Mang thai là quá trình thiêng liêng nhưng cũng vô cùng vất vả của người phụ nữ. Trong suốt cả thai kỳ, mẹ bầu sẽ không tránh khỏi những cơn đau nhức bất thường, đặc biệt là nhức mỏi chân. Nhức mỏi chân khi mang thai là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên, bạn vẫn nên lưu ý một số vấn đề dưới đây để những cơn đau nhức này không quá ảnh hưởng đến bản thân và em bé trong bụng.
Mục lục
Hiện tượng nhức mỏi chân khi mang thai
Nhức mỏi chân gặp ở giai đoạn nào trong thai kỳ?
Trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu có thể gặp phải hiện tượng đau nhức chân từ khi kết thúc tam cá nguyệt thứ hai cho đến khi bắt đầu tam cá nguyệt thứ ba, kèm theo tình trạng phù, sưng nề đôi chân.
Đặc biệt, vào 3 tháng cuối thai kỳ, khi thai nhi ngày càng phát triển, áp lực đè nén lên chân tăng lên làm cho thai phụ càng dễ bị nhức mỏi hơn. Tình trạng này diễn ra thường xuyên vào ban đêm hơn ban ngày.
Nhức mỏi chân khi mang thai biểu hiện ra sao?
Trong nhiều trường hợp, cơn đau có thể kèm sưng phù, hoặc lan tỏa ra cả mặt sau của chân và phần hông. Sưng phù là hiện tượng phổ biến hay gặp ở thai phụ bị nhức mỏi chân. Các vị trí dễ bị sưng phù gồm mặt, chân, mắt cá chân và bàn chân. Đôi khi, sưng phù thường bị nhầm lẫn với việc tăng cân trong giai đoạn sau của thai kỳ. Nhức mỏi chân kèm sưng phù khiến việc di chuyển trở nên khó khăn làm mẹ bầu có xu hướng ngồi, nằm nhiều, hạn chế vận động đi lại.
Nhức mỏi chân có hết sau khi sinh con không?
Tùy theo cơ địa và quá trình sinh hoạt của mỗi người mà sau khi sinh nở, hiện tượng nhức mỏi chân có thể biến mất, giảm nhẹ đi hoặc vẫn tiếp diễn và thậm chí nặng thêm. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe thai phụ là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Nguyên nhân mẹ bầu bị nhức mỏi chân
Do tăng cân
Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhức mỏi chân. Việc tăng cân nhanh chóng tạo áp lực ngày càng lớn lên các dây chằng của chân làm chúng bị căng ra. Khi áp lực lên chân quá lớn, các dây chằng bị kéo quá căng trong thời gian dài khiến chân bị đau nhức.
Do thay đổi hormon
Trong giai đoạn gần cuối thai kỳ, cơ thể mẹ tăng sinh Relaxin – nội tiết tố cần thiết cho quá trình sinh nở. Relaxin có tác dụng làm giãn cơ và dây chằng vùng chậu để chuẩn bị cho thời khắc lâm bồn. Mặt khác, hormon này cũng làm giãn cơ và dây chằng vùng chân, gây viêm, đau nhức chân.
Sự kết hợp giữa việc tăng Relaxin và tăng cân có thể gây ra hiện tượng vòm chân thấp (hay còn gọi là bàn chân phẳng). Khi đó, gan bàn chân bị dàn phẳng, hệ thống dây chằng phải kéo căng để giữ vòm chân hình cung, khiến tình trạng đau nhức chân càng nặng hơn.
Do chuột rút
Việc thiếu hụt Canxi hay tích tụ Acid Lactic trong thai kỳ có thể tạo nên những cơn co thắt cơ – thường được gọi là chuột rút, gây nhức mỏi chân. Hiện tượng chuột rút còn có thể xảy ra khi mẹ bầu đứng quá lâu hoặc đi lại quá nhiều.
Do giãn tĩnh mạch
Trong thời kỳ mang thai, do nhu cầu dinh dưỡng và oxy tăng lên, cơ thể đẩy mạnh sản xuất thêm máu trong hệ tuần hoàn. Lượng máu nhiều làm tăng áp lực lên thành mạch, kéo giãn tĩnh mạch, gây đau nhức chân. Hiện tượng đau tăng lên vào giữa và cuối thai kỳ, khi mẹ bầu tiếp tục tăng cân, hoặc khi phải đứng liên tục trong thời gian dài.
Do vận động sai tư thế
Càng gần thời gian sinh nở, bụng bầu càng lớn, khả năng vận động của thai phụ càng hạn chế. Mẹ bầu dễ đứng, ngồi, nằm sai tư thế. Những hành động đó có thể chèn ép dây thần kinh, giảm lượng máu lưu thông tới các chi, giảm lượng oxy cung cấp khiến hiện tượng đau nhức, tê mỏi chân tay trở nên rõ rệt.
Do chế độ ăn uống
Khi mang thai, người mẹ cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng hơn bình thường. Sự thiếu hụt Canxi, Magie và nước có thể là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp cho mẹ.
Canxi là khoáng chất thiết yếu cho cả mẹ lẫn thai nhi, làm chắc xương, giảm đau nhức. Thông thường, mẹ bầu cần khoảng 1.200mg Canxi mỗi ngày.
Magie giúp bảo vệ mẹ khỏi nguy cơ tiền sản giật, đẻ non và giảm tỷ lệ tử non trong sinh nở. Thiếu Magie cũng làm tăng khả năng nhức mỏi chân cho mẹ bầu.
Nước luôn cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ có thai. Khi thiếu nước, quá trình trao đổi chất của cơ thể bị trì trệ, gây ứ đọng các sản phẩm Lactate làm đau nhức cơ xương.
Nhức mỏi chân khi mang thai có nguy hiểm không?
Ảnh hưởng đến mẹ
Nhức mỏi chân là hiện tượng thường thấy khi mang thai, đa phần không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nó mang tới sự khó chịu cho người mẹ, đặc biệt vào ban đêm. Khi tình trạng nặng lên, mẹ bầu có thể bị mất ngủ, mệt mỏi cơ thể, chán ăn và ảnh hưởng sức khỏe.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
Tiền sản giật là bệnh lý thai nghén toàn thân, thường gặp ở 3 tháng cuối với các triệu chứng tăng huyết áp, protein niệu và phù. Tiền sản giật nặng còn có thể kèm thiếu máu, mệt mỏi, các dấu hiệu tiêu hóa, thần kinh, thị giác và tràn dịch đa màng. Nếu tình trạng nhức mỏi chân trở nặng và liên tục, mẹ bầu cần chú ý dự phòng tiền sản giật và các biến chứng.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Khi những cơn đau nhức xảy ra quá thường xuyên và không thể tự khắc phục, mẹ bầu cần đi khám bác sĩ để được tư vấn hỗ trợ giảm đau. Hiện tượng nhức mỏi chân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng như u xơ tử cung hay tụ máu ở chân, do đó bạn nên báo cho bác sĩ về đặc điểm và tần suất đau nhức để được kịp thời chẩn đoán và xử lý.
Làm gì khi bà bầu bị nhức mỏi chân tay?
Thay đổi thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi
Khi cảm thấy đau nhức chân, mẹ bầu nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng. Bạn có thể thử thay đổi tư thế nằm ngủ, lấy gối kê chân và thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng giúp máu lưu thông tốt dành riêng cho người mang thai.
Bạn không nên đứng hay ngồi quá lâu mà cần vận động, đi lại hoặc tham gia các lớp Yoga thai kỳ để tăng cường sức khỏe, thư giãn cơ xương. Với những mẹ bầu làm việc văn phòng, cách mỗi khoảng thời gian nhất định, bạn cần đứng lên đi lại xung quanh để tránh căng cơ và tê mỏi chân.
Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý là vô cùng cần thiết cho sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Để đảm bảo sức khỏe, giảm thiểu đau nhức chân, bạn cần:
- Uống đủ nước: Tùy theo nhu cầu sinh lý cơ thể mà mẹ bầu có thể cần uống 1.8 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Tăng cường thực phẩm giàu Canxi: Sữa và các thực phẩm giàu Canxi như rau dền, rau cải, đậu phụ, tôm, cua có tác dụng giúp xương chắc khỏe, giảm tình trạng đau nhức chân.
- Bổ sung thêm ngũ cốc: Yến mạch, ngô, khoai lang, gạo lứt chứa nhiều vitamin C,E,P giúp bảo vệ tĩnh mạch, hạn chế đau nhức.
- Đồng thời, mẹ bầu cũng cần chú trọng bổ sung các vitamin, chất xơ và khoáng chất.
Các bài tập khi mang thai
Việc thực hiện các bài tập phù hợp với cường độ nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ bầu cải thiện đáng kể tình trạng đau nhức chân khi mang thai. Dưới đây là một số bài tập bạn có thể tham khảo.
Xoay mắt cá chân
Đây là một bài tập đơn giản, nhằm vận động cơ mắt cá chân và bàn chân giúp tăng tuần hoàn và lưu lượng máu đến bàn chân, giảm sưng, đau nhức.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Nằm trên giường, kê chân bằng một chiếc gối mềm.
- Bước 2: Kéo các ngón chân về phía mặt, uốn cong bàn chân.
- Bước 3: Từ từ xoay các ngón chân ra xa.
Thực hiện 3 set, mỗi set lặp lại 10 lần các bước 2 và 3, chứng đau nhức chân sẽ dần được cải thiện.
Căng da bắp chân
Bài tập này giúp kéo giãn cơ bắp chân và cơ dép, khắc phục tình trạng đau chân do tăng cân, cơ địa yếu hoặc đi giày, dép sai cách.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Đứng quay mặt vào tường, đặt 2 tay lên tường.
- Bước 2: Đặt 1 chân lên tường, mũi chân hướng lên.
- Bước 3: Dựa vào tường, kéo chân thẳng cho đến khi căng cơ phần sau cẳng chân.
- Bước 4: Giữ tư thế 20 – 30 giây.
- Bước 5: Lặp lại với bên chân kia.
Wall Squat với bóng tập
Bài tập Squat này giúp tăng cường sức mạnh và độ ổn định cho cơ mông, cơ lõi sâu và gân kheo, đồng thời hoạt hóa cơ tứ đầu, hỗ trợ dây chằng đầu gối. Đây là bài tập có độ nguy hiểm nhất định, bạn nên tập lần đầu dưới sự hỗ trợ của người thân hoặc người hướng dẫn.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Đứng thẳng, đặt 1 quả bóng tập ở giữa lưng và tường.
- Bước 2: Hai bàn chân đặt xong xong, mở rộng qua hông. Lưu ý tránh để chân quá gần tường.
- Bước 3: Từ từ hạ người ngồi xuống, đồng thời để quả bóng lăn trên lưng.
- Bước 4: Giữ trong 1 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
Bạn nên thực hiện động tác này 10 lần để có hiệu quả tối ưu.
Xoa bóp, massage
Các hoạt động xoa bóp, massage có tác dụng rất tốt với cả sức khỏe và tinh thần mẹ bầu. Thường xuyên massage lưu thông khí huyết, tạo cảm giác thoải mái, giảm đau nhức chân và an thần.
Bạn có thể xoa bóp chân với dầu nền cùng với một số loại tinh dầu như cúc, oải hương, bạc hà. Để tăng hiệu quả, bạn nên kết hợp việc xoa bóp, massage với ngâm chân cùng các thảo dược, muối, gừng, chanh xả.
Phòng ngừa nhức mỏi chân khi mang thai
Để phòng ngừa nhức mỏi chân khi mang thai, mẹ bầu cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý.
Về chế độ dinh dưỡng, bạn nên hạn chế ăn muối, uống nước thường xuyên, tránh xa các chất kích thích chứa Cafein như cafe, chè… Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ giúp bạn cung cấp đủ Canxi và các chất cần thiết cho cơ thể, phòng ngừa đau nhức chân.
Chế độ tập thể dục và nâng cơ đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa đau mỏi chân khi mang thai. Hầu hết các bài thể dục nhẹ nhàng đều đem lại tác dụng tốt, đặc biệt là đi bộ và đạp xe thường xuyên.
Yếu tố tinh thần cũng góp phần nhất định giúp hạn chế những cơn đau nhức. Bạn nên tránh làm việc quá sức gây căng thẳng, mệt mỏi. Hãy ngủ đủ giấc, suy nghĩ lạc quan để giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái.
Massage giảm đau nhức chân tay với máy massage xung điện trị liệu của Omron
Việc kết hợp ngâm chân và xoa bóp truyền thống đem lại kết quả tốt trong cải thiện và phòng ngừa đau nhức chân ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nó tốn khá nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị nên không phù hợp với cuộc sống sinh hoạt hiện đại.
Giờ đây, mẹ bầu có thể yên tâm thư giãn, xua tan mệt mỏi và những cơn đau nhức chân với máy Massage xung điện trị liệu của Omron. Máy Massage của Omron có thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi đem theo mọi lúc, mọi nơi. Các thao tác sử dụng đều được đơn giản và tự động hóa, đem tới sự tiện lợi trong trải nghiệm của người dùng.
Một số tính năng đặc biệt:
- Màn hình LCD cho biết cường độ và thời gian massage, có thể điều chỉnh cho phù hợp với từng người dùng.
- Tuổi thọ cao, đáp ứng được nhu cầu sử dụng thường xuyên, liên tục.
- Vệ sinh dễ dàng.
- Chế độ tự động tắt sau 15 phút không sử dụng.
Không chỉ là giải pháp tối ưu cho tình trạng đau nhức chân ở phụ nữ mang thai, máy Massage xung điện trị liệu của Omron còn có tác dụng với tất cả các trường hợp đau nhức mỏi lưng, vai, gáy ở nhiều độ tuổi, giúp ngăn ngừa teo cơ ở người già, tăng khả năng vận động cho người bệnh viêm khớp và thúc đẩy quả trình hồi phục sau chấn thương.
Tìm hiểu thêm về Máy Massage xung điện trị liệu Omron tại đây!
Video tham khảo
Tuy không quá nguy hiểm nhưng hiện tượng đau nhức chân trong thời kỳ mang thai vẫn đem lại sự khó chịu, mệt mỏi cho các mẹ bầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Với máy Massage xung điện trị liệu Omron, mẹ bầu có thể quên nỗi lo đau nhức, giữ tinh thần thoải mái nhất để chuẩn bị đón chào thành viên mới trong gia đình.
Nguồn tham khảo:
- https://healthline.com/health/pregnancy/leg-pain
- https://www.thebump.com/a/leg-pain-during-pregnancy
- https://garavelas.com/articles/leg-and-foot-pain-during-pregnancy/