Thời tiết đang từ nắng nóng chuyển sang mưa rào hoặc lạnh đột ngột khiến rất nhiều trẻ phải nhập viện vì mắc các bệnh đường hô hấp trong đó có viêm phổi. Viêm phổi là căn bệnh rất dễ mắc ở trẻ em và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Những yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ bị viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng thường gặp, một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Theo kết quả thống kê, những trẻ bị sinh non thiếu tháng, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ sống trong môi trường đông đúc kém vệ sinh, nhiều khói bụi, hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá, những trẻ không được chăm sóc đúng cách có nguy cơ cao bị viêm phổi.
Các tác nhân chính gây viêm phổi ở trẻ em chủ yếu là siêu vi, vi trùng và một số ít trẻ bị viêm phổi sau khi hít sặc thức ăn, dị vật hoặc dầu hôi …
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi
Trẻ bị viêm phổi thường có những dấu hiệu ban đầu như ho và thở nhanh. Dấu hiệu này có thể dễ dàng nhận thấy bằng cách quan sát nhịp di động của lồng ngực hoặc bụng khi trẻ đang ngủ hoặc nằm yên. Nếu có đồng hồ với kim giây, ta co thể để đồng hồ gần bụng hoặc ngực của trẻ để đếm từng nhịp thở trong vòng 1 phút. Trẻ thở nhanh nếu nhiều hơn 40 lần/ phút với trẻ 1-5 tuổi, > 50 lần đối với trẻ 2 tháng đến 1 tuổi, > 60 lần với trẻ 2 tháng tuổi.
Ngoài ra, trẻ bị viêm phổi còn có các biểu hiện khác như khò khè, rên rỉ, co rút lồng ngực.
Cần thăm khám bác sỹ ngay nếu trẻ có các dấu hiệu như bị sốt trên 37,5 độ, hạ thân nhiệt, bú ít, bỏ bú, khó thở, thở nhanh . Khi trẻ có những dấu hiệu như li bì, đáp ứng kém với kích thích, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, chướng bụng, khó thở, rút lõm lồng ngực tím tái là những dấu hiệu bệnh ở thể nặng có thể gây nguy hiểm cho bé.
Chăm sóc khi trẻ bị viêm phổi
Virut cúm, thủy đậu, virut hợp bào hô hấp, virut corona… là những loại virut thường gây viêm phổi cho trẻ. Ở trẻ càng nhỏ thì viêm phổi diễn ra càng nhanh, càng nặng. Các trường hợp viêm đường hô hấp cấp do virut nói chung cần được chẩn đoán và theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế.
Khi được chỉ định chăm sóc tại nhà, các mẹ cần chú ý một số vấn đề sau:
- Cho trẻ ăn uống bình thường, không cần kiêng cữ. Có thể làm thông mũi trước khi cho trẻ ăn, cho bú. Có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi để làm sạch mũi cho bé.
- Cho trẻ uống nước đầy đủ, tránh để thiếu nước do thở nhanh và sốt.
- Tái khám bác sỹ nếu thấy trẻ có cảm giác mệt hơn, thở nhanh, khó thở hoặc co rút lồng ngực, bú kém hoặc không thể uống được.
Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc, đặc biệt là các loại thuốc giảm ho, hạ sốt, kháng sinh vì như vậy sẽ gây lu mờ triệu chứng của bệnh và rất khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị. Khi phát hiện thì phải được nhập viện và cách ly. Chống suy hô hấp, chăm sóc tốt, hạ sốt, cân bằng rối loạn nội môi do sốt, độc tố của virut gây ra.
Trong trường hợp trẻ bị viêm phổi ở mức độ nhẹ, trẻ nên được điều trị tại tuyến y tế ban đầu: nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ (natriclorit 9%o), súc miệng hằng ngày, có thể dùng một số loại kháng sinh nhưng tốt nhất nên dùng đường uống, dạng siro. Khi tình trạng bệnh không cải thiện thì nên chuyển lên tuyến trên.
Khi trẻ viêm phổi nặng: nên nằm điều trị nội trú tại bệnh viện, theo dõi sát diễn biến của bệnh và có biện pháp xử trí kịp thời. Chú ý khi dùng các thuốc kháng virut phải theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp. Sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ như hạ nhiệt dùng paracetamol, chườm mát. Làm thông thoáng đường thở: hút sạch đờm dãi, nằm đầu cao, nới rộng quần áo. Khi trẻ có biểu hiện suy thở thì có thể đặt ống nội khí quản, hô hấp hỗ trợ. Truyền dịch khi trẻ sốt cao kéo dài, biểu hiện mất nước…
Chăm sóc khi trẻ bị bệnh: cần cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất, số lượng vừa phải, tránh trào ngược, vệ sinh sạch sẽ, theo dõi sát tình trạng khó thở, tím tái.
Phòng ngừa bệnh viêm phổi cho trẻ
Để phòng ngừa viêm phổi cho trẻ, các mẹ chú ý giữ nơi ở của trẻ đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, ấm áp về mùa đông, thông thoáng về mùa hè, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, súc miệng hàng ngày cho trẻ. Không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Nhỏ mũi hằng ngày bằng dung dịch natriclorit 9%o. Không nên đưa trẻ đến những nơi đang xảy ra dịch cúm, sốt phát ban, sốt virut. Khi trẻ bị bệnh, không nên cho trẻ đến nhà trẻ, trường học tránh lây lan cho trẻ khác.
Cần phát hiện sớm các biểu hiện sớm của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở… và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân….
Nên tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra còn có một số loại vaccin khác phòng viêm đường hô hấp khác, nhưng khi tiêm cần có sự hướng dẫn và tư vấn của cán bộ y tế nhằm đảm bảo hiệu quả và tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra. Lập sổ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và lưu giữ sổ sau mỗi lần khám nhằm giúp nhân viên y tế nắm được diễn biến sức khỏe, bệnh tật của trẻ mà có hướng điều trị, phòng bệnh tốt.
Omron-yte.com.vn (Tổng hợp)