Bệnh cảm cúm là bệnh do siêu vi gây ra, rất dễ lây lan, nhất là đối với phụ nữ đang mang thai vì lúc ấy sức đề kháng giảm. Bà bầu cần hết sức cẩn thận khi bị cúm.
Bà bầu nên cẩn thận khi bị cảm cúm
Trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của bà mẹ suy giảm trầm trọng, rất nhiều yếu tố trong cơ thể người phụ nữ bị biến đổi đưa đến nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe. Do hệ miễn dịch suy giảm nên các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn là nguy cơ hàng đầu đối với phụ nữ mang thai. Đặc biệt trong những tháng đầu của thai kỳ nếu bà mẹ bị mắc bệnh do virus, vi khuẩn thì sẽ có thể ảnh hưởng đến thai nhi vì các virus, vi khuẩn này sẽ có thể đi qua nhau thai vào máu và gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Một trong những bệnh thai phụ hay mắc phải là bệnh cúm với lý do là sự suy giảm miễn dịch. Chưa kể đối với các phụ nữ vốn hay bị dị ứng hoặc có sẵn cơ địa nhạy cảm, chỉ cần sơ ý, chủ quan trong mùa lạnh hoặc mùa có dịch thì cũng dễ bị nhiễm bệnh cúm.
Các thai phụ mắc bệnh cúm thường bệnh kéo dài hơn trường hợp của các bệnh nhân bình thường khác. Trung bình một trường hợp bệnh cúm có thể kéo dài cả tuần nhưng với các chị đang mang thai có thể lâu hơn nhiều. Một nguy cơ khác từ bệnh cúm là có thể dẫn đến viêm phổi, và viêm phổi ở phụ nữ mang thai cũng nguy hiểm hơn nhiều so với các trường hợp bình thường khác.
Ảnh hưởng đến thai nhi
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, nếu thai phụ bị nhiễm virus cúm thì có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. Bác sĩ Huỳnh Thị Trong, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa An Sinh giải thích:
“Tại vì những tháng đó hình thành em bé, sắp xếp các tổ chức đầu, mặt mũi, chân tay các thứ mà nếu nhiễm siêu vi thì nó có thể làm rối loạn những sắp xếp tổ chức, rối loạn nhiễm sắc thể nên nguy hiểm cho bé.”
Ngoài ra, một số trường hợp bà mẹ mang thai bị cúm có thể làm tăng khả năng sẩy thai, thai chết lưu, hoặc sinh non trong những tháng cuối của thai kỳ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến những dị tật bẩm sinh. Các nhà nghiên cứu cho rằng, não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ trong năm tháng đầu.
Nguyên nhân của hiện tượng này là, các kháng thể cúm của mẹ lọt qua nhau thai và tác động xấu đến hệ miễn dịch còn non nớt của bào thai. Kế đến là sự hiện diện những chất liệu gen của virus cúm.
Xin phép được nhắc lại biểu hiện của bệnh cúm bao gồm: sốt, ho, đau cổ, sổ mũi, nhức đầu, đau cơ, rất yếu và mệt mỏi.
Các triệu chứng này thường sẽ xảy ra từ một đến 4 ngày sau khi bị nhiễm, và rất dễ lây nhiễm. Nói chung bệnh cúm diễn biến nặng hơn so với cảm lạnh thông thường, và các triệu chứng cũng mạnh hơn. Người bị cảm lạnh cũng bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi nhưng không phát triển các vấn đề làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ. Ngoài ra bệnh cúm có thể gây ra biến chứng rất nguy hiểm là viêm phổi.
Trong những tháng hình thành em bé mà nếu nhiễm siêu vi thì nó có thể làm rối loạn những sắp xếp tổ chức, rối loạn nhiễm sắc thể nên nguy hiểm cho bé.
Việc chích ngừa
Các phụ nữ mang thai có nên chích ngừa cúm không? Bác sĩ Huỳnh Thị Trong cho biết:
“Chích ngừa là phải chích trước khi có bầu. Ví dụ chuẩn bị vài tháng nữa sẽ có bầu thì nên chích trước, chứ còn đang có bầu thì không chích ngừa. Không chích ngừa cúm trong thời gian có thai, chỉ có chích ngừa bệnh uốn ván thôi. Chích ngừa cúm, viêm gan siêu vi hay chích ngừa các bệnh khác thì cũng không thể chích trong thời gian đang mang thai.”
Đối với các chị chưa chích ngừa bệnh cúm nhưng đã có mang, thì lời khuyên của bác sĩ Trong để đề phòng căn bệnh này là phải theo dõi và tránh xa các nguồn lây như hạn chế đi đến những chổ công cộng đông người. Tuy nhiên, sau khi đã qua 3 tháng đầu của thai kỳ nếu lỡ nhiễm virus cúm thì ảnh hưởng đối với thai nhi không đáng kể.
Bác sĩ Huỳnh Thị Trong cho biết trường hợp phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu nếu cảm thấy có những triệu chứng của bệnh cúm thì các bác sĩ gia đình chỉ có thể cho thai phụ sử dụng các loại thuốc rất đơn giản. Ví dụ như Vitamin C, hay khuyên nên uống nước cam, hoặc nước chanh mà thôi. Phần việc kế tiếp để theo dõi sức khoẻ của thai phụ sẽ do các bác sĩ sản khoa đảm nhiệm. Bác sĩ Trong nói:
“Mình phải theo dõi kỹ, ví dụ như phải cho sản phụ làm xét nghiệm đo độ mờ da gáy của thai nhi khi tử cung được 12 tuần. Nếu bình thường dưới 2cm, thì cũng có thể tương đối yên tâm nhưng nếu trên 2cm thì phải cẩn thận vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh Down. Rồi làm xét nghiệm PAP A để xác định xem có bị rối loạn nhiễm sắc thể hay không. Ví dụ như dị tật ống thần kinh, hay bệnh Down gì đó.
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu nghi ngờ thai phụ bị nhiễm virus cúm mình phải tìm những rối loạn như vậy. Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng như nguy cơ của bệnh Down thì phải làm tiếp một số xét nghiệm nữa, để nếu tìm thấy đúng chắc chắn mắc bệnh Down hay bị dị tật ống thần kinh thì sẽ khuyên thai phụ nên chấm dứt thai kỳ.”
Tuy nhiên, khi các phụ nữ mang thai lỡ mắc phải bệnh cúm, điều quan trọng nhất là các chị không nên quá lo lắng, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ mà nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng mức. Đặc biệt, không nên tự ý dùng thuốc và chữa theo kiểu “kinh nghiệm dân gian”. Đồng thời, các thai phụ cần năng cao sức đề kháng như ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung Vitamin C, dầu cá, các vitamin nhóm B, v.v…
Ngoài ra, rửa tay sạch là một trong những biện pháp đơn giản để phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của nhiều dịch bệnh, trong đó có cúm. Các chuyên gia dịch tễ học hướng dẫn cách rửa tay như sau: rửa tay bằng xà phòng, kỳ cọ kỹ trong 20 giây dưới vòi nước, sau đó mới lau khô hoặc hơ khô tay.
Bên cạnh loại bệnh cúm kể trên, thai phụ còn có thể nhiễm một loại virus có triệu chứng khá giống như bệnh cúm nên dễ lầm lẫn với bệnh cảm cúm. Đó là bệnh Rubella. Người bệnh có thể thấy nổi hạch và nổi ban khắp người. Bệnh ban đỏ do Rubella gây ra thường gây mù, điếc cho trẻ sơ sinh. Do ảnh hưởng tai hại trên thai nhi, nên hiện nay đã có thuốc chủng ngừa Rubella cho các bé gái để tạo sự miễn dịch trước khi các em bước vào tuổi có khả năng sinh đẻ.
Vì vậy các bác sĩ thường khuyên các phụ nữ có thai, nếu mắc bệnh cho dù là với những triệu chứng cảm cúm thông thường, thì các chị cũng nên đến bác sĩ khám bệnh và đi khám thai để được các thầy thuốc chuyên khoa hướng dẫn và chỉ sử dụng thuốc theo ý kiến của bác sĩ.
Ngoài ra, các chị cũng nên lưu ý lắng nghe cơ thể và chú ý tới cảm giác của mình để có thể phát hiện sớm những bất thường của sức khoẻ trong mùa dịch bệnh. Ngõ hầu có hướng điều trị kịp thời, nhưng việc phòng bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Theo sống khỏe