Cảm cúm tuy là một bệnh thường gặp với những biểu hiện giống với cảm lạnh, song dưới đây có thể là những điều bổ ích mà bạn nên biết thêm về căn bệnh khá phổ biến này.
Cảm cúm là gì?
Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm hô hấp cấp, do nhiều loại vi rút cúm gây ra và không như bệnh cảm lạnh thông thường, các triệu chứng của bệnh cảm cúm thường đến một cách đột ngột. Những biểu hiện đầu tiên, dễ nhận thấy của cảm cúm là sốt cao, đau đầu, cơ thể mệt mỏi và đau nhức. Nhìn chung, các biểu hiện chung của bệnh cảm cúm là:
- Sốt (thường là sốt cao)
- Đau nhức ở các khớp, cơ và vùng quanh mắt
- Mệt mỏi toàn thân
- Da nóng và ửng đỏ, chảy nước mắt
- Đau đầu
- Ho khan
- Đau họng và sổ mũi
Các biểu hiện cúm ở trẻ em
Các triệu chứng cảm cúm thường gặp ở trẻ là sốt cao (khoảng 40oC), đau đầu, đau họng, ho khan, các cơ đau nhức, trẻ cảm thấy lạnh và mệt mỏi. Các triệu chứng này thường kéo dài trong 3 – 4 ngày song trẻ có thể vẫn tiếp tục ho và mệt mỏi trong hai tuần sau khi đã khỏi cúm. Có thể, bố mẹ, anh chị hay những người hay ở gần trẻ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi.
Các biểu hiện cúm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (mới chập chững đi): Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng cúm tương tự như triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác như bệnh bạch hầu thanh quản (bệnh gây khó thở và ho), bệnh viêm phế quản, bệnh viêm phổi. Cụ thể là đau bụng, co giật, tiêu chảy là những triệu chứng cảm cúm thường gặp ở trẻ sơ sinh, trong đó sốt cao thường là triệu chứng rõ ràng nhất.
Đối với trẻ sơ sinh, các triệu chứng cảm cúm thường không rõ ràng và thường được xem như là nhiễm khuẩn. Cảm cúm ở trẻ dưới 6 tháng tuổi thường ít gặp song nếu có thường xuất hiện các triệu chứng như ngủ lịm, bú ít, tuần hoàn kém.
Do trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cảm cúm nên trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi cần được đi tiêm phòng cảm cúm hằng năm vào mùa thu hoặc mùa đông.
Các biến chứng của bệnh cúm
Theo các chuyên gia y tế, các biến chứng có thể của bệnh cúm là viêm phổi do vi khuẩn, viêm tai, nhiễm trùng xoang, cơ thể bị mất nước.
Ngoài ra, bệnh cảm còn là nguyên nhân làm cho các bệnh mãn tính như bệnh suy tim sung huyết, bệnh suyễn và bệnh tiêu chảy càng nghiêm trọng hơn
Ăn gì để phòng chống cảm cúm
Biện pháp phòng chống cảm cúm dễ dàng mà lại cho hiệu quả cao chính là đi qua chiếc dạ dày…
1. Rau xanh và trái cây mỗi bữa ăn
Các chất chống ôxy hoá có nhiều trong rau xanh và hoa quả giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do và tăng sức đề kháng trước sự tấn công của virus.
Vì thế, hãy đảm bảo ít nhất 5 loại rau xanh và trái cây với các màu sắc đa dạng trong thực đơn mỗi ngày để ngăn chặn sự “hỏi thăm” của các bệnh đường hô hấp.
2. Nêm thêm tỏi, hành
Thêm nhiều hành và tỏi trong các món ăn vào mùa đông có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể trước các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi. Hơn thế, hành và tỏi còn ngăn ngừa ung thư hiệu quả
3. Thân thiện với hải sản
Với nguồn Omega-3 dồi dào, hải sản mang đến cho cơ thể rất nhiều kẽm – một chất chống ôxy hoá kích thích hoạt động của hệ miễn dịch.
Những nguồn kẽm khác có thể tìm thấy trong thịt gà, mầm lúa mì, các cây họ đậu…
4. Tận hưởng cá và các nguồn Omega-3
Chất béo bão hoà, nhất là Omega-3 rất cần thiết cho cơ thể nhờ khả năng cải thiện hệ miễn dịch.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn cá (hoặc hải sản) 3 lần mỗi tuần, nên sử dụng dầu thực vật (dầu ôliu, dầu hạt cải, dầu hạt lanh…) với liều lượng hợp lý trong bữa cơm gia đình. Bên cạnh đó, có thể nhâm nhi thêm các loại hạt như hạt hướng dương, hạt vừng, hạt điều và hạt lanh.
5. Cung cấp đủ protein
Nếu thiếu hụt protein, hệ miễn dịch sẽ hoạt động kém hiệu quả do các tế bào (nhất là tế bào máu trắng giúp cải thiện hệ miễn dịch) không được nuôi dưỡng tốt.
Trứng, cá và thịt là những nguồn cung cấp protein chính cho cơ thể của chúng ta. Tuy nhiên, ta không ăn vô độ những thực phẩm này. Tốt hết hãy lựa chọn thịt gia cầm thay cho thịt đỏ. Và đừng quên rằng quá nhiều đạm và chất béo sẽ gây tác dụng ngược, làm cơ thể mệt mỏi và giảm khả năng kháng cự trước các bệnh đường hô hấp đấy!
Vậy, vì sức khỏe của bạn và gia đình, bạn hãy đừng coi thường bệnh cảm tưởng chừng như đơn giản này nhé!
Phan Giang