Giãn phế quản là một bệnh bẩm sinh hay mắc phải, tổn thương gây giãn thường xuyên không hồi phục của một hay nhiều phế quản lớn, có hủy hoại thành phế quản. Bệnh có thể ảnh hưởng nặng nề đến tim, phổi, gan, thận nên cần phải phát hiện và điều trị sớm mới có thể tránh các biến chứng nặng.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh giãn phế quản do viêm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp tái đi tái lại gây hoại tử thành phế quản, thường xảy ra sau khi mắc các bệnh cúm, sởi, ho gà, phế quản phế viêm. Xơ nang chiếm khoảng 50% trong các nguyên nhân giãn phế quản. Tổn thương xơ quanh phế quản co kéo do lao xơ phổi, lao xơ hang, áp-xe phổi mãn tính. Các hội chứng như Kartagener: giãn phế quản kèm polip mũi và viêm xoang, đảo lộn phủ tạng; hội chứng Mounier-Kuhn: giãn phế quản kèm viêm xương sàng. Chít hẹp phế quản do u, dị vật, phía dưới chỗ chít hẹp dễ bị nhiễm khuẩn đồng thời nội áp lực phế quản tăng gây giãn phế quản. Suy giảm miễn dịch, thiếu hụt alpha1antiprotease do hút thuốc lá, rối loạn thanh thải nhầy lông, các bệnh thấp. Các trường hợp suy giảm miễn dịch có thể dẫn đến giãn phế quản gồm: thiếu hụt toàn thể gamma globulin mắc phải, suy giảm miễn dịch thông thường; thiếu hụt chọn lựa các nhóm IgA, IgM và IgG; suy giảm miễn dịch mắc phải do điều trị độc hại tới gan.
Biểu hiện lâm sàng
Bệnh giãn phế quản không tự khỏi, ngược lại nếu không điều trị, thì các ổ giãn có xu hướng lan rộng. Thỉnh thoảng có những đợt bội nhiễm làm cho bệnh nặng dần lên. Các biến chứng hay gặp là: tâm phế mạn, suy hô hấp mạn, thoái hóa dạng tinh bột ở gan thận, các áp-xe tạng thứ phát ở nhiều nơi như não, gan, trung thất…; bội nhiễm phổi phế quản dịch mủ ứ đọng trong ổ giãn gây viêm phổi, áp-xe hoá; ho ra máu dai dẳng, có khi ho ra máu nặng đe dọa đến tính mạng; viêm phế quản mạn, khí phế thũng.
Phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp phối hợp như: điều trị tốt các bệnh cúm, sởi, ho gà khi còn nhỏ; điều trị tốt các bệnh đường hô hấp trên như: viêm xoang, viêm họng, viêm amidal, điều trị tốt lao phổi như lao sơ nhiễm, lao thâm nhiễm, lao phế quản.
Triệu chứng giãn phế quản gồm ho mạn tính, đờm mủ xuất tiết nhiều, ho ra máu và viêm phổi tái đi tái lại. Sút cân, thiếu máu, yếu sức. Ho, khạc đờm dai dẳng, khạc đờm là chủ yếu, thường khạc đờm vào sáng sớm, số lượng nhiều có thể tới 300ml/24 giờ. Đờm có thể lắng thành 3 lớp từ trên xuống dưới: bọt, nhầy, mủ. Ho ra máu nhiều hoặc ít. Ho ra máu tái diễn không khạc đờm gặp trong giãn phế quản thể khô. Trong giãn phế quản lan toả có thể khó thở. Khám thấy khoảng trên 30% số bệnh nhân có ngón tay dùi trống. Nghe phổi: có ran ẩm, ran nổ ở đáy phổi, một bên hoặc hai bên. Vị trí nghe tương đối cố định. Nếu giãn phế quản lan toả đi kèm bội nhiễm có thể thấy ran rít, ran ngáy nhưng chủ yếu vẫn là ran nổ và ran ẩm. Rối loạn chức năng phổi tắc nghẽn với thiếu ôxy máu gặp trong giãn phế quản trung bình hoặc nặng. Chụp Xquang thấy hình các phế quản dày đặc do xơ quanh phế quản, các ổ tròn sáng nhỏ ở đáy phổi. Có thể có ổ mức khí nước. Thùy phổi có ổ giãn nhỏ lại. Xẹp phổi thùy dưới trái. Chụp phế quản cản quang: bơm thuốc cản quang (lipiodol) vào trong phế quản, rồi chụp là biện pháp chẩn đoán quyết định. Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao có thể chẩn đoán xác định được ổ giãn phế quản. Xét nghiệm máu: trong đợt bùng phát có thể bạch cầu tăng, N tăng, máu lắng tăng. Đo thông khí phổi: có thể thấy rối loạn thông khí tắc nghẽn hoặc hỗn hợp. Cấy vi khuẩn có thể thấy tạp khuẩn.
Chẩn đoán định hướng dựa vào triệu chứng lâm sàng và Xquang phổi chuẩn. Chẩn đoán xác định dựa vào chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao hoặc chụp phế quản cản quang. Bệnh cần chẩn đoán phân biệt với viêm phế quản mạn, lao phổi có hang nhỏ ở thùy dưới, áp-xe phổi.
Điều trị
Điều trị nội khoa gồm dùng kháng sinh; lý liệu pháp lồng ngực hàng ngày với dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực, hít thở các thuốc giãn phế quản. Sử dụng kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ hoặc dùng gentamyxin phối hợp với nhóm cephalosporin, điều trị cho đến khi hết đờm mủ, thường phải dùng từ 2-4 tuần. Soi phế quản cần để lượng định ho ra máu, hút các xuất tiết ứ đọng, loại trừ các tổn thương đường thở tắc nghẽn. Chọn tư thế thích hợp để dẫn lưu đờm kết hợp với vỗ rung cho bệnh nhân ho khạc đờm mủ ra ngoài. Nếu bệnh nhân khó khạc đờm thì cho các thuốc long đờm như: natribenzoat 5%, mucomyst, mucitux, phun mù nước muối ấm, cho uống nhiều nước, cho alpha chymotripsin. Trái lại nếu đờm nhiều loãng, đờm trong không có mủ thì cho giảm tiết bằng atropin hoặc phun atrovent. Có thể dùng các vị thuốc nam như ăn hành, tỏi sống, uống nhiều nước. Điều trị cầm máu nếu ho ra máu. Có khó thở thì cho theophylin, salbutamol, thở ôxy ngắt quãng.
Điều trị ngoại khoa là biện pháp hữu hiệu nhất nếu điều trị nội khoa không hiệu quả. Thường chỉ định trong các trường hợp giãn phế quản khu trú; ho ra máu nặng đe doạ tính mạng, hoặc dai dẳng, chức năng phổi đảm bảo, điều trị bảo tồn thất bại. Phẫu thuật cắt thuỳ hoặc phân thuỳ phổi.
(Theo SKDS)