Trong bối cảnh căn bệnh cao huyết áp đang ngày càng trở nên phổ biến, việc kiểm soát và theo dõi huyết áp tại nhà là thực sự cần thiết. Bài viết dưới đây hướng dẫn cho bạn cách đo huyết áp chính xác nhất với sự trợ giúp của các thiết bị đo huyết áp điện tử.
Mục lục
Lợi ích của việc đo huyết áp thường xuyên
Bằng cách theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà, bạn có thể ghi nhận các chỉ số huyết áp trong môi trường quen thuộc, phát hiện những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Cụ thể, 10 phút đo huyết áp mỗi ngày sẽ đem lại những lợi ích sau đây:
- Giúp phát hiện sớm những bất thường trong chỉ số huyết áp, từ đó kịp thời chẩn đoán bệnh.
- Giúp theo dõi sự biến đổi của huyết áp trong quá trình điều trị.
- Khuyến khích tinh thần trách nhiệm, tạo động lực cải thiện các chỉ số huyết áp.
- Giảm chi phí đến phòng khám theo dõi huyết áp định kỳ.
- Kiểm tra sự chênh lệch giữa chỉ số huyết áp hàng ngày và chỉ số tại phòng khám.
Tại sao cần đo huyết áp đúng?
Bất kỳ hoạt động kiểm tra sức khỏe nào cũng đều cần kết quả chính xác. Việc đo huyết áp đúng giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch hay đột quỵ.
Đo huyết áp sai cách sẽ ảnh hưởng tới độ chính xác của kết quả. Các chỉ số huyết áp thấp hơn thực tế có thể tạo cảm giác an toàn sai về sức khỏe, dẫn đến việc chủ quan không điều trị kịp thời. Ngược lại, kết quả đo huyết áp cao hơn thực tế dễ gây nên những lầm tưởng hoặc sử dụng thuốc sai thời điểm.
Thời điểm nào đo huyết áp tốt nhất?
Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Thời gian đo huyết áp phù hợp của mỗi người là khác nhau. Nói chung, huyết áp thấp nhất khi bạn thức dậy buổi sáng và cao hơn khi bạn thực hiện các hoạt động thể lực hàng ngày.
Thời điểm đo huyết áp phù hợp nên đảm bảo những yêu cầu sau:
- Không bị gián đoạn bởi các hoạt động khác.
- Không nên đo ngay khi thức dậy, sau bữa ăn sáng.
- Có thể tuân thủ theo hàng ngày.
Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.
Cần chuẩn bị gì trước khi đo huyết áp?
Để có kết quả đo huyết áp chính xác, trước khi đo bạn nên chú ý những điều sau:
- Không ăn uống, tránh xa cafein, rượu và thuốc lá trong 30 phút trước khi đo huyết áp.
- Việc tập thể dục hay tình trạng căng thẳng có thể làm tăng huyết áp. Bạn không nên tập thể dục trong ít nhất nửa tiếng trước khi đo huyết áp và nên hạn chế đo khi căng thẳng.
- Tốt nhất bạn nên làm trống bàng quang trước khi đo.
- Tìm nơi yên tĩnh, ngồi lên ghế có tựa lưng, thoải mái, thư giãn 5 phút trước khi đo.
- Hít thở sâu vài lần và đặt vòng bít ngang tầm với tim theo đúng hướng dẫn.
- Không nói chuyện hay cử động người trong khi đo huyết áp.
- Chú ý kiểm tra độ chính xác của thiết bị.
- Để có kết quả chính xác nhất, bạn nên đo huyết áp tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 5 phút. Nếu giá trị giữa 2 lần chênh nhau quá 10mmHg, thì cần đo lại thêm vài lần với thời gian nghỉ lâu hơn. Lấy giá trị trung bình của 2 lần đo cuối làm kết quả.
- Không nên đo huyết áp liên tục trong thời gian ngắn. Thời gian giữa các lần đo tùy thuộc vào nhu cầu cũng như đặc tính sinh lý của từng người.
- Nên đo huyết áp vào một thời điểm cố định trong ngày và có cách lưu lại các kết quả huyết áp để theo dõi và tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng huyết áp của bản thân.
Hướng dẫn cách đo huyết áp đúng
Cách đo huyết áp bắp tay
- Quấn vòng bít vào cánh tay, đảm bảo khoảng cách từ mép vòng bít đến khuỷu tay là khoảng 1 – 2 cm.
- Ngồi đo với tư thế thoải mái, thẳng lưng.
- Gập tay kiểm tra xem vòng bít đã quấn đúng và thoải mái chưa.
- Bật máy, chờ, đọc kết quả.
- Tắt máy.
Lưu ý: Đèn màu xanh sáng biểu thị vòng bít được quấn đúng.
Video hướng dẫn cách đo huyết áp bắp tay:
Cách đo huyết áp cổ tay
- Lồng vòng bít vào cổ tay, giữ khoảng cách 1 ngón tay giữa vòng bít và cổ tay.
- Đặt cổ tay ở vị trí ngang tim.
- Ngồi thoải mái, thẳng lưng.
- Bật máy, chờ, đọc kết quả.
- Tắt máy.
Lưu ý: Tín hiệu OK xuất hiện khi vòng bít không bị quấn lỏng.
Video hướng dẫn cách đo huyết áp cổ tay:
Một số lưu ý quan trọng khi đo huyết áp tại nhà
Tư thế đo huyết áp chuẩn
Các tư thế đo đúng:
- Ngồi ngay ngắn trên ghế có tựa lưng.
- Đặt hai chân trên mặt đất, không bắt chéo chân.
- Tựa cánh tay của bạn với vòng bít lên bàn cao ngang ngực, duỗi thẳng tay.
- Ngoài tư thế ngồi, bạn cũng có thể đo huyết áp ở các tư thế nằm, đứng. Người cao tuổi hoặc bệnh nhân đái tháo đường nên được đo huyết áp ở cả thế đứng để xác định có hay không tình trạng hạ huyết áp tư thế.
Các tư thế đo sai:
- Còng lưng, gập người về phía trước.
- Ngồi vắt chân.
- Ngồi trên ghế quá cao hoặc quá thấp so với bàn.
Cách quấn vòng bít
Cách quấn vòng bít bắp tay:
- Đặt tay (trái) xuyên qua ống vòng bít, mép cuối vòng bít cách phía trên khuỷu tay khoảng 1 – 2 cm.
- Kéo vòng bít để hai mép vòng bít vừa khít quanh tay bạn.
- Khi vòng bít đã đúng vị trí, ấn miếng dính để cố định vòng bít.
- Thư giãn cánh tay và lật ngửa lòng bàn tay lên trên.
- Đảm bảo ống dẫn khí vòng bít không bị xoắn lại hoặc thắt nút.
Yêu cầu khi quấn vòng bít:
- Quấn vòng bít vừa tay, không quá lỏng cũng không quá chặt.
- Đảm bảo phần đáy vòng bít được đặt ngay trên chỗ cong khủy tay (với máy đo huyết áp bắp tay)
- Đặt vòng bít lên da trần, không đè lên quần áo. Bạn có thể xắn tay áo lên (nếu tay áo rộng) hoặc luồn cánh tay ra khỏi ống tay áo.
- Chú ý biểu tượng báo hiệu vòng bít đã quấn đúng trên máy đo huyết áp.
Cách lấy chỉ số
Sau khi đo huyết áp, trên màn hình máy sẽ hiện 3 chỉ số. Chỉ số huyết áp tâm thu thường được ghi trên cùng, ký hiệu SYS. Chỉ số huyết áp tâm trương ghi ngay dưới, ký hiệu DIA. Cuối cùng là chỉ số nhịp tim, ký hiệu PULSE. Trong hình minh họa, kết quả huyết áp là 118/78.
Máy đo huyết áp omron – theo dõi huyết áp chuẩn tại nhà
Omron Healthcare là thương hiệu Nhật Bản đã có nhiều năm kin nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Hãng nổi tiếng với những thiết bị kiểm tra sức khỏe hàng đầu với chất lượng được đánh giá cao bởi Hiệp hội Y khoa quốc tế. Các sản phẩm của Omron đều được ứng dụng cảm biến sinh học thông minh với độ chính xác cao, được phân phối rộng rãi khắp các quốc gia Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và cả Việt Nam.
Máy đo huyết áp tự động là dòng sản phẩm phổ biến nhất của Omron tại Việt Nam. Dòng sản phẩm này đã và đang được lựa chọn sử dụng xuyên suốt trong chương trình phòng chống tăng huyết áp quốc gia. Với ưu điểm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, giá thành phải chăng, đem lại kết quả chính xác, các thiết bị đo huyết áp Omron được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Máy đo huyết áp Omron được trang bị vòng bít 360o và đèn báo hiệu vô cùng tiện lợi cũng như đảm bảo độ chính xác. Với một số sản phẩm thế hệ mới nhất, bạn thậm chí có thể đo huyết áp mọi lúc, mọi nơi, ở mọi tư thế mà không cần lo lắng làm sai lệch kết quả.
Dưới đây là những loại máy đo huyết áp Omron đang được ưa chuộng trên thị trường:
- Máy Đo Huyết Áp Bắp Tay Tự Động HEM-8712
- Máy Đo Huyết Áp Bắp Tay Tự Động Omron HEM-7121
- Máy Đo Huyết Áp Bắp Tay Omron Hem-7120
- Máy Đo Huyết Áp Bắp Tay Tự Động Omron HEM-7156
- Máy đo huyết áp bắp tay Omron JPN600
- Máy Đo Huyết Áp Điện Tử Bắp Tay Smart Elite+ HEM-7600T
Tìm hiểu về các thiết bị đo huyết áp tự động của Omron tại đây!
Việc áp dụng cách đo huyết áp đúng là vô cùng cần thiết để có được kết quả chính xác. Bạn hãy kết hợp việc đo huyết áp đúng cách và theo dõi huyết áp thường xuyên để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu nhé.
Nguồn tham khảo:
1.https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/understanding-blood-pressure-readings/monitoring-your-blood-pressure-at-home
2.https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/hypertension-home-monitoring