Kinh tế xã hội phát triển, đời sống vật chất của con người được nâng lên rõ rệt, thực phẩm trong dùng bữa thức ăn, nước uống hằng ngày dồi dào số lượng, thừa thãi chất lượng.
Tiêu hóa quá tải dẫn đến rối loạn chuyển hóa là tình trạng ngưng trệ quá trình đồng hóa – dị hoá tại tế bào, trong thể dịch. Nhiều chất lẽ ra phải được đào thảo khỏi tế bào, ngoài cơ thể nhưng bị ứ đọng hậu quả dẫn đến một số bệnh thường gặp như gút (gout), béo phì, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, các thành phần mỡ trong máu vượt quá mức cho phép, xơ vữa động mạch… rồi rơi vào vòng luẩn quẩn: bệnh tim mạch, cao huyết áp, cơn đau thắt ngực, co thắt mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim…
Đối với các bệnh tim mạch thường gặp: triệu chứng ban đầu, khám lâm sàng, nghiệm pháp cận lâm sàng, chẩn đoán và chữa trị không kém phần phức tạp: Cơn đau thắt ngực, dấu hiệu đầu tiên thường đau nhói vùng ngực trái, đau đến mức không dám thở mạnh, cơn đau kéo dài từ 5-7 giây đến vài chục giây đồng hồ làm người đau hốt hoảng, lo lắng; cần đi khám nội khoa tim mạch ngay. Bác sĩ sẽ chỉ định ghi điện tim có chẩn đoán sớm sau vài phút. Nhồi máu cơ tim, đau ngực trái kéo dài xẩy ra nhiều lần, việc đi khám bệnh không nên trì hoãn để có quyết định điều trị đúng, tránh tình trạng đột qụy.
Bệnh tăng huyết áp khá phức tạp, liên quan tổn hại đến nhiều cơ quan nội tạng và ngược lại nhiều cơ quan nội tạng bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến bệnh tăng huyết áp. Trong Y văn nói về bệnh tăng huyết áp nguyên phát và bệnh tăng huyết áp thứ phát đã chỉ rõ điều này. Với bệnh tăng huyết áp cần coi trọng phòng bệnh từ đầu. Khi đo huyết áp phát hiện chỉ số áp lực máu lên thành động mạch bằng hoặc trên 135/85mm Hg, cần được theo dõi, chữa trị. Nếu không phòng tốt từ đầu, bệnh tăng huyết áp sẽ không bao giờ thuyên giảm, thanh toán được. Người bệnh tăng huyết áp không được kiểm soát, hậu quả thường gặp là liệt nửa người. Theo một số nhà y học, mức độ huyết áp lí tưởng ở độ tuổi trưởng thành giữ mức ổn định 120/80 mm Hg. Phòng bệnh khi chưa có dấu hiệu vượt quá chỉ số huyết áp bình thường đòi hỏi chúng ta thực hiện một số yêu cầu: Tránh béo phì. Người béo tích luỹ mỡ dưới da và các phủ tạng “Thắt lưng càng dài, cuộc đời càng ngắn”, cân nặng quá mức. Tốt nhất tự điều chỉnh chế độ ăn uống, dinh dưỡng. Không ăn uống quá no. tăng hoạt động thể lực, vận động, đi bộ, thể dục thể thao. Thay đổi, hạn chế lượng muối ăn NaCl trong khẩu phần bữa ăn hằng ngày. Ít uống hoặc uống có điều độ bia rượu, không nên hút thuốc lá cho dù trong hoàn cảnh nào. Tạo nếp sống sinh hoạt thoải mái vui vẻ. Ít nằm, ngủ vừa đủ. Tìm việc để làm, vận động chân tay, hoạt động trí óc tuỳ hoàn cảnh thực tế của mỗi người.
Bệnh tim mạch ở người lớn tuổi và người già diễn biến khá phức tạp; phát hiện sớm, phòng bệnh tốt, chữa trị kịp thời hiệu quả khả quan sẽ góp phần nâng cao tuổi thọ, hạnh phúc gia đình. Thực hiện sống vui, sống khỏe, sống có ích.