Thực hiện theo một số hướng dẫn sau sẽ giúp bạn kiểm soát được hiện trạng sức khỏe của mình, theo tạp chí Readers’s Digest dẫn nguồn tin từ các chuyên gia tư vấn.
Ăn uống đầy đủ
Có 4 thứ bạn cần phải theo dõi mỗi ngày để chắc rằng bạn đang sống khỏe: lượng hoa quả và rau củ ăn trong ngày; có vận động hay tập thể dục gì không; có dành ít nhất 15 phút để cười hay tự thư giãn không; và có bổ sung đủ chất xơ từ các loại đậu, ngũ cốc hoặc các thực phẩm giàu chất xơ hay không. Nếu bạn làm tốt 4 khâu này, chắc chắn bạn đang sống khỏe.
Theo dõi giấc ngủ
Có 3 cách để nhận biết bạn ngủ có đủ giấc hay không. Thứ nhất, bạn có cần đồng hồ báo thức để thức dậy hầu như mỗi sáng? Thứ hai, bạn có ngủ gà ngủ gật vào buổi chiều? Thứ ba, bạn có buồn ngủ ngay sau khi ăn tối? Nếu bạn trả lời “có” cho 3 câu hỏi này, bạn cần ngủ thêm. Nếu bạn đã ngủ đủ giấc (8 tiếng/ngày) mà vẫn gặp những rắc rối kể trên, hãy đi gặp bác sĩ.
Kiểm tra lược chải tóc
Nếu tóc bạn rụng nhiều, hãy nhờ bác sĩ kiểm tra hàm lượng ferritin trong máu. Ferritin được xem như là một số chỉ số cho biết cơ thể bạn đang trữ bao nhiêu chất sắt. Một số cuộc nghiên cứu cho thấy, hàm lượng chất sắt thấp có thể dẫn đến rụng tóc.
Đo chiều cao
Nên đo chiều cao hằng năm sau độ tuổi 50. Điều này rất quan trọng đối với phụ nữ vì giúp đánh giá sức khỏe của bộ xương. Thay đổi về vóc dáng có thể giúp cảnh báo có sự thay đổi ở độ đậm đặc chất xương.
Kiểm tra nước tiểu
Nước tiểu của bạn phải trong, có màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu có màu vàng đậm hoặc có mùi nặng, có thể là bạn đã không uống đủ nước. Nếu nước tiểu vẫn có màu đậm mặc dù bạn đã uống nhiều nước, hãy đi gặp bác sĩ. Nếu nước tiểu có màu vàng tươi, đó có thể là do vitamin B khi bạn dùng viên đa sinh tố.
Đo huyết áp
Mỗi sáu tháng, bạn cần kiểm tra huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà. Nếu số trên cùng cao hơn 140 (hoặc 130 nếu bạn mắc bệnh tiểu đường) và số dưới cao hơn 90 (80 đối với bệnh nhân tiểu đường), hãy kiểm tra lần nữa vào ngày hôm sau. Nếu các chỉ số này vẫn còn cao, bạn nên đi gặp bác sĩ.
(Theo afamily)