Thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường khiến nhiều người dễ mắc bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai, khi mang thai, nội tiết thay đổi nên sức đề kháng sẽ giảm, vì vậy dễ mắc các bệnh như cúm, sốt xuất huyết, viêm âm đạo…
những bệnh này đều rất nguy hiểm và có thể để lại những hậu quả khó lường.
Bệnh cúm
Cảm cúm thông thường hay dịch cúm đều do sự truyền nhiễm qua đường hô hấp mà nên. Các biểu hiện của cảm cúm thông thường như nhức đầu, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, ho và đau người v.v… có thể xảy ra ở rất nhiều người.
Vì sức đề kháng kém hơn nên nếu đã bị lây nhiễm cúm, thai phụ sẽ bị nhiễm nặng hơn những người bình thường và cũng kéo dài dai dẳng hơn. Nguyên nhân một phần là do bà bầu không thể dùng các loại thuốc trị cảm cúm để trị dứt điểm bệnh.
Bản thân bệnh cúm không nguy hiểm nhưng vì nó kéo dài hơn những người bình thường nên sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp, gây viêm phổi cho thai phụ. Nhu cầu oxy của các bà bầu cũng lớn hơn nên nếu bị viêm phổi, thì sẽ khá nguy hiểm.
Đối với thai nhi, việc bà bầu bị cảm cúm cũng gây ra những tác động nguy hiểm, nhất là trong những tháng đầu thai kỳ.
Nguyên nhân gây bệnh:
Dịch cảm cúm là do các vi rút gây bệnh từ nước bọt, mũi và đờm của người bệnh thông qua không khí truyền sang người bình thường, tính lan truyền của nó rất mạnh gây nên bệnh dịch.
Biểu hiện của bệnh: Người mắc vi rút truyền nhiễm thường có các biểu hiện như: lúc nóng, lúc lạnh, sốt tương đối cao, đau đầu, toàn thân nhức mỏi, thường thì sau khi hạ sốt sẽ có các triệu chứng như là ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng v.v… khiến cho thể lực của người bệnh tiêu hao lớn và hồi phục chậm.
Cách điều trị:
Phụ nữ mang thai tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc vì tác dụng phụ của thuốc có thể dẫn đến sảy thai, dị tật thai, nhiễm độc thai nghén… cách tốt nhất là đi gặp bác sỹ để được khám và chữa bệnh kịp thời. Nếu triệu chứng của bệnh nhẹ hơn, bà bầu có thể tham khảo các biện pháp điều trị theo phương pháp dân gian: sử dụng nước muối loãng súc miệng và vệ sinh mũi. Uống nhiều nước để làm loãng đờm và thải độc tố. Uống nước mật ong thêm gừng hoặc chanh nóng.
Nếu nghẹt mũi có thể chùm một chiếc khăn lên đầu rồi đưa bát nước nóng có thêm hai hoặc ba giọt tinh dầu bạch đàn, bạc hà và xông trong 15 phút sẽ dễ thở hơn.
Lời khuyên hữu ích:
Để phòng ngừa bệnh cúm tốt nhất là chủng ngừa trước khi mang bầu 3 tháng. Ngoài ra, để cơ thể tăng cường hệ miễn dịch cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tinh thần tốt không nên tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cúm. Cần vệ sinh mũi, họng thường xuyên vài lần/ngày bằng nước muối sinh lý.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue (Đăn-gơ) gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách… Muỗi vẵn có thể chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.
Sốt xuất huyết rất nguy hiểm
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, nhưng có chiều hướng gia tăng vào mùa mưa, bệnh có thể bộc phát thành dịch, đe dọa sức khỏe của cả cộng đồng. Bệnh nguy hiểm vì chưa có thuốc trị đặc hiệu và thuốc phòng ngừa, bệnh có thể trở nặng bất ngờ, gây tử vong cao.
Nếu thai phụ bị sốt xuất huyết thì cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa đến tính mạng vì bệnh khó điều trị hơn so với người bình thường.
Thai phụ bị sốt có thể dẫn đến suy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như chảy máu khó cầm, tiền sản giật…, dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Tình trạng thiếu hụt tiểu cầu đặc biệt nguy hiểm đối với thai phụ mắc sốt xuất huyết có biểu hiện sốc hoặc tiền sốc. Đây là yếu tố gây tiền sản giật, có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, chảy máu không cầm được hay co giật khi chuyển dạ. Còn thai nhi sẽ chậm phát triển, suy thai, thậm chí thai chết lưu. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, sản phụ có thể bị các biến chứng rau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần hoặc tử vong.
Cách điều trị
Hiện nay chưa có thuốc chữa bệnh đặc hiệu và cũng chưa có vacxin phòng bệnh, biện pháp chủ yếu để phòng chống là diệt muỗi truyền bệnh bằng các biện pháp vệ sinh nơi ở và môi trường chung quanh, đặc biệt là các điểm nước tù đọng, môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản.
Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện ban đầu giống hệt các triệu chứng sốt virus khác nên nhiều người chủ quan tự ý mua thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, nếu bị sốt xuất huyết mà uống một số loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ sẽ cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là với phụ nữ mang thai.
Khi bị sốt xuất huyết mà uống thuốc Aspirin sẽ làm cho bệnh nhân bị chảy máu nặng, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh sốt xuất huyết đã có triệu chứng xuất huyết và dễ có biểu hiện rối loạn đông máu, thuốc Aspirin làm máu khó đông nên dẫn đến tình trạng chảy máu nặng không cầm ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Bệnh diễn biến tự khỏi, các thuốc sử dụng cho bệnh nhân sốt xuất huyết chủ yếu để điều trị hạ sốt, bù nước và điện giải, chống chảy máu, chống suy tuần hoàn (nếu có). Tuy nhiên, cần đưa đến bệnh viện ngay khi người bệnh có một trong những dấu hiệu như: Chân tay lạnh và mạch nhanh, yếu; Nằm li bì, bỏ ăn uống; Đau bụng vùng gan, kèm nôn ói; Chảy máu mũi, máu răng; Nôn ra máu hoặc tiêu phân đen.
Theo Dinh dưỡng