Hỏi: Con tôi hơn 3 tuổi, mỗi khi sốt cao cháu thường bị co giật làm cho tôi và mọi người trong nhà rất lo lắng. Xin hỏi phải làm gì khi cháu bị co giật và phòng tránh thế nào?
Hỏi: Bé nhà tôi năm nay hơn 3 tuổi, bé hay bị sốt và mỗi khi sốt bé thường bị co giật làm gia đình tôi rất lo lắng. Vậy BS cho tôi hỏi tôi phải làm gì khi bé bị sốt cao co giật, xử lý và phòng tránh như thế nào? Cảm ơn BS!
Hoàng Măng (HY)
Trả lời:
Chào bạn! Sốt là tình trạng bệnh lý bé hay mắc phải khi Nhiễm trùng, cảm nắng, mặc quá nhiều quần áo gây nóng, tiêm chủng, mọc răng.. Tuy nhiên khi trẻ bị sốt cao dẫn đến co giật nếu không khống chế được, cơn co giật sẽ khiến não của trẻ thiếu ôxy, làm suy giảm trí tuệ và có thể lên cơn động kinh.
Tại sao trẻ bị sốt cao co giật?
– Tình trạng co giật là do rối loạn ý thức, vận động, cảm giác, thần kinh thực vật do luồng điện sinh học đột ngột, quá mức có tính nhất thời của một số tế bào thần kinh. Co giật do sốt xảy ra khi sốt do một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Có thể là cơn co giật toàn thân hay cục bộ, kéo dài dưới 5 phút tần suất 1 cơn/ngày nếu sốt giật đơn thuần hoặc có khi trên 15 phút, trên 2 cơn/ngày khi sốt giật phức tạp.
Nhận biết cơn co giật do sốt cao
Trẻ bị sốt cao co giật thường gặp ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi. Khi bé bị sốt trên 39 o C thường bị xuất hiện cơn co giật và cơn co giật này mất đi khi hạ thân nhiệt xuống dưới 39 o C.
Khi bị sốt co giật, trẻ thường bị kiểu co giật lan toả toàn thân. Mỗi cơn co giật thường kéo dài không quá 10 phút. Sau cơn co giật bé thường ngủ và khi bị đánh thức dậy bé tỉnh táo, không mê man.
Xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật
- Hãy cho trẻ nằm yên, tránh mọi kích thích như gọi, hỏi, tiếng động…
- Dùng vật mềm như khăn đặt giữa hai hàm răng để trẻ không cắn vào lưỡi. ( Tuyệt đối không dùng vật cứng ngáng miệng trẻ để tránh gẫy răng, không giữ chặt trẻ lại để tránh gẫy xương.)
- Dùng khăn ướt lau khắp người và đắp lên trán để hạ nhiệt.
- Đặt đầu trẻ nghiêng sang phải, nới lỏng quần áo để trẻ dễ thở.
- Hạn chế số người quanh trẻ, mở thông thoáng cửa sổ và cửa ra vào.
- Dùng khăn nhúng vào nước ấm lau người trẻ nhiều lần, nhất là vùng nách và bẹn để hạ bớt thân nhiệt.
- Đếm mạch, nhịp thở xem bao nhiêu lần một phút.
- Nếu sốt cao trên 38 độ, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol 15mg/kg cân nặng, uống (nếu trẻ lớn và tỉnh táo) hay đặt hậu môn với trẻ nhỏ, dùng nhắc lại sau 5-6 giờ.
- Chuyển trẻ đến bệnh viện để khám tìm nguyên nhân gây sốt để điều trị.
- Phòng tránh co giật bằng cách dùng thuốc hạ sốt ngay khi trẻ mới bắt đầu sốt và trong những ngày sốt.