Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp mạn tính mà bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải, gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về các triệu chứng thường gặp của hen suyễn để có thể nhận biết bệnh sớm và có những biện pháp điều trị kịp thời.
Mục lục
Tổng quan về hen suyễn
Hen suyễn (hen phế quản) là tình trạng tăng phản ứng của phế quản khi tiếp xúc với các dị nguyên và các kích thích khác nhau, dẫn đến co thắt, phù nề và tăng tiết phế quản gây tắc hẹp đường thở. Sự co thắt của phế quản là không cố định và có thể tự phục hồi hoặc sau khi sử dụng thuốc.
Hen suyễn có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi khác nhau và thường bắt đầu từ khi còn nhỏ. Trong một số trường hợp, nó có thể xuất hiện khi người bệnh đã trưởng thành.
Hen suyễn nếu không được điều trị kịp thời và kiểm soát tốt có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh như nhiễm khuẩn phế quản, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, suy hô hấp, tâm phế mạn, ngừng hô hấp. Vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh, từ đó có biện pháp điều trị, quản lý phù hợp là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho người bệnh.
Triệu chứng của bệnh hen suyễn
Người bị bệnh hen suyễn thường có các biểu hiện dưới đây:
Ho dai dẳng
Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm đẩy các dị vật kích thích đường hô hấp như chất nhày, chất dịch do phổi, phế quản tiết ra hay các dị vật từ môi trường như bụi, nấm mốc, phấn hoa, thức ăn,… ra ngoài.
Ho là đặc điểm chính của bệnh hen suyễn, đặc biệt đối với trẻ em và đôi khi có thể là biểu hiện duy nhất của bệnh. Người bệnh hen suyễn thường bị ho dai dẳng, kéo dài, đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm. Đây cũng là dấu hiệu nặng của cơn hen ban đêm nên bạn cần đặc biệt chú ý đến gặp bác sĩ sớm khi có biểu hiện này.
Tuy nhiên, ngoài hen suyễn, ho có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như viêm họng, viêm phế quản, ho lao gây ra, dẫn đến nhiều người nhầm lẫn và không có các biện pháp điều trị kịp thời, khiến bệnh hen không được kiểm soát tốt.
Khó thở
Khi bạn bị hen suyễn, bạn có thể cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi thở ra. Nguyên nhân là do đường thở bị thu hẹp khi chúng bị viêm, phù nề và co thắt.
Trong một số trường hợp, chất nhầy có thể lấp đầy các đường dẫn khí đang co thắt khiến chúng càng bị thu hẹp hơn. Khó thở cũng khiến bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi dẫn đến việc hít thở càng trở nên khó khăn.
Khò khè
Khò khè là âm thanh rít cao khi không khí lưu thông qua các đường dẫn khí bị thu hẹp. Đây là một trong những triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh hen suyễn. Người bệnh hoàn toàn có thể tự nhận ra tiếng rít này mà không cần bất kỳ công cụ nào hỗ trợ.
Khò khè có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác ngoài hen suyễn. Do đó, nếu bạn gặp phải triệu chứng này, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có những chẩn đoán chính xác hơn.
Đau tức ngực, nặng ngực
Đường hô hấp bị thu hẹp do phù nề, co thắt gây khó khăn cho việc đưa không khí vào cơ thể và có thể gây ra cảm giác đau, tức ngực cho người bệnh. Bạn sẽ cảm thấy như có vật gì đó đè nặng ngực mình hoặc cảm giác lồng ngực như bị bóp chặt.
Hụt hơi
Nếu sau mỗi lần vận động, ngay cả khi vận động nhẹ, bạn phải ngồi xuống và nín thở sau đó mới có thể tiếp tục làm việc khác thì có thể bạn đã bị bệnh hen suyễn.
Khó ngủ
Người bệnh hen suyễn thường bị khó ngủ, giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn, không thể ngủ suốt đêm do những cơn ho hoặc khó thở. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến sức khỏe của bạn suy giảm, cơ thể hoạt động kém hiệu quả hơn.
Cảm thấy mệt mỏi
Tình trạng khó thở, thở khò khè, nhịp thở không đều trong bệnh hen suyễn khiến cơ thể người bệnh không được cung cấp đầy đủ lượng oxy cần thiết cho các cơ quan hoạt động. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi kèm theo các biểu hiện khác như mặt nhợt nhạt, ra mồ hôi.
Đối với một số người, các dấu hiệu và triệu chứng của hen suyễn chỉ xuất hiện trong những tình huống nhất định như hen suyễn do tập thể dục, hen suyễn nghề nghiệp, hen suyễn do dị ứng.
Dấu hiệu cảnh báo cơn hen suyễn cấp tính
Cơn hen phế quản cấp là tình trạng nặng lên của các triệu chứng hen suyễn như khó thở, tức ngực, thở rít hoặc phối hợp các triệu chứng này.
Cơn hen suyễn thường xuất hiện về đêm hoặc sau khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen như hoạt động gắng sức, tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh, hít phải khói bụi, nhiễm virus hô hấp, thay đổi thời tiết,…
Trước mỗi cơn hen suyễn, bạn có thể có những triệu chứng cảnh báo như: Ngứa họng, ngứa mũi, chảy nước mắt, sổ mũi, hắt hơi, ho khan, buồn ngủ,…
Sau những dấu hiệu trên, cơn hen suyễn sẽ xuất hiện với các triệu chứng: Lúc bắt đầu khó thở ra, khò khè, thở rít. Sau đó khó thở tăng dần, có thể khó thở nhiều, người bệnh thường phải ngồi dậy để thở, có thể kèm theo vã mồ hôi, nói khó.
Mỗi cơn hen thường kéo dài trong vòng 5 – 15 phút, đôi khi có thể kéo dài hàng giờ hoặc lâu hơn. Cơn hen suyễn có thể tự hồi phục hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản, cuối cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho, khạc đờm trong, quánh, dính.
Mặc dù cơn hen suyễn có thể hồi phục được nhưng một cơn hen nặng vẫn có khả năng gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần nhận biết được các triệu chứng hen đang trở nên tồi tệ hơn và cách xử trí khi lên cơn hen. Các triệu chứng của một cơn hen nặng bao gồm:
- Khó thở ngày càng tăng và không cải thiện ngay cả khi đã dùng thuốc cắt cơn nhiều lần (trên 4 lần, tương ứng với 8 nhát xịt).
- Nói khó, nói từng từ hoặc ngắt quãng.
- Cảm thấy lo lắng, hoảng sợ, không thể tập trung.
- Tim đập nhanh.
- Nặng ngực.
- Môi hoặc móng tay chuyển thành màu xanh hoặc xám.
- Vùng da ở cổ và sườn bị co kéo, di động theo nhịp thở.
Làm gì khi có dấu hiệu nghi ngờ hen suyễn?
Nếu bạn nghi ngờ và có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh hen suyễn, bạn nên đến các cơ sở y tế sớm để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán bệnh chính xác. Việc chẩn đoán hen suyễn có thể bao gồm các bước sau:
- Khai thác bệnh sử và tiền sử: Bác sĩ sẽ hỏi về các dấu hiệu, triệu chứng của bạn để tìm hiểu xem bệnh hen suyễn hay các vấn đề sức khỏe khác đã gây ra các biểu hiện này.
- Khám lâm sàng: Căn cứ vào các dấu hiệu khi hỏi bệnh, bác sĩ sẽ chẩn đoán sơ bộ và tiến hành thăm khám lâm sàng để có thêm những thông tin giúp chẩn đoán xác định bệnh và chẩn đoán phân biệt với các bệnh hô hấp khác có biểu hiện tương tự.
- Đo chức năng hô hấp: Đây là xét nghiệm nhằm đánh giá hoạt động chức năng của bộ máy hô hấp. Bác sĩ sẽ sử dụng hô hấp ký để chẩn đoán xác định hen phế quản và theo dõi tiến triển của bệnh.
- Đo lưu lượng đỉnh: Đây là phép đo lượng khí tối đa bạn có thể thở ra trong một lần thở. Phép đo này thường được thực hiện tại nhà bằng lưu lượng đỉnh kế nhằm kiểm tra chức năng phổi tại nhà, phát hiện nguyên nhân gây khởi phát bệnh, theo dõi hiệu quả điều trị và cảnh báo cơn hen suyễn cấp tính.
- Chụp X-quang và chụp CT lồng ngực: Nhằm xem phổi bạn có đang gặp vấn đề nào khác hay không.
Ngoài ra, bạn có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm thăm dò khác như: Test kích thích phế quản, test dị ứng, thử nghiệm oxit nitric thở ra.
Người bệnh hen suyễn cần phải làm gì?
Hen suyễn là bệnh mạn tính và hiện chưa có cách điều trị dứt điểm. Điều này có nghĩa là bạn cần liên tục theo dõi và quản lý bệnh hen suyễn của mình trong suốt cuộc đời. Khi được điều trị và chăm sóc thích hợp, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh một cách hiệu quả và không còn triệu chứng.
Sử dụng thuốc điều trị
Khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn, bác sĩ thường chỉ định cho bạn sử dụng một số loại thuốc như:
- Thuốc cắt cơn hen: Thuốc kích thích beta 2 tác dụng ngắn (albuterol, levalbuterol,…), corticosteroid dạng uống hoặc tiêm (prednisone, methylprednisolone,..), thuốc kháng cholinergic (ipratropium).
- Thuốc kiểm soát hen: Corticosteroid dạng hít (flnomasone budesonide,,…), thuốc đối kháng leukotriene (montelukast, zafirlukast,…), thuốc kích thích beta 2 tác dụng kéo dài (salmeterol), theophylin dạng viên giải phóng chậm, thuốc sinh học (omalizumab),…
Khi được chỉ định dùng thuốc, bạn cần dành thời gian tìm hiểu và tham khảo ý kiến bác sĩ về tác dụng và cách dùng đúng của thuốc. Trong quá trình sử dụng, bạn cần tuân thủ đúng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ về loại thuốc, liều thuốc, thời gian và cách sử dụng để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
Nếu bạn dùng thuốc không theo chỉ định và không đúng với sự hướng dẫn của bác sĩ, thuốc có thể bị giảm hoặc mất tác dụng dẫn tới hiệu quả điều trị thấp hoặc bạn có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn của thuốc. Hậu quả là bệnh hen suyễn có thể không được kiểm soát tốt gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Tránh xa tác nhân gây kích thích
Các tác nhân thường gặp gây ra bệnh hen suyễn bao gồm: lông vật nuôi, mạt bụi, phấn hoa, ẩm mốc, khói thuốc, hóa chất, thức ăn… Bạn không thể tránh hoàn toàn các tác nhân này, nhưng cố gắng hạn chế tiếp xúc với chúng là cách phòng ngừa và điều trị bệnh hen suyễn tốt nhất. Bạn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây để giảm tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát cơn hen:
- Dọn dẹp nhà cửa: Thường xuyên lau dọn nhà cửa sạch sẽ, hút bụi bẩn, đặc biệt là trong phòng ngủ của bạn và giặt giũ, thay chăn, ga giường, vỏ gối, đệm thường xuyên.
- Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi: Nếu bạn dị ứng với lông vật nuôi, hãy cố gắng tránh tiếp xúc với chúng. Nếu nhà bạn có nuôi thú cưng, bạn cần tắm rửa, chải lông cho chúng thường xuyên để hạn chế lượng lông trong môi trường xung quanh.
- Duy trì độ ẩm hợp lý: Nếu khí hậu ở địa phương bạn sống quá ẩm ướt, bạn nên dùng máy hút ẩm để duy trì độ ẩm tốt nhất.
- Sử dụng điều hòa: Điều hòa có thể góp phần làm giảm lượng phấn hoa, mạt bụi và độ ẩm trong không gian sống của bạn.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Bạn nên đeo khẩu trang mỗi khi ra đường để hạn chế tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá và các chất độc hại trong không khí.
Thay đổi lối sống
Chăm sóc bản thân cũng giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của bệnh hen suyễn tốt hơn. Bạn có thể tham khảo các biện pháp thay đổi lối sống sau:
☛ Chú ý đến chế độ ăn uống
Tình trạng viêm mạn tính đường thở kéo dài trong bệnh hen suyễn sẽ khiến sức khỏe của bạn ngày càng kém, sức đề kháng giảm. Do đó, việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý vô cùng quan trọng để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng giúp bệnh nhanh hồi phục hơn.
Người bệnh hen phế quản nên lựa chọn thực phẩm giàu các loại vitamin C, A, D, E (cam, quýt, ổi, cà chua, gấc, xoài, bí đỏ, hải sản, sữa, rau có màu xanh thẫm,…) và thực phẩm chứa acid béo omega 3 (các loại cá như cá hồi, cá thu,.., bơ, dầu lạc,..). Các loại thực phẩm này sẽ giúp tăng cường miễn dịch và rất tốt cho sức khỏe hô hấp của người bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh hen suyễn cần tránh xa các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như một số loại hải sản, nhộng ong, tằm, trứng, một số loại hạt như đậu phộng, đậu nành, bột ngọt, các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm. Chúng có thể gây ra triệu chứng hen ở một số người và khiến bệnh diễn biến nặng hơn.
☛ Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức khỏe tim và phổi của bạn, nhờ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Bạn cần lựa chọn những bài tập phù hợp kết hợp với dùng thuốc đều đặn để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
☛ Kiểm soát chứng ợ nóng và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Acid trào ngược gây ợ nóng có thể làm tổn thương đường hô hấp và làm nặng thêm các triệu chứng hen suyễn. Vì vậy, nếu bạn bị ợ nóng, ợ chua thường xuyên hoặc liên tục, bạn nên điều trị chúng trước để cải thiện triệu chứng hen.
Thăm khám sức khỏe thường xuyên
Người bệnh hen suyễn cần thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để tìm hiểu rõ nguyên nhân hen suyễn, đánh giá các yếu tố nguy cơ, mức độ kiểm soát bệnh hen và đáp ứng với phác đồ điều trị. Mức độ của bệnh hen suyễn có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy, việc đánh giá hiệu quả điều trị hiện tại để điều chỉnh phác đồ phù hợp là vô cùng cần thiết trong quá trình điều trị.
Bệnh hen suyễn hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, bạn cần chú ý theo dõi sức khỏe của mình và thăm khám bác sĩ ngay khi có biểu hiện của bệnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người thân một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.webmd.com/asthma/asthma-symptoms
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/asthma/symptoms-causes/syc-20369653
- https://asthma.ca/get-help/diagnosis/how-to-tell-you-have-asthma/