Theo WHO, hiện trên thế giới có khoảng 1,13 tỷ người mắc bệnh cao huyết áp, trong đó phần lớn là người cao tuổi. Cao huyết áp ở người cao tuổi có thể dẫn đến rất nhiều những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là gây tử vong. Vì vậy, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về bệnh cao huyết áp ở người già trong bài viết này.
Mục lục
Bệnh cao huyết áp ở người già là gì?
Huyết áp là áp lực mà dòng máu tác động lên thành động mạch khi di chuyển từ tim đến các mô trong cơ thể. 2 yếu tố trực tiếp tạo ra huyết áp ở người già là lực co bóp cơ tim và sức cản của động mạch. Đối với người cao tuổi, bệnh nhân được xác định mắc bệnh cao huyết áp khi chỉ số huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg và huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHg.
Theo điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm STEPS 2015 được thực hiện bởi Bộ Y Tế và tổ chức Y tế thế giới WHO (1), nước ta có tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành là 47,3%. Trong số đó, tỷ lệ cao huyết áp ở người trên 60 tuổi là 60% và người trên 80 tuổi là 80%. Các tỷ lệ này đều có xu hướng gia tăng do lối sống đô thị hiện nay.
Cơ chế tăng huyết áp ở người già
Tăng huyết áp nguyên phát
Tăng huyết áp nguyên phát thường có cơ chế vô cùng phức tạp với sự có mặt của nhiều yếu tố khác nhau. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, ta đã có thể xác định 4 cơ chế gây tăng huyết áp gồm:
– Hệ thần kinh: Hệ thần kinh giao cảm tăng cường hoạt động làm tăng hoạt động của cơ tim, từ đó dẫn đến tăng cung lượng tim. Thêm vào đó, việc tăng sức cản ngoại vi do các động mạch ngoại vi và động mạch thận co thắt dẫn đến tăng huyết áp.
– Nồng độ muối trong huyết tương: Sự có mặt của muối trong huyết tương kích thích tiểu cầu thận tiết Renin. Đây là một Enzym có nhiệm vụ duy trì áp lực lọc ở tiểu cầu thận, giúp điều hòa huyết áp của cơ thể. Angiotensin II là một chất kích thích vỏ thượng thận tăng giữ muối, nước dẫn đến tăng thể tích các dịch lưu hành, gây tăng áp lực lên thành động mạch. Angiotensin II là sản phẩm chuyển hóa từ Angiotensin với sự xúc tác của enzym Renin.
– Nồng độ Natri cơ thể hấp thụ: Lượng muối Natri đi vào cơ thể gây tăng khả năng lọc cầu thận và tăng hấp thu nước. Điều này khiến tăng thể tích máu gây tăng áp lực lên thành mạch. Natri qua màng tế bào theo cơ chế thẩm thấu sẽ khiến tăng cường co mạch, gây tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp.
– Lượng Prostaglandin E2 và Kallikrein ở thận: Prostaglandin E2 và Kallikrein là 2 chất ở thận có nhiệm vụ làm giãn mạch và điều hoà huyết áp. Khi thận bị tổn thương hoặc suy giảm các chức năng sẽ gây thiếu hụt Prostaglandin E2 và Kallikrein dẫn tới cao huyết áp .
Tăng huyết áp thứ phát
Tăng huyết áp thứ phát rất hiếm gặp nhưng có thể xác định rõ nguyên do. Chỉ có khoảng 5% người cao huyết áp là bệnh nhân cao huyết áp thứ phát.
- Do mắc bệnh xơ vữa động mạch khiến tăng sức cản ngoại vi.
- Thiếu máu thận làm tăng tiết renin.
- Các bệnh nội tiết như hội chứng Conn, hội chứng Cushing, u tủy thượng thận là những nguyên do gây tăng huyết áp.
Tăng huyết áp ở người già có gì khác?
Cơ chế của bệnh tăng huyết áp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và các yếu tố này thay đổi khác nhau tùy theo độ tuổi. Cao huyết áp ở người già thường có một số khuynh hướng khác biệt, các khuynh hướng này bao gồm:
– Tăng độ nhạy với muối Natri: Tăng huyết áp động mạch thường đi kèm với việc tăng cường lượng muối đi vào cơ thể. Trong điều trị tăng huyết áp, đối với người cao tuổi, việc khống chế lượng muối Natri sử dụng hàng ngày và dùng các thuốc thuộc nhóm lợi tiểu sẽ mang đến hiệu quả tốt hơn trong việc kiểm soát huyết áp so với người trẻ tuổi.
– Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là tình trạng huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 90 mmHg. Đây là tình chủ yếu gặp ở người cao tuổi. Từ 60 tuổi trở đi, do độ cứng thành mạch tăng dần nên đa số người cao tuổi có huyết áp tâm thu tăng dần, trong khi huyết áp tâm trương giữ nguyên hoặc giảm xuống. Theo kết quả nghiên cứu từ US National Health and Nutrition Examination Survey III (US NHANES 1988-1991) (2), có đến 65% bệnh nhân trên 60 tuổi mắc tăng huyết áp tâm thu đơn độc.
– Rối loạn chức năng nội mô: Rối loạn chức năng nội mô gây giảm khả năng giãn thành mạch dẫn đến tăng huyết áp. Nguyên nhân của rối loạn chức năng nội mô có nguyên do từ các gốc oxy tự do trong thành động mạch. Việc tích lũy và tăng các gốc oxy này bắt nguồn từ những yếu tố nguy cơ tim mạch có liên quan đến độ tuổi như suy thận, xơ vữa động mạch, đái tháo đường.
Các triệu chứng cao huyết áp ở người già
Thông thường, không có một dấu hiệu cụ thể nào cho thấy người cao tuổi đang mắc bệnh cao huyết áp. Rất nhiều người đã mắc bệnh cao huyết áp trong nhiều năm ròng mà bản thân họ lẫn con cháu đều không biết. Cao huyết áp ở người cao tuổi chỉ có thể phát hiện sau khi bệnh nhân đi khám hoặc tệ hơn là khi bệnh đã phát triển những biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Chính vì lí do đó, cao huyết áp còn được xem như là một “kẻ giết người thầm lặng”. Để phát hiện bệnh sớm và phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm, không có biện pháp nào tốt hơn là thường xuyên thực hiện kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi.
Tùy theo sức khỏe và độ tuổi của bệnh nhân, các triệu chứng gặp phải có thể khác nhau. Một số triệu chứng cao huyết áp ở người già thường gặp là:
- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai.
- Mất ngủ.
- Đỏ mặt, khó thở, tức ngực, hồi hộp.
- Buồn nôn, nôn.
Các triệu chứng trên có thể thi thoảng lặp lại hoặc xuất hiện thường xuyên theo chu kỳ.
Cao huyết áp ở người già có nguy hiểm không?
Cao huyết áp nếu như được hỗ trợ điều trị, theo dõi và kiểm soát chặt chẽ sẽ ít gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cao huyết áp ở người già là một căn bệnh rất khó phát hiện. Bệnh nhân có thể mắc cao huyết áp trong nhiều năm liền và đến khi phát hiện ra, bệnh đã để lại những biến chứng nghiêm trọng.
Đặc biệt, người cao tuổi là những người có sức đề kháng kém, các chức năng cơ thể suy giảm. Vậy nên những biến chứng của cao huyết áp là vô cùng nguy hiểm đối với họ, thậm chí khả năng dẫn đến tử vong rất cao. Một số biến chứng mà bệnh cao huyết áp có thể gây ra cho người cao tuổi là:
– Suy tim: áp lực máu cao khiến tim phải co bóp mạnh hơn bình thường để có thể đẩy máu tới các cơ quan đích. Khi tim bị buộc phải hoạt động mạnh trong thời gian dài sẽ dẫn tới suy tim.
– Tổn thương động mạch vành: thành mạch phải chịu một áp lực lớn trong thời gian dài sẽ trở nên mỏng manh và dễ bị tổn thương. Cao huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh xơ vữa động mạch hay xơ cứng mạch máu.
– Đột quỵ: đây là một biến chứng vô cùng nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong hoặc những hiệu quả nặng nề khác như liệt nửa người hoặc liệt toàn thân… Nguyên nhân gây đột quỵ là động mạch bị vỡ do không chịu được áp lực lớn, gây nhồi máu hoặc xuất huyết não.
Người già bị cao huyết áp nên làm gì?
Thay đổi lối sống, sinh hoạt phù hợp
- Tập thể dục điều độ và thường xuyên để duy trì sức khỏe tốt, nâng cao đề kháng.
- Ngủ đủ giấc: người cao tuổi nên ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, tránh các gián đoạn giữa giấc ngủ.
- Tránh thừa cân, béo phì: thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây cao huyết áp. Vậy nên, người cao tuổi nên duy trì một mức cân nặng phù hợp.
- Chế độ ăn dinh dưỡng và hạn chế lượng muối dung nạp trong mỗi bữa ăn của người cao tuổi.
- Không sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích khác. Vì các chất kích thích là một trong những nguyên do khiến huyết áp tăng cao và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
**Video tham khảo về chế độ ăn uống cho người cao tuổi bị cao huyết áp:
Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp
Với các trường hợp cao huyết áp nặng hơn, cần sử dụng kết hợp một số loại thuốc điều trị và ổn định huyết áp như:
– Thuốc lợi tiểu: giảm thể tích máu bằng cách tăng đào thải chất lỏng trong cơ thể. Người cao tuổi đáp ứng với thuốc lợi tiểu tốt hơn so hơn người trẻ tuổi.
– Thuốc giãn mạch: kích thích tăng độ giãn của thành mạch giúp giảm áp lực máu.
– Thuốc ức chế men chuyển ACE: có tác dụng ức chế men ACE làm giảm quá trình chuyển hóa angiotensin thành angiotensin II. Sự thiếu vắng angiotensin II giúp thận giảm giữ muối, nước gây giảm thể tích máu từ đó giúp hạ huyết áp.
– Thuốc chẹn Beta: Giảm cường độ co bóp cơ tim, làm giảm huyết áp và nhịp tim.
Điều trị cao huyết áp trong trường hợp cấp cứu
Cơn tăng huyết áp xuất hiện khi huyết áp tâm thu lớn hơn 180mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 120mmHg. Đây là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thường gặp ở người cao tuổi mắc cao huyết áp, nó có thể gây ra những tổn thương nặng nề lên cơ quan đích như: tai biến mạch máu não, phù phổi cấp, suy thận cấp, hội chứng mạch vành cấp… và thậm chí, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
Trong trường hợp này, người cao tuổi cần nhanh chóng được nhập viện cấp cứu, sử dụng những loại thuốc hạ huyết áp khẩn cấp như Clevidipine, Fenoldopam, Nicardipine và thở Oxy. Đối với người cao tuổi, huyết áp cần được hạ từ từ và gần như không được phép ngay lập tức đưa về ngưỡng bình thường. Để tránh tái phát cơn tăng huyết áp, người cao tuổi cần được theo dõi huyết áp liên tục trong và sau cơn tăng huyết áp.
Theo dõi huyết áp tại nhà
Với các gia đình có người cao tuổi, việc theo dõi huyết áp tại nhà là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ giúp kiểm soát các chỉ số huyết áp của bệnh nhân mà còn có thể phát hiện sớm bệnh cao huyết áp ở người già. Chính vì vậy, máy đo huyết áp là một thiết bị không thể thiếu ở mỗi hộ gia đình.
Máy đo huyết áp Omron được trang bị những công nghệ tiên tiến giúp đưa ra các chỉ số huyết áp có độ chính xác cao, lưu trữ kết quả đo để theo dõi tiến triển bệnh, đưa ra những cảnh báo cơ bản về tình trạng sức khỏe tim mạch, huyết áp….
Mặc dù có nhiều tính năng hiện đại nhưng máy đo huyết áp Omron lại vô cùng dễ sử dụng. Gần như bất cứ ai, kể cả những người cao tuổi không thành thạo công nghệ, cũng có thể sử dụng thiết bị mà không cần phải có trình độ chuyên môn. Máy đo huyết áp Omron còn sở hữu thêm nhiều ưu điểm như: nhiều mẫu mã, giá thành hợp lý, độ bền cao và thời gian bảo hành lên tới 5 năm.
Đặc biệt, Máy đo huyết áp OMRON có mặt tại hơn 130 quốc gia/ khu vực trên toàn thế giới và là Thương hiệu bán chạy nhất toàn cầu theo “khảo sát toàn diện về thị trường thiết bị gia dụng toàn cầu năm 2022” của Công ty TNHH Fuji Keizai. Đây là một thiết bị chăm sóc sức khỏe không thể thiếu tại mỗi gia đình.
Một trong những dòng máy đo huyết áp hiện đại nhất của Omron là thiết bị HEM-7361T. Máy có những ưu điểm nổi trội so với các dòng máy đo huyết áp khác trên trên thị trường như:
- Vòng bít ° Intelliwrap ™ 360° và đèn hướng dẫn giúp đưa ra những kết quả chính xác dù xuất hiện lỗi sai khi quấn vòng bít.
- Công nghệ IntelliSense – một dạng thuật toán tiên tiến giúp nâng cao độ chính xác của kết quả đo với sai số không lớn hơn 4mmHg.
- Phát hiện nhịp tim bất thường.
- Lưu trữ đến 100 dữ liệu đo trong bộ nhớ.
- Tính năng báo rung tâm nhĩ (AFIB) giúp hạn chế các trường hợp tử vong do đột quỵ và suy tim
- Đặc biệt, máy có khả năng kết nối ứng dụng Omron connected healthcare trên điện thoại thông minh. Điều này giúp đồng bộ các kết quả đo huyết áp với dữ liệu sức khỏe cá nhân trên máy điện thoại của bạn.
Thăm khám theo định kỳ
Người cao tuổi mắc cao huyết áp nên được khám định kỳ thường xuyên để kiểm soát được tình trạng huyết áp, phát hiện sớm những khả năng gây ra biến chứng và loại bỏ nó.
Bài viết trên đây đã cung cấp phần nào những kiến thức cơ bản về căn bệnh cao huyết áp ở người già. Các bạn có thể tham khảo và lựa chọn những phương pháp tốt nhất để phòng tránh và điều trị cao huyết áp cho chính mình hoặc người thân. Xin chúc các bạn độc giả sẽ luôn luôn có một sức khỏe tốt, tránh xa bệnh tật.
Tham khảo:
- https://www.who.int/vietnam/vi/health-topics/cardiovascular-disease/cardiovascular-disease
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11244010/
- https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hypertension
- https://suckhoedoisong.vn/benh-tang-huyet-ap-hieu-dung-de-phong-ngua-tot-hon-n170911.html
- http://benhvien108.vn/mot-so-dieu-can-biet-ve-benh-tang-huyet-ap.htm
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5440310/