Giờ đang là thời điểm rất dễ mắc cúm, kể cả người lớn lẫn trẻ em. Vậy nên, từ giờ chị Nhàn sẽ chú ý hơn tới các biện pháp phòng cúm cho con mà chị đã tham khảo được.
Tiết trời mùa xuân dù không quá lạnh nhưng cũng không mấy dễ chịu, nhất là với trẻ em. Thay đổi thời tiết làm con yêu của bạn dễ bị cúm. Tình trạng con sụt sịt, mè nheo và nhõng nhẹo vì khó chịu khi bị cúm cũng làm cho mẹ thấy sốt ruột và lo lắng vô cùng. Cách tốt nhất là hãy bảo vệ con trước dịch cúm sang mùa này.
Thay đổi thời tiết, người lớn còn mệt huống hồ là trẻ con – chị Nhàn cứ tự nhủ mình như vậy khi thấy cô con gái Bibi của mình suốt ngày nhõng nhẹo: “mẹ ơi con mệt”. Chả là mấy hôm nay Bibi có triệu chứng cúm, sổ mũi suốt ngày, thở khò khè và chớm ho. Con bé bình thường ngoan là vậy, thế mà mấy bữa nay cơm không chịu ăn, tivi không thích xem, búp bê cũng không thích chơi. Cả ngày Bibi chỉ muốn được mẹ bế và nằm trên vai mẹ.
Mặc cho mẹ chồng và chồng cằn nhằn, chị Nhàn chẳng dám hé răng lấy nửa lời. Chẳng gì thì lỗi cũng là do chị, mấy hôm trước thời tiết vừa chuyển từ lạnh sang ấm đột ngột, thậm chí có nắng, chị lôi ngay con bé đi chơi suốt ngày, đến chiều trời trở gió, không mang áo phòng bị cho con, báo hại con gái nay sổ mũi và cúm thế này. Hơn nữa, con bé nhà chị lại nhạy cảm với thời tiết, nên trời đổi tí gió là nó có phản ứng ngay được.
Ngẫm lại cũng cũng thấy lỗi phần nhiều ở mình nên chị tự giác xin nghỉ ở nhà chăm con. Ngồi nhìn con bé tiu nghỉu mà lòng chị xót xa. Chị Nhàn cứ trách mình, giá biết quan tâm và đề phòng cho con tốt hơn thì có lẽ con chị đã không bị cúm. Giờ đang là thời điểm rất dễ mắc cúm, kể cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể bị cúm, vậy nên, từ giờ chị Nhàn sẽ chú ý hơn tới các biện pháp phòng cúm cho con mà chị đã tham khảo được trước đó.
Bổ sung vitamin C: Để con yêu có sức đề kháng cao, có thể tránh được bệnh cúm, cha mẹ cần tăng cường mệ miễn dịch cho con bằng cách bổ sung vitamin C hàng ngày. Theo các chuyên gia về sức khỏe, vitamin C còn có tác dụng tuyệt vời trong phòng ngừa các biến chứng của cúm như viêm phổi.
Mẹ có thể bổ sung viatmin C cho con từ cá loại thực phẩm như rau bắp cải, rau bina hoặc một ly nước cam vào buổi sáng là tốt nhất.
Dùng giấy mềm lau mũi: Khi con bị chảy nước mũi, mẹ hãy dùng giấy mềm để chấm mũi cho con. Nếu lau mũi thường xuyên bằng khăn mặt hoặc giấy ăm có thể khiến cho mũi bị đỏ và dễ bị kích thích, vì vậy, hãy dùng loại khăn càng mềm càng tốt. Hoặc mẹ có thể dùng các loại giấy có chất lô hội, có bổ sung vitamin E là tốt nhất. Đối với trẻ sơ sinh bị chảy nước mũi, hãy dùng dụng cụ hút mũi để hút các mũi nhầy ra. Tuy nhiên, sau đó cần nhỏ nước nhỏ mũi dành cho trẻ sơ sinh để mũi con đỡ bị khô.
Cặp nhiệt độ thường xuyên cho con: Hầu hết các bệnh cảm lạnh không gây sốt, nhưng các bà mẹ cần tỉnh táo. Bởi một cơn sốt chớm xuất hiện cũng có thể là dấu hiệu của bệnh cúm. Vì vậy, mẹ cần theo dõi chính xác và liên tục nhiệt độ cơ thể của con. Có thể chọn loại nhiệt kế kẹp vào người hoặc loại chạy bằng pin để dưới lưỡi miễn là phù hợp với con mình.
Riêng đối với trẻ em dưới 3 tháng tuổi, các bác sĩ khuyên các mẹ nên gọi bác sĩ nhi khoa nếu thấy con sốt trên 38 độ và nên đưa con đến bệnh viện nếu con sốt kéo dài hơn hai ngày.
Ngoài ra còn có nhiều điều cha mẹ cần lưu ý để phòng cúm cho con, nhưng trên đây là một số yếu tố thiết thực nhất mà cha mẹ không nên bỏ qua.
Theo Afamily