Trong khi nhiều chủng virus cúm tồn tại trong điều kiện khí hậu thuận lợi, các chuyên gia dịch tễ đang lo ngại chủng cúm mới có thể tái tổ hợp, hung hãn hơn và gây dịch ở Việt Nam
Chích ngừa cúm A tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Mới đây, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ vừa có cảnh báo sau khi phát hiện nhiều bệnh nhân mắc một chủng cúm mới được xác định là do tái tổ hợp từ chủng cúm A/H1N1 (gây đại dịch năm 2009) và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ heo.
Chủ động phòng, chống
Sau khi nhận thông tin nói trên, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết vừa có công điện yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động phòng, chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan ở Việt Nam. Trong thời điểm này, việc kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt là theo dõi những người bị sốt, có biểu hiện cúm đến từ khu vực có dịch sẽ được tăng cường tại các điểm giám sát cúm quốc gia. Cùng đó, các chùm ca bệnh cúm, trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus tại cộng đồng cũng sẽ được lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên.
Theo ông Bình, virus cúm A/H1N1 đã trở thành chủng lưu hành, được đánh giá có khả năng lây lan nhanh nhưng không phải độc lực mạnh. Hơn nữa, bản thân chủng virus cúm A/H1N1 gây đại dịch qua phân lập đã phát hiện có các đoạn gien của cúm A/H5N1, cúm heo và cúm A/H1N1 cũ. “Trong một số trường hợp, khi các chủng virus kết hợp với nhau, độc lực giảm nhưng không loại trừ một chủng mới được tạo thành sẽ nguy hiểm hơn”- ông Bình quan ngại.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết lo ngại về một chủng virus cúm mới có thể xảy ra tại Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Tại Việt Nam, điều kiện môi trường, khí hậu, độ ẩm rất thuận lợi cho virus cúm phát triển. Thêm vào đó, lại có rất nhiều chủng virus cúm lưu hành, gây bệnh như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, cúm B… Vì thế, nguy cơ các chủng virus cúm tái tổ hợp là rất cao.
“Virus cúm A thường xuyên thay đổi cấu trúc kháng nguyên để thích nghi với môi trường nên dễ gây dịch nguy hiểm. Chỉ một thay đổi nhỏ về kháng nguyên cũng sẽ gây dịch, vì thế đây là một trong những virus khó đối phó nhất. Từ nhiều năm trước, các chuyên gia dịch tễ đã cảnh báo các chủng virus cúm sẽ “liên kết” với nhau biến đổi và trở nên hung hãn hơn”- bác sĩ Hà cho biết.
Chưa đánh giá được mức độ nguy hiểm
Trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm, đặc biệt là virus cúm A/H5N1 với virus A/H3N2, A/H1N1 hay virus cúm ở heo tạo ra tuýp mới có độc lực cao, lan truyền mạnh trên người hay động vật có vú.
Bác sĩ Hà cho biết với chủng virus cúm A/H1N1 gây đại dịch, đến thời điểm này, được coi như một loại cúm mùa thông thường với các triệu chứng sốt cao, đau người, đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi, đau họng… Chủng virus này tồn tại trong môi trường không khí cùng với các chủng virus cúm A/H3N2, cúm B. Phần lớn người mắc cúm thường sẽ tự khỏi và ít mắc lại do cơ thể đã có miễn dịch. Tuy nhiên, trong trường hợp các chủng virus này tái tổ hợp thành chủng cúm mới sẽ khiến người mắc mất khả năng miễn dịch và dễ gây dịch.
“Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc chủng virus cúm mới tái tổ hợp từ hai cúm A/H1N1 và A/H3N2, vì thế chưa biết mức độ nặng, nhẹ thế nào. Nếu tách rời nhau, đây chỉ là chủng cúm bình thường nhưng cũng không loại trừ khi chúng kết hợp với nhau lại trở nên nguy hiểm. Tuy nhiên, vấn đề mà các chuyên gia dịch tễ lo lắng chính là khi virus cúm A/H1N1 kết hợp với cúm A/H5N1 thành chủng virus mới. Nếu một chủng virus có tốc độ lây lan nhanh như A/H1N1 “liên kết” với virus cúm A/H5N1 có độc lực mạnh thì cực kỳ nguy hiểm. Trong trường hợp thành dịch, thiệt hại về người không thể lường trước được. Đây không chỉ là nỗi khiếp sợ ở Việt Nam mà với cả thế giới”- bác sĩ Hà lo ngại.
Theo các chuyên gia dịch tễ, cúm vẫn là bệnh của đường hô hấp. Trong điều kiện lạnh và ẩm thấp, virus cúm thường sống rất dai. Riêng với virus cúm A/H5N1, chúng có thể sống cả trong điều kiện môi trường lạnh khô và nóng ẩm nên càng phải cảnh giác. “Nếu trong cùng thời điểm mà nhiều bệnh nhân có hội chứng cúm, thậm chí có người tử vong, cần tập trung xét nghiệm và tìm nguyên nhân để có biện pháp đối phó. Những người đã từng nhiễm một hoặc nhiều chủng virus cúm nói trên nhưng khi chúng kết hợp tạo thành một chủng mới thì miễn dịch vốn có ấy cũng mất tác dụng. Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính là những đối tượng có nguy cơ cao cần đến cơ sở y tế để khám kịp thời khi xuất hiện các biểu hiện cúm”- bác sĩ Hà lưu ý.
Ngọc Dung
Theo Báo người lao động