Nhức mỏi khớp khuỷu tay là bệnh lý phổ biến hiện nay, đặc biệt gặp nhiều ở người làm công việc văn phòng. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Có biện pháp nào để cải thiện không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Nhức mỏi khớp khuỷu tay là bệnh gì?
Khớp khuỷu tay là phần khớp phức tạp của cơ thể, nằm giữa 2 khớp lớn là cánh tay và cẳng tay. Khuỷu tay bao gồm phần đầu khớp được tạo nên bởi xương cánh tay, xương khuỷu tay và xương quay; phần xương lồi ở khuỷu tay là phần đầu tròn của xương cánh tay. Đây cũng chính là nơi các cơ và gân nối xương cánh tay, giúp cho tay có thể gập và duỗi dễ dàng.
Nhức mỏi khớp khuỷu tay là tình trạng viêm, đứt, giãn nhóm gân cơ duỗi tại vị trí nằm giữa cánh tay và cẳng tay. Triệu chứng điển hình của bệnh là đau vùng phía ngoài khuỷu tay, có thể kèm theo sưng nhẹ nhưng không có nóng đỏ. Thời gian đầu, người bệnh chỉ đau khi thực hiện những động tác như gấp, duỗi khuỷu tay hoặc xách vật nặng. Trong trường hợp nặng, đau diễn ra thường xuyên và tăng dần mức độ hơn, khiến bạn không thể cầm đồ vật hay lái xe. Khi khám lâm sàng, bác sĩ ấn vào vị trí lồi cầu ngoài bệnh nhân rất đau.
Nhức mỏi khuỷu tay do đâu mà ra?
Chơi thể thao quá sức
Chơi thể thao hoặc hoạt động thể lực quá sức có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau ở vùng khuỷu tay. Thông thường, nhức mỏi khớp khuỷu tay do chơi thể thao được chia làm 2 loại chính như sau:
✔ Đau khuỷu tay Tennis (còn gọi là viêm mỏm trên lồi cầu ngoài): do dùng lực cánh tay quá mạnh hoặc sai kỹ thuật khi chơi. Các triệu chứng đầu tiên xuất hiện là những cơn đau nhẹ và nặng lên sau vài tuần. Người bệnh cảm thấy đau rát phần ngoài của khuỷu tay và mất dần sức lực, khó khăn trong việc cầm, nắm. Nói chung, loại đau khuỷu tay Tennis thường có tiên lượng nhẹ và dễ chữa trị.
✔ Đau khuỷu tay ở người chơi Golf (phần trong của khuỷu tay bị ảnh hưởng): đau thường xuất hiện sau khi chơi Golf, khi bạn thực hiện các động tác ném, đánh bóng không đúng kỹ thuật. Người bệnh sẽ cảm thấy đau dọc bên trong phần khuỷu tay, đau khu trú tại điểm bám gân cơ và thường có căng cơ xuất hiện.
Chấn thương
Chấn thương khi làm việc hoặc tai nạn giao thông có thể làm tổn thương bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là các khớp khuỷu tay – vị trí dễ bị tổn thương do tỳ đè hoặc chống tay khi gặp tai nạn. Tổn thương ở khớp khuỷu tay có thể làm nứt phần đầu xương hoặc làm giãn hệ thống gân, dây chằng bao quanh ổ khớp. Lúc này, người bệnh cần được điều trị bằng các biện pháp y tế như sát trùng vết thương, nẹp hoặc bó bột phần xương bị nứt. Hậu quả để lại của những chấn thương ở mô mềm là hình thành các mô sẹo, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.
Đặc thù công việc
Một số người làm nghề thợ mộc, thợ sửa ống nước, công nhân văn phòng, công nhân xí nghiệp,… thường phải lặp đi lặp lại một động tác trong thời gian dài, do đó rất dễ gặp phải cơn đau ở vùng khớp khuỷu tay. Vấn đề họ thường gặp phải phổ biến nhất là bị viêm cầu lồi ngoài xương cánh tay nên khớp khuỷu tay thường bị đau.
Trong những trường hợp này, đau thường có xu hướng kéo dài và mãn tính nếu như người bệnh không có biện pháp điều trị hiệu quả. Nếu như bạn đang làm những công việc trên thì có thể cải thiện cơn đau tại nhà bằng các biện pháp đơn giản như chườm, xoa bóp tại vị trí đau để giảm đau sau một ngày dài làm việc.
Viêm khớp khuỷu tay
Khuỷu tay có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều loại viêm khớp khác nhau, trong đó thoái hóa khớp là loại phổ biến nhất. Các triệu chứng của bệnh bắt đầu xuất hiện khi lớp sụn ở phần đầu xương bị bào mòn dần, sau đó cơ thể sẽ đáp ứng lại bằng cách phát triển các gai xương quanh khớp và tiết ra chất dịch lỏng trong màng hoạt dịch. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng khớp bị viêm. Trường hợp nặng còn có thể dẫn đến cứng khớp và biến dạng khớp.
Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch khớp khuỷu tay là tình trạng viêm, sưng, đỏ ở một túi chứa dịch lỏng ở khớp. Bao hoạt dịch mỏm khuỷu nằm ở mặt sau của khớp khuỷu tay thường bị viêm do chấn thương hoặc vận động quá mức.
Không giống như nhiều bệnh lý khác, triệu chứng của viêm bao hoạt dịch rất dễ nhận biết là khớp khuỷu tay sưng tấy, đỏ, đau nhức hay cứng khớp, cơn đau nặng hơn khi người bệnh cử động tay. Nếu cơn đau kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị hợp lý.
Bệnh lý khác
✔ Viêm khớp dạng thấp: là bệnh tự miễn cơ quan do cơ thể sinh ra các tự kháng thể để chống lại tế bào của chính mình. Các triệu chứng điển hình của bệnh là tình trạng sưng, nóng, đỏ đau tại các khớp bị viêm. Bệnh viêm khớp dạng thấp thường có tiên lượng nặng, nếu không điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn.
✔ Viêm khớp vảy nến: là bệnh viêm khớp được phát hiện ở những người bị bệnh vảy nến. Viêm khớp có thể phá hủy các khớp, dẫn đến mất chức năng cử động và khiến người bệnh bị tàn phế suốt đời. Vì vậy, người bệnh cần phải điều trị ngay từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, đồng thời phối hợp điều trị với các tổn thương trên da.
✔ Bệnh Gout: là bệnh lý hình thành do sự lắng đọng tinh thể Urat tại các khớp, trong đó có khớp khuỷu tay. Bệnh thường gặp nhiều hơn ở nam giới, những người mắc hội chứng chuyển hóa, nghiện rượu bia và chế độ ăn giàu chất đạm. Người bị bệnh Gout thường bị sưng đau đột ngột và dữ dội tại một hoặc một vài khớp không đối xứng, đau có thể khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần nếu như uống thuốc điều trị hiệu quả.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Nhìn chung, nhức mỏi khớp khuỷu tay thường có tiên lượng nhẹ và đỡ dần sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh không thuyên giảm hoặc xuất hiện những triệu chứng bất thường khác, người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị hợp lý.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu có những biểu hiện dưới đây:
- Đau tại khớp khuỷu tay kèm theo sốt cao và mệt mỏi.
- Cơn đau kéo dài nhiều ngày và không đỡ sau khi tự điều trị tại nhà.
- Đau dữ dội và xuất hiện các vết sưng, bầm tím xung quanh vùng khớp bị đau.
- Đau không giảm khi đã sử dụng các thuốc giảm đau thông thường.
- Xuất hiện u, cục hoặc dị tật bất thường ở khớp khuỷu tay.
- Xương ở phần đầu khuỷu tay nhô ra.
- Người bệnh không có khả năng cử động cánh tay hay mang vác vật nặng.
Chẩn đoán đau khớp khuỷu tay
Để chẩn đoán bệnh nhức mỏi khớp khuỷu tay, bác sĩ sẽ dựa trên việc khám lâm sàng và hỏi xem bạn đã từng bị chấn thương hay phẫu thuật ở vùng khuỷu tay hay chưa, đặc biệt quan trọng đến thời gian khởi phát cơn đau, ví dụ cơn đau càng kéo dài thường gợi ý là do hoạt động quá sức, trong khi cơn đau khởi phát tức thời thường gợi ý vấn đề liên quan đến dây chằng, gân, cơ. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh. Một số xét nghiệm thường gặp trong chẩn đoán bệnh bao gồm:
- Kiểm tra thể chất: người bệnh sẽ thực hiện một vài động tác đơn giản để bác sĩ có thể quan sát phản ứng và phát hiện có dấu hiệu bất thường nào hay không.
- Chụp X – quang: cho phép bác sĩ phát hiện ra sự tổn thương ở xương, viêm khớp, chẳng hạn như vôi hóa hoặc gãy xương.
- Chụp MRI: là biện pháp chụp cộng hưởng từ cho ra hình ảnh chi tiết, cụ thể ở các mô mềm xung quanh khớp như sụn, gân, dây chằng và hệ thống dây thần kinh. Từ đó bác sĩ có thể phát hiện chính xác nguyên nhân gây bệnh là gì.
- Điện cơ (EMG): là phương pháp đo độ phản ứng của các cơ khi có dòng điện kích thích chạy qua.
- Chọc dịch ổ khớp: dùng để chẩn đoán hoặc phân biệt giữa các nguyên nhân gây đau khớp, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc bệnh Gout, viêm khớp dạng thấp,…
Các biện pháp cải thiện đau nhức khuỷu tay hiệu quả
Nghỉ ngơi hợp lý
Người bị đau khớp khuỷu tay cần để cho khớp nghỉ ngơi càng lâu càng tốt. Điều này giúp vị trí tổn thương giảm đau, giảm sưng. Bạn cũng nên hạn chế vận động đến mức tối thiểu, thậm chí dừng hẳn các hoạt động nặng trong vòng 1 – 2 tuần hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng tổn thương khớp. Sau khi bệnh có xu hướng thuyên giảm, người bệnh có thể cử động tay trở lại như bình thường.
Liệu pháp chườm
Chườm luôn là biện pháp đơn giản dùng để giảm các cơn đau xương khớp có thể thực hiện ngay tại nhà. Tùy theo từng loại bệnh mà mỗi phương pháp chườm nóng hay chườm lạnh lại có một công dụng hiệu quả khác nhau:
✔ Chườm nóng: nhiệt có công dụng làm giãn cơ, dây chằng và giảm kích thích thần kinh, từ đó dẫn đến giảm đau. Ngoài ra, chườm nóng còn giúp tuần hoàn máu lưu thông dễ dàng, giúp máu đến vị trí đau tốt hơn, phục hồi mô bị tổn thương và giảm đau hiệu quả.
Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý không nên chườm nóng tại vị trí bị thương vì nhiệt có thể gây kích ứng và làm bỏng da, khiến tình trạng sưng đau trở nên tồi tệ hơn. Trong quá trình chườm nóng, bạn nên dùng một túi nước nóng để chườm, để nhiệt độ vừa phải và phù hợp với nhiệt độ cơ thể.
✔ Chườm lạnh hiệu quả đối với các trường hợp đau kèm sưng, tấy đỏ vì có thể hạ nhiệt nhanh vùng bị viêm do nước lạnh làm giảm tuần hoàn máu, từ đó giúp làm giảm nhanh sưng tấy. Lạnh cũng có tác động gây tê cục bộ làm tê các mô bị tổn thương, khiến cho tín hiệu đau truyền về não chậm hơn.
Người bệnh thực hiện liệu pháp chườm lạnh bằng cách dùng một đá lạnh bọc trong một túi hoặc bọc ngoài bằng khăn và dùng khăn/túi chườm trực tiếp lên vùng bị đau. Tuy nhiên, người bệnh không nên thực hiện chườm lạnh nếu như cơ thể đang bị lạnh, dễ bị chuột rút, mắc các bệnh tổn thương mạch máu hay đang bị dị ứng với lạnh,…
Vật lý trị liệu
Hiện nay, việc sử dụng liệu pháp trị liệu ngay tại nhà đã được nhiều người lựa chọn để làm giảm nhanh các cơn đau xương khớp. Trong đó, máy massage xung điện Omron có thể là một công cụ đắc lực giúp bạn xoa dịu cơn đau và giúp cơ thể thư giãn một cách tốt nhất.
Máy xung điện Omron có nhiều chủng loại và giá thành khác nhau, đặc biệt máy có thiết kế nhỏ gọn nên rất dễ dàng để mang theo khi ra ngoài. Máy sử dụng công nghệ TENS tiên tiến, làm giảm đau theo 2 cách thông qua tần số cao để điều trị đau cấp tính và tần số thấp để điều trị đau mãn tính, cứng và tê. Máy massage xung điện của Omron có nhiều loại đa dạng như máy HV-F013, HV-F021, HV-F128, HV-F127,… giúp bạn có thể lựa chọn dễ dàng và phù hợp với từng cơn đau khác nhau.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Người bị nhức mỏi khớp khuỷu tay nên bổ sung những loại thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn hàng ngày để cải thiện bệnh nhanh hơn:
☛ Dầu cá và thực phẩm giàu Omega – 3:
Hàm lượng acid béo Omega – 3 trong dầu cá có công dụng chống viêm và đặc biệt hữu ích cho bệnh nhân đau khớp. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu Omega – 3 khác vào bữa ăn hàng ngày như cá hồi, cá mòi, hạt đậu nành, hạt chia, đậu cove,…
☛ Thực phẩm giàu Protein:
Sữa, phô mai, trứng là nguồn thực phẩm giàu protein cần được bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của người bị đau nhức xương khớp. Hàm lượng chất dinh dưỡng trong các thực phẩm này có thể giúp phục hồi các gân bị viêm và tình trạng cứng cơ, giúp cải thiện bệnh nhanh hơn.
☛ Gia vị và thảo mộc:
Gừng và nghệ là các loại thảo dược có công dụng chống viêm hiệu quả. Ngoài vai trò là gia vị trong bữa ăn Việt, 2 loại thảo dược này còn có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau mà vẫn đem lại hiệu quả như dùng làm trà gừng, mứt gừng, gừng sấy,…
Sử dụng bài thuốc dân gian
Đối với trường hợp tổn thương khớp khuỷu tay nhẹ, người bệnh có thể tham khảo cách dùng các bài thuốc dân gian ngay tại nhà dưới đây:
☛ Bài thuốc 1:
- Thành phần: đỗ đen 100g, gạo lứt 100g, kê huyết đằng 30g, tô mộc 15g.
- Chế biến: rửa sạch đỗ đen và cho vào nồi cùng với 1 lượng nước vừa đủ, đun đến chín rồi cho ra. Sau đó, bạn cho tô mộc và kê huyết đằng vào nồi, đun sôi nhỏ lửa khoảng 40 phút để lấy phần nước lọc bỏ phần bã. Tiếp theo, cho đỗ đen và gạo lứt vào nồi, thêm 1L nước, đun sôi nhỏ lửa cho nhừ thành cháo.
- Cách dùng: thêm muối hoặc đường tùy khẩu vị, dùng ngay khi còn nóng (2 lần/ngày trong 6 ngày liên tiếp).
☛ Bài thuốc 2:
- Thành phần: hoài sơn 40g, ý dĩ 10g, hoàng kỳ 29g, lá lách lợn 1 bộ và hành lá.
- Chế biến: rửa sạch ý dĩ và ngâm nước cho nở. Hoàng kỳ, hoài sơn rửa sạch và để cho ráo nước. Phần lá lách lợn rửa sạch và cắt thành miếng, ngâm với gia vị trong 15 phút. Sau đó, cho tất cả các nguyên liệu vào nồi, thêm nước vừa đủ, đun sôi đến khi hoài sơn nở mềm là được, thêm gia vị vừa ăn.
- Cách dùng: dùng để ăn trong ngày, ăn liên tiếp trong 9 ngày.
☛ Bài thuốc 3:
- Thành phần: gạo lứt 250g, củ từ tươi 100g, hồng táo 10 quả.
- Chế biến: rửa sạch toàn bộ nguyên liệu, gạo lứt vo sạch. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, thêm nước vừa đủ và đun lửa nhỏ đến khi gạo ninh nhừ thành cháo thì tắt bếp.
- Cách dùng: ăn 2 lần mỗi ngày khi cháo còn nóng, dùng trong 6 ngày liên tiếp.
Các biện pháp trên đây chỉ có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhức mỏi khớp khuỷu tay. Nếu người bệnh áp dụng mà không thấy bệnh có xu hướng thuyên giảm thì nên đến thăm khám tại các cơ sở chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Nguồn tham khảo:
- https://suckhoedoisong.vn/dong-y-ho-tro-dieu-tri-viem-khop-khuyu-tay-16954009.htm
- https://suckhoedoisong.vn/dau-khop-khuyu-tay-nguyen-nhan-va-cach-xu-tri-169182251.htm
- https://hellobacsi.com/benh-co-xuong-khop/dau-co-xuong-khop/dau-khuyu-tay/#3967-di%E1%BB%81u-tr%E1%BB%8B
- https://www.versusarthritis.org/about-arthritis/conditions/elbow-pain/
- https://www.emedicinehealth.com/elbow_pain/article_em.htm