Trẻ mệt mỏi, sốt cao trên 37 độ, chán ăn, quấy khóc là các dấu hiệu khi trẻ bị sốt. Trẻ bị sốt có thể do mọc răng, nhiễm virus cúm, cảm nắng, tiêm phòng..Mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân để chăm sóc trẻ đề phòng trẻ bị sốt cao co giật.
Dấu hiệu trẻ bị sốt và cách xử trí?
- Người bé trở nên nóng hơn rất nhiều.
- Trẻ quấy khóc, hay dễ nổi cáu, không chịu chơi
- Mệt mỏi
- Thở gấp
- Giấc ngủ lơ mơ.
Khi bé có những biểu hiện như trên, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng đo nhiệt độ cho trẻ. Khi cặp nhiệt độ thì nhiệt độ thân nhiệt cao trên 38,5o C mẹ cần hạ sốt cho trẻ. Có thể dùng nước ấm để lau cho trẻ nhưng cũng có thể làm trẻ run hoặc giật mình hoảng hốt. Vì vậy cũng không nên lau nước ấm toàn thân cho trẻ khi trẻ bị sốt mà chỉ cần lau ở một vài nơi như trán, nách… Việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ vẫn có nhiều quan điểm trái ngược nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nên bắt đầu dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ đo được ở nách trên 38,5oC. Thuốc hạ sốt thường được sử dụng là paracetamol với liều dùng theo chỉ dẫn và không quá 6 lần/24 giờ
Khi trẻ bị sốt thường mất nhiều nước (qua đường mồ hôi, hô hấp…) vì vậy điều quan trọng là phải động viên khuyến khích cho trẻ uống đủ nước, không cho trẻ ăn kiêng khi ốm. Một điều còn quan trọng hơn cả việc cố gắng tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ thậm chí hơn cả thuốc hạ sốt là việc phải theo dõi chặt chẽ tình trạng sốt, cho trẻ nghỉ ngơi và cặp nhiệt độ thường xuyên.
Khi bé sốt vừa – dưới 39oC:
- Hãy cởi bớt quần áo, cho bé mặc đồ mỏng và rộng để dễ thoát nhiệt.
- Cho bé nằm ở nơi thoáng mát, giảm nhiệt trong phòng.
- Cho bé uống nhiều nước.
- Cho bé dùng thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất Paracetamol. Hiện nay, có nhiều thuốc hạ sốt được đặc chế dạng siro để bé dễ uống và hấp thu. Các loại này cũng có xilanh bơm thuốc chuyên dụng tính theo cân nặng của trẻ. Với các chai dạng hỗn dịch thế này, cha mẹ cần bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp, và để ngoài tầm với của bé.
- Lau mát cho trẻ bằng nước ấm.
Khi trẻ bị sốt cao hay sốt rất cao – trên 39oC:
- Sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như trên để hạ sốt tạm thời và nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế.
- Khi bị sốt, nước và muối bị mất thông qua việc toát mồ hôi của bé. Năng lượng và các Vitamin tan trong nước cũng bị hao hụt.
- Bạn hãy bù lại cho bé bằng cách cho uống nhiều nước, các loại nước ép trái cây giàu chất dinh dưỡng, hay uống các loại thuốc bổ đa sinh tố, trong đó cần nhất là Vitamin C và Vitamin nhóm B.
- Trong thời gian sốt, bé thường bỏ ăn. Bạn nên cố gắng cho trẻ bú và ăn nhiều lần trong ngày để tránh mất nước và sụt cân.
Cần đưa trẻ đi khám tại bệnh viện, nếu:
Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ phải hiểu, để theo dõi và nhận biết được khi nào đưa trẻ đi khám… Trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế khi có ít nhất một trong số các dấu hiệu dưới đây:
Không uống được hoặc bỏ bú;
- Trẻ bị nôn tất cả mọi thứ;
- Có dấu hiệu co giật;
- Trẻ buồn ngủ một cách khác thường hoặc li bì;
- Trẻ bị khó thở;
- Nổi ban bất thường trên người;
- Đau đầu nhiều;
- Trẻ có bị sốt sau khi đến vùng có sốt rét, sốt xuất huyết…
Điều này có ý nghĩa trong việc sớm có chẩn đoán tìm căn nguyên gây sốt đồng thời có các can thiệp điều trị kịp thời.
ThS. Nguyễn Thanh Lâm