch vành.
- Thuốc kiểm soát nhịp tim: Giúp kiểm soát và hạn chế rối loạn nhịp tim, rung nhĩ.
Phẫu thuật
Trong một vài trường hợp, các bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn hoặc loại bỏ tổn thương động mạch.
Phục hồi chức năng
Sau khi vượt qua cơn đột quỵ, hướng điều trị tiếp theo là cải thiện tối đa các chức năng đã bị tổn thương cho bệnh nhân. Việc phục hồi chức năng có thể thực hiện tại bệnh viện, cơ sở điều dưỡng hoặc tại nhà.
Quá trình phục hồi chức năng có thể bao gồm nhiều liệu pháp kết hợp hoặc đơn lẻ như liệu pháp ngôn ngữ (nói, nuốt), liệu pháp vận động (tay, ngón tay), các liệu pháp vật lý trị liệu (sức cơ, đi lại)… Việc phục hồi chức năng cũng bao gồm cả chăm sóc sức khỏe để ngăn ngừa một cơn đột quỵ khác có thể xảy đến.
Phòng ngừa tai biến mạch máu não
Ngăn chặn các yếu tố có nguy cơ gây bệnh
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não, trong đó điển hình là bệnh tiểu đường, rung nhĩ và cao huyết áp. Ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây bệnh là giải pháp quan trọng giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não. Dưới đây là một số gợi ý về các cách làm giảm yếu tố nguy cơ.
Duy trì huyết áp ở mức bình thường
Huyết áp có ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề về tim mạch. Bạn có thể duy trì huyết áp ở mức bình thường, hoặc ở ngưỡng kiểm soát được bằng cách thường xuyên theo dõi huyết áp, giảm lượng muối tiêu thụ, kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý và thể dục thể thao.
Hạn chế lượng chất béo bão hòa và Cholesterol nạp vào cơ thể
Việc hạn chế chất béo bão hòa và Cholesterol giúp làm giảm xơ vữa động mạch. Bạn có thể cải thiện chế độ ăn uống, cắt giảm các chất béo bão hòa hoặc sử dụng một số loại thuốc nhóm Statin, thuốc hạ Cholesterol để phòng bệnh.
Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá
Các chất kích thích có ảnh hưởng xấu đến cơ thể, làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và nhiều biến cố tim mạch, hô hấp, tiêu hóa khác. Do đó, bạn nên ngừng (không) sử dụng các chất kích thích, bao gồm thuốc lá, rượu, bia hoặc hạn chế chúng đến mức tối thiểu.
Duy trì cân nặng phù hợp
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não. Nguy cơ này càng tăng khi kết hợp với các bệnh nến như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường. Cách duy trì cân nặng hợp lý là đảm bảo chế độ dinh dưỡng, thể dục thể thao và sinh hoạt khoa học.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Dinh dưỡng rất quan trọng với cơ thể, việc lựa chọn các thực phẩm lành mạnh có thể góp phần ngăn ngừa tai biến mạch máu não, duy trì cân nặng lý tưởng và cải thiện sức khỏe.
Cholesterol cao và huyết áp cao làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó, bạn nên ăn nhiều trái cây tươi và rau quả, hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, giàu Cholesterol. Bạn cũng nên ăn nhạt, hạn chế lượng muối ăn hàng ngày để điều hòa huyết áp.
Duy trì lối sống lành mạnh
80% trường hợp tai biến mạch máu não tại Hoa Kỳ có thể phòng ngừa được thông qua duy trì lối sống lành mạnh. Lối sống lành mạnh được thể hiện qua việc không hút thuốc, hạn chế rượu, có chế độ ăn khoa học và thường xuyên hoạt động thể chất.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý đường hô hấp. Bạn không nên hút thuốc. Nếu bạn có thói quen hút thuốc hoặc nghiện thuốc, hãy tham khảo bác sĩ những cách bỏ thuốc lá hiệu quả, hoặc cố gắng hạn chế tối thiểu lượng thuốc và không hút thuốc nơi công cộng.
Rượu vừa là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, vừa là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Lạm dụng rượu bia còn có thể gây ra những rối loạn cảm xúc, các bệnh viêm gan, xơ gan… Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC)(1), đàn ông chỉ nên uống tối đa 2 ly rượu mỗi ngày và phụ nữ chỉ nên uống 1 ly.
Các hoạt động thể chất có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa tai biến mạch máu não, thông qua việc giúp duy trì cân nặng, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp. CDC(2) khuyến nghị người lớn nên giành khoảng 2 tiếng rưỡi mỗi tuần để thực hiện những hoạt động có cường độ vừa phải như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu… Với trẻ em và thanh thiếu niên, tần suất hoạt động nên vào khoảng 1 giờ mỗi ngày.
Lưu lại và theo dõi tình hình sức khỏe với Omron connected healthcare
Việc ghi chép lại lối sống và sự thay đổi hàng ngày của cơ thể có vai trò quan trọng trong điều trị và phòng ngừa tai biến mạch máu não cũng như bảo vệ sức khỏe của bạn. Giờ đây, bạn có thể dễ dàng theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân với ứng dụng Omron Connected Healthcare.
Với chức năng đồng bộ hóa qua Bluetooth không dây tiện lợi và nhanh chóng, thiết bị y tế Omron Connected giúp bạn có thể upload, lưu trữ và xem xét những dữ liệu sức khỏe của mình. Theo dõi huyết áp, cân nặng và các thành phần cơ thể của bạn chỉ với một cú nhấp chuột!
** Video giới thiệu Omron Connected Healthcare
Tai biến mạch máu não là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, để lại nhiều di chứng nặng nề và có thể dẫn đến tử vong. Hãy chủ động thực hiện lối sống lành mạnh để phòng bệnh, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc cho bản thân và những thân yêu.
Nguồn tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/cerebrovascular-accident
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/184601#causes
- https://www.cdc.gov/stroke/types_of_stroke.htm
- https://www.medicinenet.com/cerebrovascular_accident/definition.htm