Các bệnh mạn tính như như tiểu đường, huyết áp cao, xơ gan, viêm gan… ngày càng xuất hiện nhiều, biến hóa, đa dạng và phức tạp. Người mắc các bệnh mạn tính này ngoài điều trị tây y còn có thể áp dụng liệu pháp 4T để bệnh ổn định, người khỏe hơn.
Theo bác sĩ Quan Vân Hùng, Trưởng khoa Nội 2, Viện Y dược Dân tộc TP HCM, việc điều trị các chứng bệnh nói trên theo phương pháp y học cổ truyền sẽ có tác dụng toàn diện và hầu như không gây phản ứng phụ. Theo đó, nếu điều trị bằng thuốc (đông và tây y), bệnh nhân hầu như sẽ phải dùng thuốc suốt đời, nguy cơ tái phát cao. Cách tốt nhất là kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống, cách ăn uống.
“Liệu pháp 4T”
Theo bác sĩ Hùng, liệu pháp 4T bao gồm: tinh thần (tạo một cuộc sống tinh thần luôn bình an); thực phẩm – chế độ ăn (quân bình âm – dương); tập vận động, rèn luyện thân thể) và thuốc (đông – tây y). Những bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao, xơ gan, viêm gan… cần được điều trị cả tây y và y học cổ truyền (YHCT) để cải thiện sức khỏe. Những căn bệnh trên mặc dù sẽ khỏi khi điều trị bằng phương pháp tây y nhưng sẽ tái phát nếu ngưng dùng thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải chịu tác dụng phụ của thuốc nhất là khi bệnh nhân dùng tân dược. Bệnh nhân vừa dùng thuốc trị bệnh sẵn có lại phải buộc lòng uống thêm thuốc để trị các bệnh do chính thuốc gây ra, vì vậy số lượng thuốc trên mỗi toa ngày càng nhiều.
Tập vật lý trị liệu tại Viện Y dược học Dân tộc TP HCM
Các bác sĩ dẫn chứng nhiều trường hợp, bệnh nhân bị suy thận, tiểu đường, cao huyết áp… được điều trị bằng tây y khá lâu nhưng khi được hướng dẫn điều trị kết hợp tây y và YHCT thì lượng đường trong máu giảm rõ rệt, huyết áp ổn định.
Bác sĩ Hùng cho rằng: “Cách kết hợp giữa đông và tây y được gọi là liệu pháp điều trị 4T. Thuốc tây y điều trị chủ yếu triệu chứng của các bệnh mạn tính. Trong khi đó, thuốc đông y hay các liệu pháp châm cứu, xoa bóp… điều trị theo biện chứng luận trị, chú ý bồi bổ hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe chống lại bệnh tật”.
Khẳng định vai trò điều trị bệnh lý
YHCT còn đóng góp vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị bệnh ung thư và di chứng tai biến mạch máu não. Theo bác sĩ Quan Vân Hùng, bệnh nhân mắc ung thư sau khi điều trị bằng tây y hiện đại (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… ) rất đuối sức, ói mửa, kém ăn mất ngủ. Đặc biệt, người mắc bệnh mạn tính quá nặng, quá yếu nên sẽ không thể điều trị bằng tây y do không chịu được phản ứng phụ. Nếu can thiệp bằng YHCT thì sức khỏe sẽ cải thiện, kéo dài cuộc sống.
YHCT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong chữa trị và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Tại TP HCM, ngoài hai cơ sở chuyên khoa y học cổ truyền là Viện Y dược học dân tộc và Bệnh viện YHCT, còn có một số bệnh viện đa khoa, bệnh viện quận, huyện, trạm y tế phường, xã cũng thành lập khoa hoặc tổ YHCT.
Theo kế hoạch thực hiện chính sách quốc gia về YHCT đến năm 2010, thì tất cả bệnh viện đa khoa, bệnh viện quận, huyện và trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP HCM phải có khoa hoặc tổ YHCT để điều trị người bệnh. Trên cơ sở đó, Sở Y tế TP HCM đang triển khai lộ trình để các bệnh viện, trạm y tế cùng thực hiện.
Tây Đô