Phụ nữ có thai bị viêm mũi dị ứng thường được khuyên chỉ nên nhỏ nước muối sinh lý. Tuy nhiên, trong trường hợp quá khó chịu, họ vẫn có thể dùng các thuốc chống dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ. Bạn có thể yên tâm là bản thân bệnh viêm mũi dị ứng không gây ra dị tật cho thai nhi, nhưng bạn cần giữ gìn sức khoẻ để không bị cúm (bệnh cúm mới chính là nguyên nhân gây ra dị tật cho thai nhi!
Viêm mũi dị ứng cấp xuất hiện với các triệu chứng chảy nước mũi, hắt hơi, ngạt mũi. Các dấu hiệu này thường nặng lên vào buổi sáng sớm hoặc khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích như mùi thơm, không khí lạnh, khói, bụi. Nếu không được xử trí, viêm mũi dị ứng có thể ảnh hưởng khá nhều đến sinh hoạt của người bệnh.
Việc dùng nước muối 0,9% để rửa mũi thường xuyên có thể giảm triệu chứng của viêm mũi dị ứng trong một số trường hợp, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn triệu chứng. Có khá nhiều loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng sử dụng được cho phụ nữ có thai mà không gây hại cho em bé.
Ở liều điều trị, một số thuốc kháng histamin như chlorpheniramin, diphehydramin, loratadin và cetirizin đã được khẳng định tính an toàn với thai nghén. Chúng có thể giúp giảm rõ rệt các triệu chứng ngứa mũi, chảy nước mũi và hắt hơi.
Các thuốc glucocorticoid xịt mũi như budesonid, beclomethason, fluticason có hiệu quả trong kiểm soát viêm mũi dị ứng và không gây ra bất cứ tác hại nào cho thai nhi. Thuốc chỉ phát huy tối đa tác dụng sau 3-5 ngày.
Nếu ngạt mũi kéo dài, thai phụ có thể nhỏ mũi bằng dung dịch ephedrin 1% để giúp giảm bớt triệu chứng này. Tránh sử dụng các thuốc chữa ngạt mũi chứa pseudoephedrin vì chất này có thể gây dị dạng thai nhi.
Ngay cả với các thuốc được coi là an toàn, nếu muốn sử dụng, thai phụ vẫn cần được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn cụ thể về liều lượng và thời gian cho mỗi đợt điều trị. Bạn cần đi khám để được tư vấn điều trị một cách tốt nhất.
(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo – không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)
Chúc bạn sức khoẻ
Theo VnMedia